Họp báo về tình hình chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và triển khai Nghị định số 74/2009/NĐ-CP

19/11/2009
Họp báo về tình hình chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và triển khai Nghị định số 74/2009/NĐ-CP
Sáng ngày 18/11, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo để thông tin về tình hình chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và triển khai Nghị định số 74/2009/NĐ-CP. Họp báo do  Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì với sự tham dự của đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hiệu quả của hoạt động công chứng, mặt tích cực và hạn chế sau 2 năm thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP

Đánh giá chung về kết quả thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP cho thấy sự ra đời của các Văn phòng công chứng (VPCC) và chuyển giao việc chứng thực bản sao cho UBND cấp xã đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, không còn tình trạng xếp hàng “rồng rắn” chờ công chứng như trước đây, tạo môi trường áp lực cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng. Không chỉ các VPCC đổi mới phong cách làm việc, thái độ phục vụ mà các Phòng công chứng (PCC) cũng có những thay đổi thích hợp để phục vụ nhu cầu công chứng của người dân.

Tuy nhiên thời gian đầu khi mới thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP người dân vẫn còn e ngại khi đến các VPCC, luôn có tâm trạng đề cao giá trị pháp lý của các tài liệu được công chứng ở PCC hơn là các VPCC, song hiện nay các Văn phòng này đã được nhân dân đón nhận và tin tưởng hơn. Mặc dù vậy vẫn cần thiết phải đặt ra yêu cầu tuyên truyền phổ biến rộng rãi sự ngang bằng nhau về giá trị pháp lý của các tài liệu được công chứng ở VPCC hay PCC. Bên cạnh đó phải quan tâm đến trách nhiệm của các công chứng viên trong việc xác định tính hợp pháp của các tài liệu, trình độ của các công chứng viên, cũng như trong hoạt động quảng cáo không đúng quy định. Về vấn đề này, đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp cho biết cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những những sai sót này. Với các sai sót cụ thể, công chứng viên đều phải chịu trách nhiệm. Bộ Tư pháp đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, trong đó có quy định về việc VPCC mua bảo hiểm nghề nghiệp cho Công chứng viên. Đề án quy hoạch tổng thể phát triển nghề công chứng trên toàn quốc cũng đang được Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng trên cơ sở đề án quy hoạch từ các địa phương. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, việc sơ kết thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được tổ chức sớm, dự kiến là tháng 12/2009 (sau 2 năm so với các Luật khác là sau 3 năm ban hành) để sớm có đánh giá tình hình, phát hiện những vướng mắc, bất cập từ đó nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, thức đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội.

Kết quả bước đầu triển khai Nghị định số 74/2009/NĐ-CP

Qua theo dõi và đánh giá bước đầu triển khai thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP cho thấy đã có sự chuyển biến khá quan trọng về nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan THADS.

Sau Hà Nội, các địa phương khác cũng đang gấp rút chuẩn bị cho lễ công bố quyết định thành lập Cục THADS cấp tỉnh và các Chi cục THADS cấp huyện. Việc bổ nhiệm lãnh đạo Tổng cục THADS cũng đang được Bộ Tư pháp thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Triển khai công tác tổ chức, cán bộ theo Nghị định số 74/2009/NĐ-CP không làm ảnh hưởng đến công tác thi hành án dân sự. Đại diện Tổng cục THADS cho biết, năm 2009 là năm đầu tiên kết quả THADS trên toàn quốc đã vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 77% số vụ việc có điều kiện thi hành (vượt 2%), đạt 57% số tiền phải thi hành (vượt 2%), lượng án tồn đọng giảm hơn 12%.

Cục Công nghệ thông tin