Cuộc họp lần Thứ 6 Nhóm công tác về Sáng kiến Hài hòa hóa pháp luật thương mại giữa các nước ASEAN

21/10/2015
Cuộc họp lần Thứ 6 Nhóm công tác về Sáng kiến Hài hòa hóa pháp luật thương mại  giữa các nước ASEAN
Trước thềm Hội nghị lần thứ 16 Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM 16), chiều ngày 18/10/2015 đã diễn ra phiên họp lần thứ 6 Nhóm công tác về hài hòa hóa pháp luật thương mại giữa các nước ASEAN dưới sự chủ trì của Xinh-ga-po, nước đề xuất sáng kiến này. Tham dự cuộc họp có đại diện của 10 nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN. Toàn Đoàn liên ngành của Việt Nam tại ASLOM 16 cũng đã tham dự Phiên họp Nhóm này.

Hài hòa hóa pháp luật thương mại ASEAN là Sáng kiến do Xinh-ga-po đề xuất. Hài hòa hóa pháp luật thương mại là một vấn đề mới và phức tạp do các quy định pháp luật giữa các nước ASEAN là khác nhau. Các hiệp định trong ASEAN về thương mại hoặc có liên quan đến thương mại bao gồm: Hiến chương ASEAN, Quy định chung về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint); Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định khung về dịch vụ của ASEAN (AFAS) ...

Hài hòa hóa pháp luật thương mại ASEAN được các nước thành viên trao đổi, thảo luận trong các diễn đàn, phiên họp gần đây. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu và các nước chưa thống nhất được các nội dung cụ thể. Xinh-ga-po đã xây dựng bảng câu hỏi về hài hòa hóa pháp luật thương mại ASEAN và gửi tới các nước thành viên để lấy ý kiến. Bên cạnh các yêu cầu hài hòa hóa pháp luật ASEAN mang tính bắt buộc thông qua các cam kết, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các quốc gia ASEAN cũng có nhiều nỗ lực trong việc triển khai hài hòa hóa pháp luật tự nguyện, đặc biệt là thông qua Nhóm công tác kiểm tra các vấn đề hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN. Tuy nhiên, các nghiên cứu, đề xuất của Nhóm công tác này hiện tại mới chỉ dừng lại ở 4 lĩnh vực (trọng tài, mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ).

Tại cuộc họp lần này, đại diện các nước đã trao đổi và cập nhật thông tin về những thay đổi về pháp luật của các nước mình liên quan tới 4 lĩnh vực nêu trên, trong đó chủ yêu là lĩnh vực trong tài thương mại và Mua bán hàng hóa quốc tế. Ngoài ra, Nhóm công tác cũng đã thảo luận một số đề xuất mới của Xinh-ga-po nêu ra trong Phiên họp này.

Bà Đặng Hoàng Oanh - Trưởng ASLOM Việt Nam cũng chia sẻ một số thông tin về những nội dung nói trên, cụ thể là: các nội dung về hoàn thiện pháp luật trọng tài trong đó đề cập đến những vướng mắc xung quanh việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cũng như việc thực thi Công ước năm 1958 về công nhận và thi hành Quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại với việc xây dựng Nghị định về hoà giải thương mại – một chế định pháp luật khác so với chế định hoà giải ở cơ sở của Việt Nam hiện nay; việc thực thi Luật Thương mại điện tử; gia nhập Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế. Cụ thể là:

1. Về trọng tài:

Việt Nam đã triển khai nhiều nội dung liên quan đến việc nghiên cứu về hài hoà hoá pháp luật thương mại giữa các quốc gia thành viên trong lĩnh vực trọng tài. Việt Nam chia sẻ quan điểm ưu tiên đẩy mạnh việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án với những ưu thế đặc biệt của nó so với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Tòa án. Về cơ bản, pháp luật về trọng tài của Việt Nam đã khá toàn diện, tuy nhiên việc thực thi chế định công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó có cả nguyên nhân từ nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là thẩm phán, thực thi chế định này còn chưa đầy đủ và nghiêm túc.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này thông qua việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự; tăng cường năng lực thực thi Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (như chỉ định cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Công ước, đào tạo, tập huấn cho các bộ, đẩy mạnh tham gia các hoạt động của UNCITRAL về trọng tài và hoà giải); xây dựng Nghị định về hoà giải thương mại điều chỉnh cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án với nhiều ưu thế nổi trội hơn cả chế định trọng tài và Tòa án.

Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục cùng chia sẻ, trao đổi thông tin về nội dung này và đề nghị Xinh-ga-po, với tư cách là nước chủ trì Sáng kiến và là nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tăng cường năng lực cán bộ pháp luật về nội dung này theo phương thức Xinh-ga-po đã và đang triển khai (tổ chức các hội thảo hoặc khoá đào tạo chuyên sâu về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL)...

2. Về thương mại điện tử:

Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Xinh-ga-po trong việc cập nhật thông tin về pháp luật thương mại điện tử của Việt Nam trong hệ cơ cở dữ liệu thông tin pháp luật về thương mại điện tử của các nước thành viên, phục vụ việc nghiên cứu và hoàn thiện chế định pháp luật này.

Đề xuất của Việt Nam về vấn đề này là để giữ tính thống nhất về mặt pháp luật thương mại điện tử trong môi trường quốc tế, các nước ASEAN chưa nên  xây dựng Luật mẫu về giao dịch điện tử dành riêng cho khu vực ASEAN mà chỉ nên cân nhắc việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL). Đối với đề xuất  xây dựng một thỏa thuận của ASEAN về hài hòa hóa pháp luật thương mại điện tử liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế, Việt Nam đề nghị Xinh-ga-po với tư cách là nước chủ trì Sáng kiến cần làm rõ khái niệm, tiếp tục cập nhật các nội dung trao đổi, thảo luận và các đề xuất cụ thể của các nước (nếu có) để qua đó xây dựng phương án, quan điểm của Xinh-ga-po về vấn đề này.

3. Về mua bán hàng hoá quốc tế:

Liên quan đến nội dung nghiên cứu khả năng xây dựng một Thoả thuận trong ASEAN về hài hoà hoá pháp luật thương mại về Mua bán hàng hoá quốc tế, Việt Nam đã hoàn thành việc trình phê duyệt Đề xuất gia nhập Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Việt Nam cho rằng việc gia nhập Công ước Viên sẽ tạo thuận lợi cho việc hài hòa hóa pháp luật thương mại giữa các nước ASEAN.

Bên cạnh việc đánh giá những thuận lợi trong hợp tác ASEAN về hài hòa hóa pháp luật thương mại, đại diện Đoàn Việt Nam cũng chia sẻ những khó khăn (gồm cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan), dẫn đến việc triển khai công tác này trong ASEAN còn chưa được thực hiện hiệu quả. Những khó khăn này thể hiện ở lý do khách quan các quốc gia thành viên ASEAN có các hệ thống pháp luật khác nhau; trong khi đó mặc dù ASEAN quyết tâm xây dựng một cộng đồng dựa trên quy tắc luật lệ (rules-based), nhưng việc đồng thuận thiết lập và áp dụng các luật lệ chung trong ASEAN còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. ASEAN chưa có một thiết chế hữu hiệu như Tòa án tư pháp của Liên minh châu Âu (CJEU, trước đây là ECJ) để đảm bảo các luật lệ chung đó được tôn trọng và áp dụng ở tất cả các quốc gia thành viên. Trong khi đó, mặc dù nội bộ ASEAN có các cơ chế giải quyết tranh chấp nhưng chưa được áp dụng trên thực tế (Nghị định thư ASEAN về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp 2004 (cho các vấn đề kinh tế); Nghị định về cơ chế giải quyết tranh chấp 2010 (cho các vấn đề khác). Ngoài ra, Cộng đồng ASEAN chưa có một hệ thống các thiết chế xây dựng các quy định pháp lý cho Cộng đồng như của Liên minh châu Âu (gồm: Nghị viện EU, Hội đồng EU và Ủy ban châu Âu).

