Khai mạc Hội nghị lần thứ 16 Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN

21/10/2015
Khai mạc Hội nghị lần thứ 16 Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN
Hội nghị lần thứ 16 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM 16) đã diễn ra trong các ngày 19-20/10/2015 tại Ba li Indonexia với sự tham dự của các đoàn đại biểu 10 nước thành viên ASEAN và đại diện Ban Thư ký ASEAN. ASLOM 16 là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ của Hội nghị  lần thứ 9 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN do  Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonexia đăng cai tổ chức, nhằm chuẩn bị các nội dung trình lên Hội nghị lần thứ 9 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM 9). Đoàn Việt Nam tham dự ASLOM 16 gồm các cán bộ liên ngành tư pháp, công an, kiểm sát, do Bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn đã hoạt động tích cực tại  Hội nghị.

Tại hội nghị ASLOM 16, quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN sẽ xem xét các vấn đề chính được thảo luận và thông qua tại ASLOM 14 và ALAWMM 8 (tổ chức tại Campuchia năm 2012) và ASLOM 15 (tổ chức năm 2014 tại Lào). Các nước thành viên sẽ trình bày báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung về 1) Xây  dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; 2) Báo cáo về Diễn đàn pháp luật ASEAN; 3) Báo cáo về việc trao đổi các đoàn khảo sát của các quan chức pháp luật ASEAN; 4) Chương trình của các quan chức pháp luật ASEAN; 5) Xây dựng cơ quan thông tin pháp luật ASEAN (ALIA); 6) Cập nhật Danh bạ các Cơ quan pháp luật của các nước ASEAN; 7) Xây dựng  các Hiệp định khu vực/tiểu khu vực về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự:  Hiệp định dẫn độ (Malaysia); 8) Xây dựng Luật mẫu về an ninh hàng hải; 9) Tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa các nước thành viên ASEAN, trong đó có việc soạn thảo Hiệp định của ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ (Việt Nam); 10) Xây dựng mô hình hài hòa hóa pháp luật thương mại giữa các nước ASEAN; 11) Hiệp định ASEAN về bảo tồn bờ biển và môi trường biển; 12) Tự do hoá thương mại dịch vụ pháp lý giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; 13) Hội nghị Khu vực về Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật giữa các nước ASEAN (đề xuất của Indonexia); 14) Đề xuất của Ma-lai-xi-a về Hiệp định ASEAN về Chuyển giao tù nhân (ASEAN Transfer of Prisoners) người chấp hành hình phạt tù và đề xuất của Phi-lip-pin về Công ước ASEAN về chuyển giao người thi hành án phạt tù (ASEAN Convention of Transfer of Sentenced Persons (ACTSP; 15) Đề xuất của Thái Lan về Hội nghị ASEAN về Nhà nước pháp quyền và Tư pháp hình sự; 16) Tòa án tốt và Diễn đàn hợp tác tư pháp (Ban Thư ký ASEAN).

Bên cạnh việc rà soát, cập nhật tình hình thực hiện các Sáng kiến đã được phê duyệt tại các Hội nghị Bộ trưởng trước đây, ASLOM 16 cũng thảo luận về các Sáng kiến mới của các thành viên ASEAN, trong đó có 3 Đề xuất của Singapore về 1) Thành lập nhóm công tác nghiên cứu về Công ước Lahay ngày 30/6/2005 về lựa chọn Tòa án; 2) Xây dựng Luật mẫu về thực thi hiệu quả Hiệp định ASEAN về chống ô nhiễm khói xuyên biên giới; 3) Đề xuất về Cơ chế điều phối và phối hợp giữa ASLOM về hài hòa hóa pháp luật thương mại của các nước thành viên ASEAN; và 4) Sáng kiến của Indonexia về thành lập Nhóm công tác nghiên cứu các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền của người lao động nhập cư.

ASLOM 16 dự kiến cũng sẽ nghe Ban Thư ký ASEAN cập nhật về 1) tiến độ hình thành Cộng đồng ASEAN tầm nhìn tới năm 2025, trong đó có Báo cáo của Nhóm công tác cấp cao về tăng cường năng lực hội nhập ASEAN và 2) Báo cáo về Hội nghị Thi hành án dân sự của các nước ASEAN được tổ chức tại Thái Lan năm 2015.

Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình trong việc đóng góp tích cực cho việc thảo luận, đề ra các phương hướng nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình, kế hoạch hợp tác pháp luật đã đề ra theo các khuôn khổ và lộ trình đã xác lập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trưởng đoàn Việt Nam tham dự ASLOM 16, bà Đặng Hoàng Oanh đã có bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của ASEAN  từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, từ một thực thể nhỏ bé ở Đông Nam Á đã trở thành  một tổ chức liên kết chặt chẽ, một bộ máy hoàn chỉnh và một đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng; nhận thức những thời cơ, vận hội mới cũng như những thách thức không nhỏ cần vượt qua trước ngưỡng cửa đi vào cộng đồng của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực mà việc tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt là cơ hội được nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế trong nước cơ bản tương thích và đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế nói chung và tham gia Cộng đồng ASEAN nói riêng. Trưởng đoàn ASLOM Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để định hướng phát triển và giải quyết các quyết sách lớn của ASEAN, góp phần duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình và phát triển ở khu vực. Trong bối cảnh ASEAN đang đẩy nhanh liên kết, khẩn trương hướng tới mốc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 với mục tiêu xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, hơn lúc nào hết việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp càng cần được quan tâm, đẩy mạnh, góp phần tạo dựng những cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển nội khối. Các mục tiêu và khuôn khổ cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong những năm tới nói riêng và mục tiêu xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN trong tương lai không thể hoàn thành nếu thiếu một nền tảng pháp lý vững chắc, nhằm cụ thể hóa các cam kết chính trị thành các ràng buộc mang tính pháp lý giữa các quốc gia thành viên, hoạt động theo pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.

ASLOM 16 sẽ tiến hành họp các phiên toàn thể trong 2 ngày 19 và 20/10. ASLOM 16 cũng sẽ xem xét Báo cáo và kiến nghị của Nhóm công tác ASEAN về hài hòa hóa pháp luật thương mại, do Singapore chủ trì tổ chức ngay trước ngày diễn ra Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (18/10).  Dự kiến trong lần họp này, đoàn Việt Nam cũng sẽ trình bày báo cáo cập nhật tình hình  triển khai nhiệm vụ của Nhóm công tác do Việt Nam chủ trì để xây dựng Hiệp định ASEAN về Apostille,  đề xuất giải pháp mới, phù hợp hơn trong bối cảnh Việt Nam và một số quốc gia ASEAN đã và đang chuẩn bị trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế cũng như các Công ước của Hội nghị này.

Đại biểu Việt Nam và các nước thành viên hy vọng các Sáng kiến đã được thông qua tại các kỳ ALAWMM trước đây, cùng những Sáng kiến sẽ tiếp tục được thông qua tại ASLOM và ALAWMM 9 lần này, sẽ được tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đưa hợp tác pháp luật và tư pháp trong ASEAN đi vào thực chất hơn, góp phần xây dựng Cộng đồng pháp luật và tư pháp ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất, đề ra được những giải pháp về khía cạnh pháp lý góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong một môi trường ASEAN hòa bình và ổn định, một ASEAN  “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”.

Tin tức về kết quả Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN sẽ tiếp tục được cập nhật từ Ba li, Indonexia.

                   Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ Ba li – Indonexia

Các tin đã đưa:

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN