Đề cương Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020: Có nên kế hoạch hoá?

10/11/2009
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển nghề luật sư (LS) đến năm 2020.

Tăng gấp 3 số lượng

Trình bày tóm tắt nội dung Đề cương Chiến lược, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Nguyễn Văn Bốn cho biết đã tiến hành đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của LS. Trên cơ sở đánh giá đã dự báo nhu cầu của xã hội đối với việc phát triển đội ngũ LS về số lượng LS, số lượng tổ chức hành nghề LS, lĩnh vực hoạt động chủ yếu. Từ đó, Chiến lược xác định nên mục tiêu dài hạn và những mục tiêu cụ thể. Trong các mục tiêu cụ thể, đáng chú ý là mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, số lượng LS tăng lên ít nhất là 3 lần so với năm 2009 (tức vào khoảng 18 - 20 nghìn người) và được phân bổ đồng đều trong cả nước, đảm bảo tỷ lệ LS trên dân số ở mức 1 LS/10 - 12 nghìn dân. Đồng thời, sẽ nâng số LS được đào tạo bài bản, được trang bị đầy đủ các kỹ năng tranh tụng, tư vấn pháp luật lên ít nhất hơn 90%; đảm bảo đến năm 2020, hình thành được ít nhất 150 LS, 30 tổ chức hành nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế…

LS Trần Hữu Huỳnh – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, Chiến lược không nên chỉ đánh giá thực trạng phát triển của đội ngũ LS mà còn cần đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của LS từ phía doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn, theo thống kê của VCCI, năm 2001 chỉ có 6% DN sử dụng dịch vụ của LS thì năm 2006 đã là 13%. “Tuy chưa phổ biến nhưng việc sử dụng dịch vụ pháp lý do LS cung cấp của DN có xu hướng tăng lên, thế là rất đáng mừng”, ông Huỳnh nhận định. Hoặc trong năm 2008, có khoảng 41 nghìn vụ khiếu nại của các DN nhưng chỉ 150 vụ có sự tham gia của LS. “Tại sao tỷ lệ này thấp như vậy mà Chiến lược lại không phân tích”, ông Huỳnh trăn trở và đề nghị phải xác định cái “gốc” của Chiến lược là vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Quan điểm của ông Huỳnh, Chiến lược không nên kế hoạch hoá (tăng số LS lên gấp 3 lần), không nên can thiệp vào thị trường (chuyển một số công ty luật nhỏ thành công ty lớn), không đưa ra những tiêu chí không rõ ràng (LS, tổ chức hành nghề LS đạt tiêu chuẩn quốc tế).

Luật sư có thể là nguồn bổ sung cho các chức danh tư pháp?

Không ít LS tham dự toạ đàm đề nghị phải cải cách hệ thống pháp luật về LS, nhất là phải xem xét các chế định pháp luật để bảo đảm hoạt động nghề LS và vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS. Tuy nhiên, LS Nguyễn Huy Thiệp – Phó Chủ nhiệm ĐLS TP. Hà Nội cho rằng, nếu thực hiện hết các quy định của pháp luật hiện hành đã là vô cùng thuận lợi cho LS hành nghề. “Vấn đề cốt lõi là phải thay đổi nhận thức, tư tưởng của cán bộ công chức nhà nước. Ví dụ, một bản án mà Hội đồng xét xử không phản bác được quan điểm của LS thì phải coi đó là bản án không có hiệu lực pháp luật”, ông Thiệp đề xuất.

Cũng theo ông Huỳnh, điểm quan trọng là Chiến lược cần quy định được việc hoàn thiện môi trường pháp luật kinh doanh, rà soát các văn bản hiện hành nhằm hạn chế các rào cản, tạo sự thuận lợi cho hoạt động của nghề LS được phát triển minh bạch. Ông so sánh, việc làm trên tương tự việc ươm mầm, đất có tốt thì hạt giống mới nảy mầm được. “Các cơ quan nhà nước phải coi đội ngũ LS, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý của mình”, ông Huỳnh lưu ý thêm.

Đồng tình với ông Huỳnh, ông Vũ Văn Toản (Văn phòng TƯ Đảng) cho rằng, Chiến lược còn mang nặng tính hành chính, chưa làm nổi bật được vai trò của LS, khả năng cung cấp dịch vụ của LS. Về dự báo, ngoài các căn cứ của Đề cương, ông Toản góp ý, Chiến lược phải bổ sung 2 căn cứ quan trọng là xây dựng nhà nước pháp quyền (với yêu cầu là bảo vệ người dân, bảo vệ công lý) và CCTP (với đòi hỏi là bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, sự bình đẳng giữa người dân với các cơ quan công quyền). Bên cạnh đó, ông Toản cũng chỉ ra một số mục tiêu chưa được Chiến lược đề cập như giới LS phải cung cấp dịch vụ cho các cơ quan công quyền ra sao, đặc biệt là liệu LS có thể là nguồn bổ sung cho các chức danh tư pháp giống với kinh nghiệm các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada được không? Qua những chuyến công tác Hoa Kỳ, ông Toản nhận thấy, vai trò của LS ở đây được đánh giá rất cao, chỉ có người rất giỏi mới được hành nghề LS và các thẩm phán chủ yếu được bổ sung từ nguồn LS.

Thục Quyên