Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Có bước đi phù hợp, từng bước xã hội hóa công chứng

05/08/2016
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Có bước đi phù hợp, từng bước xã hội hóa công chứng
Chiều hôm qua (4/8), tại Kiên Giang, Hội Công chứng viên (CCV) tỉnh Kiên Giang tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2016-2020. Đến dự đại hội có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Đoàn công tác của Bộ cùng đại diện UBND tỉnh Kiên Giang; Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp; lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tại Đại hội, ông Lâm Minh Công, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang cho biết Hội Công chứng viên tỉnh Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh Kiên Giang. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các CCV với 27 Hội viên, có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết hội viên nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và giám sát việc tuân thủ pháp luật của hội viên; tạo điều kiện cho các công chứng viên nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề công chứng.
Đại hội lần này thông qua định hướng hoạt động của Hội CCV tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021 với các nội dung trọng tâm như: Quan tâm phối hợp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới về công chứng và kỹ năng, nghiệp vụ công chức cho hội viên và nhân viên các tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức tọa đàm, triển khai và thường xuyên kiểm tra, quán triệt các quy tắc đạo đức hành nghề công chứng nhằm đảm bảo các hội viên tuân thủ Điều lệ Hội và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; động viên, khen thưởng các hội viên có nhiều thành tích trong hoạt động hành nghề công chứng... nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề công chứng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu, thời gian qua công chứng trên địa bàn cơ bản đảm bảo tốt nhu cầu của người dân. Nhiệm kỳ đầu tiên này, đại hội đề ra mục tiêu bảo đảm cho Hội CCV tỉnh hoạt động hiệu quả, thiết thực, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công chứng viên; tham gia xây dựng các chuẩn mực của nghề công chứng, phát triển hội viên đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động công chứng của tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn về mặt pháp lý các giao dịch trên địa bàn tỉnh. “Đây không chỉ là tổ chức hội nghề nghiệp đơn thuần mà còn là nơi để các công chứng viên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị hội nghị tập trung, giới thiệu, lựa chọn những công chứng viên thật sự tiêu biểu, có năng lực nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, ý thức đoàn kết vì hoạt động tập thể, có bản lĩnh chính trị và nhiệt tình, năng động trong hoạt động hội, tâm huyết với nghề công chứng để bầu vào Ban chấp hành hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu sớm ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả; tăng cường phát huy trí tuệ tập thể của đội ngũ công chứng viên, đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh và sự ủng hộ của các sở, ban ngành địa phương. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hoàn thiện thể chế công chứng, xác định rõ phạm vi của công chứng, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này” - là một chủ trương lớn của Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”…
Đại hội đã bầu ra 7 ủy viên Ban Chấp hành Hội CCV tỉnh Kiên Giang, khóa I, nhiệm kỳ 2016-2021 với ông Nguyễn Thanh Lâm - Trưởng phòng Công chứng số 1 là Chủ tịch Hội và 3 ủy viên Khen thưởng, kỷ luật do bà Nguyễn Thị Hoa - hiện là Trưởng VP công chứng Minh Lương làm Trưởng ban. 
Hà Vy- Thành Thật
 
920 tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, hoạt động công chứng đã có những bước phát triển quan trọng, đáp ứng nhu cầu công chứng ngày càng tăng của người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tính đến nay, cả nước có 920 tổ chức hành nghề công chứng với gần 1.900 công chứng viên đang hành nghề. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng trên 2 triệu hợp đồng, giao dịch, đóng góp cho ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế 290 tỷ đồng. Qua đó, đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương, đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển xã hội.