Lãnh đạo Bộ nghe báo cáo về định hướng lớn xây dựng và nội dung cơ bản của một số dự thảo văn bản, đề án

19/09/2016
Lãnh đạo Bộ nghe báo cáo về định hướng lớn xây dựng và nội dung cơ bản của một số dự thảo văn bản, đề án
Sáng 19/9, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Nguyễn Khánh Ngọc, Lê Tiến Châu đã nghe các đơn vị báo cáo về định hướng lớn xây dựng và nội dung cơ bản của một số dự thảo văn bản, đề án.
Mở rộng phạm vi hoạt động của Thừa phát lại
Báo cáo về những định hướng lớn xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP về Thừa phát lại (Nghị định), Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: Nghị định quy định tương đối toàn diện các vấn đề tổ chức và hoạt động Thừa phát lại, gồm: quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề Thừa phát lại, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại đối với hoạt động của Thừa phát lại và quản lý nhà nước về Thừa phát lại. Trên cơ sở quy định hiện hành về nội dung này và ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan thuộc Bộ, phạm vi điều chỉnh của Nghị định đã bỏ nội dung “quy định về giải quyết tố cáo và kiểm sát đối với hoạt động Thừa phát lại”, bổ sung cụm từ “quản lý nhà nước về Thừa phát lại”.
Đồng thời, nhằm giúp các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động hiệu quả và phát triển, Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi hoạt động của Thừa phát lại trong 3 lĩnh vực này theo hướng: (1) Thừa phát lại được tống đạt cả các văn bản bản theo yêu cầu của đương sự trong các vụ án dân sự, thực hiện tống đạt văn bản theo Công ước La Hay 1965 và tống đạt văn bản của các cơ quan tổ chức khác; (2) Mở rộng việc lập vi bằng ra ngoài các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại; (3) Thừa phát lại được xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án thuộc thẩm quyền của các cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi toàn quốc.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: các nghề bổ trợ tư pháp nói chung, nghề Thừa phát lại nói riêng luôn phải có định hướng chính sách rõ ràng. Đây là đối tượng được nhà nước bổ nhiệm để thực hiện những công việc nhà nước trao quyền nên không được chạy theo số lượng mà phải chú trọng tới chất lượng, uy tín, đảm bảo công lý, công bằng. Thứ trưởng cũng cho rằng để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho nghề này phát triển thì việc đưa ra tiêu chuẩn cao, quản lý chặt chẽ sẽ phù hợp và cần thiết hơn những quy định mang tính chất hành chính.
Đồng tình với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng như nội dung báo cáo của Cục Bổ trợ Tư pháp, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho rằng cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ Thừa phát lại thông qua tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhắc nhở cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý tới sự thống nhất giữa quan điểm xây dựng Nghị định và những nội dung cụ thể trong Nghị định.
Kết luận nội dung này, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định: đây là một vấn đề khó, nhưng phải quyết tâm thực hiện một cách hiệu quả và khả thi. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý cần nhận thức rõ ràng về chế định thừa phát lại, phân định rõ ràng công việc của thi hành án và thừa phát lại, đảm bảo thừa phát lại có thể tự chủ và tồn tại theo cơ chế thị trường. Đối với các nội dung cụ thể, Bộ trưởng cơ bản đồng tình với báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp nhưng đề nghị cần nghiên cứu cơ sở thực tiễn, căn cứ pháp lý để xây dựng các quy định cho phù hợp.
Trường Đại học Luật Hà Nội: đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu
Trình bày Dự thảo Đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk (Phân hiệu), Phó Hiệu trưởng Chu Mạnh Hùng cho biết:  Việc thành lập Phân hiệu là nhằm tạo cán bộ làm công tác pháp luật (cán bộ quản lý, hành chính, nhân sự, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tư vấn và các dịch vụ pháp lý khác…) có chất lượng cao, cung cấp nhân lực cho các cơ quan nhà nước của trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Khu vực miền Trung và Tây Nguyên; phục vụ mục tiêu mở rộng quy mô đào tạo của Trường nói riêng và xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật nói chung..
Thứ trưởng Lê Tiến Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh: nhu cầu đào tạo cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên là có thật. Với các yếu tố thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên, giáo trình, tài liệu..., việc thành lập Phân hiệu thời điểm hiện nay hiện nay là phù hợp và cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đều mong muốn nhà trường nghiên cứu rõ nhu cầu thực tiễn để đảm bảo tính khả thi của Đề án, đặc biệt chú trọng chất lượng đào tạo chứ không chạy theo số lượng.
Hoan nghênh quyết tâm của Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý việc thành lập Phân hệ phải đảm bảo theo cơ chế thị trường, cân đối bài toán kinh tế và đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Đây là một vấn đề lớn nên cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng, chi tiết, đảm bảo khả thi và hiệu quả
Cũng trong chương trình cuộc họp, lãnh đạo Bộ cho ý kiến về  nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Định hướng lớn xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Nghị định sửa đổi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.