Bên cạnh các yêu cầu hài hòa hóa pháp luật ASEAN mang tính bắt buộc thông qua các cam kết, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các quốc gia ASEAN cũng có nhiều nỗ lực trong hài hòa hóa pháp luật tự nguyện, đặc biệt là thông qua Nhóm công tác kiểm tra các vấn đề hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN. Tuy nhiên, các nghiên cứu, đề xuất của Nhóm công tác này hiện tại chỉ dừng lại ở 4 lĩnh vực (trọng tài, mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ), diễn ra tương đối chậm, trong đó chỉ đang tập trung vào 2 lĩnh vực (trọng tài, mua bán hàng hóa quốc tế).

Về một số đề xuất mới của Xinh-ga-po nêu ra trong Phiên họp Nhóm Công tác lần này:

1. Thành lập nhóm Công tác ASLOM nghiên cứu Công ước La Hay về lựa chọn Toà án:

Về vấn đề này, Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng Công ước về Thỏa thuận lựa chọn tòa án là Công ước mới, nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền tài phán, vấn đề công nhận và thi hành bản án của tòa án nước ngoài. Hơn nữa, đến nay Công ước vẫn chưa có hiệu lực và chưa có nhiều nước tham gia (mới chỉ có 01 nước phê chuẩn và 02 nước ký gia nhập). Vì vậy, trước khi đưa nội dung này vào Chương trình hợp tác chính thức trong khuôn khổ các Nhóm Công tác ASEAN, các nước ASEAN cần có xem xét, đánh giá ban đầu về nhu cầu của quốc gia đối với Công ước cũng như tác động của Công ước đối với môi trường đầu tư và thương mại của các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đề nghị Xinh-ga-po, với vai trò là nước đưa ra đề xuất này, xây dựng một Kế hoạch triển khai thực hiện để các nước ASEAN cùng tham khảo, nhằm xem xét việc đưa nội dung nghiên cứu, gia nhập Công ước về thỏa thuận lựa chọn tòa án vào hoạt động hợp tác về tăng cường tương trợ tư pháp trong khuôn khổ ASEAN.

2. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa với ASLOM về hài hoà hoá pháp luât thương mại: cụ thể là đề xuất về hướng dẫn của ALA về điển hình tốt trong thực hiện phán quyết trọng tài trong ASEAN (ALA Guidelines on best practice on the enforcement of arbitration’ awards within ASEAN):

Việt Nam cho biết, đây là vấn đề mới và Việt Nam cũng như một số nước thành viên khác  như Lào, Thái Lan, Myanmar… chưa nhận được các tài liệu cụ thể về đề xuất này; nội bộ các cơ quan trong nước của từng quốc gia  cũng chưa có sự trao đổi, thống nhất  nên chưa có thời gian nghiên cứu kỹ... Cơ chế phối hợp giữa ASLOM và ALA trên bình diện khu vực (ASEAN) cũng như giữa các cơ quan pháp luật, tư pháp của từng nước với các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp trên bình diện quốc gia là vấn đề cần  phải có thời gian để nghiên cứu, thống nhất. Về phần Việt Nam, Sáng kiến về hài hoà hoá pháp luật thương mại được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Việc Nam đánh giá cao việc Hội luật gia Việt Nam và các nước triển khai Sáng kiến về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong khuôn khổ ALA. Tuy nhiên để Sáng kiến này được triển khai hiệu quả, cần phải có cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp cụ thể, tránh việc thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và đặc biệt là hạn chế tính cát cứ trong việc triển khai các Sáng kiến chung ASEAN ngay giữa cùng các thiết chế pháp luật của Hiệp hội này.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Việt Nam và các nước thành viên, Xinh-ga-po nhất trí sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất rõ hơn  về phương thức, cơ chế và nội dung triển khai Sáng kiến về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN, tiếp tục trình thảo luận trong các phiên họp của ASLOM  và ALAWMM. Cuộc họp thống nhất giao Xinh-ga-po soạn thảo Bảo cáo kết quả phiên họp trình Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN.

        Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp đưa tin từ Ba li – Indonexia

Các tin đã đưa:

Khai mạc Hội nghị lần thứ 16 Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN