Chỉnh lý hồ sơ đề nghị xây dựng DA Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh

08/08/2016
Chỉnh lý hồ sơ đề nghị xây dựng DA Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh
Chiều ngày 08/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh theo ý kiến của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2015. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Đặng Huy Đông đồng chủ trì.
Trước đó, ngày 01/8/2016, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh (sau đây gọi là dự án Luật) tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. Ngày 5/8/2016,, Chính phủ ra Nghị quyết số 71/NQ-CP về Phiên họp này, trong đó cho ý kiến về việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật. Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP nêu trên và ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý hồ sơ đề nghị.
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, những ý kiến của Chính phủ đã được Bộ Tư pháp tiếp thu là về mục tiêu xây dựng dự án Luật, phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự án Luật. Theo đó, Bộ Tư pháp đã bổ sung vào mục tiêu xây dựng dự án Luật là: “hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng loại bỏ các rào cản trong quy định pháp luật, tại môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước”; bổ sung vào phạm vi sửa đổi 02 Luật là Luật đấu thầu và Luật quy hoạch đô thị; đồng thời, đổi tên dự án Luật từ “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh” thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh”.
 
Đa số ý kiến đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí với dự kiến những vấn đề giải trình mà Bộ Tư pháp nêu trong Báo cáo, trong đó có ý kiến giải trình về những kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Theo đó, các đại biểu tham dự họp đều cho rằng, có nhiều vấn đề mà VCCI kiến nghị đã được tổng hợp, báo cáo Chính phủ để đề nghị sửa đổi, bổ sung tại Phiên họp thường kỳ tháng 7; một số nội dung nếu sửa đổi, bổ sung sẽ không phù hợp với điều kiện thực tế và ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước; một số vấn đề đã được quy định cụ thể trong luật và văn bản quy định chi tiết thi hành hoặc đã được xử lý ở nghị định của Chính phủ; một số kiến nghị không rõ ràng và chưa chính xác và đặc biệt là một số vấn đề sẽ được nghiên cứu để sửa đổi toàn diện các luật trong năm 2017 hoặc sẽ được rà soát trong quá trình rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực hiện cam kết quốc tế. Chẳng hạn như kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật lao động; Luật thương mại; Luật công đoàn; Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa Luật sở hữu trí tuệ Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật...

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đều thống nhất quan điểm cho rằng, việc tổ chức cuộc họp và những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành tại cuộc họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xác định phạm vi và chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung. Dự án Luật này sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, tinh thần chung của Chính phủ là quyết liệt thay đổi những vấn đề tác động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, ngoài 12 luật như trong đề nghị đã được chỉnh lý, nếu các luật khác có vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì cần phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung phải quán triệt tinh thần không làm đảo lộn hoạt động quản lý nhà nước của các bộ ngành. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng nhấn mạnh thêm, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư ra đời trong bối cảnh tiệm cận với một cách thức làm luật mới, với tôn chỉ mục đích lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, do vậy, các luật sau này cũng cần phải phát huy tinh thần đổi mới phương thức quản lý nhà nước hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phát huy tính kiến tạo và phục vụ của bộ máy nhà nước.
Li Mi