Đồng bào người Hoa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Mong muốn nhiều kênh thông tin tiếng Hoa...

07/07/2009
Từ ngày 1-4/7/2009, Báo Pháp luật Việt Nam Hoa Văn – ấn phẩm của báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến công tác nhằm khảo sát, tìm hiểu, thu thập và nắm bắt thông tin về đời sống sinh hoạt, công việc làm ăn của đồng bào người Hoa tại 4 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Vĩnh Long).

Kênh thông tin được chờ đợi

Tại mỗi tỉnh, thành Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Tư pháp và các Hội Tương tế người Hoa. Ngoài mục đích như đã nêu, việc giới thiệu, quảng bá tờ báo “Pháp luật Việt Nam Hoa Văn” đến với đồng bào người Hoa đã được đông đảo các Ban, Hội người Hoa đồng tình ủng hộ, biết ơn đồng thời bày tỏ thái độ rất phấn khởi hợp tác trong việc đưa tờ báo đến cộng đồng người Hoa. Đồng thời xem sự ra đời của tờ báo là kênh thông tin hữu ích mà cộng đồng người Hoa chờ đợi lâu nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, có thể nói tinh thần “thượng tôn” pháp luật được đồng bào người Hoa thực hiện khá “bài bản”. Do vậy, số lượng vụ tranh chấp xảy ra rất thấp, hàng năm mỗi tỉnh chỉ xảy ra vài vụ tranh chấp đơn giản.

Ông Lâm Trường Phong, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 45 ngàn người Hoa, chủ yếu là người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ... Trong đó người Triều Châu chiếm khoảng 60%, họ giống với đồng bào người Hoa ở TP.HCM là cùng di dân vào cuối đời nhà Minh, Trung Quốc. Điểm khác biệt của cộng đồng người Hoa ở ĐBSCL là sống đan xen rộng khắp vào các dân tộc, so với TP.HCM là họ chỉ sống tập trung chủ yếu vào một khu vực.

Cần khẳng định rằng, không riêng gì ông Phong mà đại diện một số doanh nghiệp người Hoa bộc bạch, hiện không chỉ khu vực ĐBSCL mà khắp cả nước đều có các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... làm ăn sinh sống. Chính vì vậy, việc ra đời tờ báo tiếng Hoa nhằm tuyên truyền về pháp luật Việt Nam, cung cấp những thông tin xã hội, những sinh hoạt cộng đồng người Hoa tại Việt Nam... cũng như những thông tin liên quan đến công việc làm ăn của họ là hết sức cần thiết. Bởi, sự xuất hiện tờ “Pháp Luật Hoa Văn” phần nào giúp cộng đồng người Hoa nói chung và các doanh nghiệp người Hoa làm ăn tại Việt Nam nói riêng có điều kiện trao dồi tiếng “mẹ đẻ” của mình. Điều quan trọng là nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam. Từ trước đến nay, hầu hết doanh nghiệp người Hoa phải tìm hiểu thông tin tại nước sở tại (Việt Nam) thông qua phiên dịch là chủ yếu.

Điều đáng mừng là đồng bào người Hoa ở các tỉnh đều khá và giàu, tỷ lệ nghèo chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ từ khoảng 2 đến 3%. Tỷ lệ này xảy ra ở những người gìa yếu, không còn sức lao động, neo đơn... Mong muốn của những “bậc tiền bối” là làm sao xây dựng được nhiều trường học cho con em, bởi tiếng Hoa hiện không còn là một tiếng dân tộc mà nó đã trở thành một ngoại ngữ.

Đẩy mạnh xây dựng trường tiếng Hoa

Theo ông Quan Hồng Lạc, phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Vĩnh Long: Người Hoa Vĩnh Long luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách Nhà nước, nhất là trong việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư đạt chất lượng cao. Đã có ba đại biểu HĐND thành phố Vĩnh Long là người Hoa và nhiều cán bộ trong các cơ quan địa phương khác. Người Hoa Vĩnh Long có 718 hộ và không có một hộ nghèo nào, chỉ có trung bình khá và giàu, có mức sống tương đối cao. Nhìn chung, cộng đồng người Hoa thời gian qua mạnh dạn đẩy mạnh làm ăn bằng cách đổi mới công nghệ, vay vốn ngân hàng trong kinh doanh cho mục đích làm giàu chính đáng, chủ yếu là làm bánh (bánh Trung thu...), cơ khí và nhất là nghề “hốt” thuốc bắc, sản xuất trứng vịt muối xuất khẩu... Có doanh nghiệp doanh thu từ xuất khẩu sang Singapore và Hồng Kông lên đến 2 triệu USD/năm.

Chia sẻ với Đoàn công tác, bà Phan Quỳnh Dao, trưởng Phòng Tuyên truyền TP. Cần Thơ cho biết: Tuy người Hoa ở Cần Thơ không nhiều so với tỉnh khác, nhưng lại có khá nhiều trí thức, giáo viên, công thương gia giàu tinh thần đoàn kết, tương trợ, gúp đỡ lẫn nhau; có mối quan hệ kinh doanh rộng rãi trong và ngoài nước. Đặc biệt, đồng bào người Hoa hết sức phấn khởi từ khi Chỉ thị 501/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Thực hiện một số chính sách đối với người Hoa” ra đời. Trước đây Cần Thơ đã có ông Dương Việt Trung là đại biểu ứng cử và đã trúng cử Đại biểu Quốc hội từ khóa 6 đến khóa 9 – Đó là những tín hiệu vui của người Hoa...

Trong chuyến công tác của Đoàn, chúng tôi ghi nhận được sự vui mừng, phấn khởi của đồng bào người Hoa, cũng như chính quyền và hy vọng rằng với sự ra đời của Báo Pháp luật Hoa Văn sẽ giúp cộng đồng người Hoa tiếp cận, hiểu rõ hơn những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó cũng là diễn đàn để người dân và chính quyền bày tỏ sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách tạo điều kiện tốt cho cộng đồng người Hoa nói riêng và cả xã hội nói chung nhằm thúc đẩy phát triển địa phương. Điều đáng mừng là thời gian qua, công tác xây dựng các trường Hoa ngữ, song ngữ Việt – Hoa bề thế được thực hiện khá phổ biến ở các tỉnh, thành mà Đoàn công tác đã có dịp tìm hiểu. Được biết, ở các trường này không chỉ con em người Hoa theo học mà tất cả mọi người đều tham gia học như một ngoại ngữ. Song, điều ông Lạc lo ngại là tương lai của các trường Hoa một khi phát triển lớn mạnh lên thì riêng đồng bào người Hoa không thể quán xuyến được, do vậy phải có sự quan tâm của chính quyền địa phương. Bởi để duy trì hoạt động của trường, mỗi năm người Hoa đóng góp từ vài chục đến hàng triệu đồng, trong đó có không nhỏ tiền vận động từ cộng đồng người Hoa TP.HCM.

Song, điều “băn khoăn” của Đoàn công tác là qua tìm hiểu thực tế, tỷ lệ người Hoa hiện đọc được chữ viết phổ thông là không nhiều, chủ yếu là những người từ trung niên trở lên, nhiều nhất là ở độ tuổi 45 đến 50. Còn ở độ tuổi thanh thiếu niên thì chỉ có những con em thường xuyên đến học tại các trường chuyên tiếng Hoa, các trung tâm Hoa ngữ thì mới có thể nói và viết được. Nói chung ngôn ngữ tiếng Hoa thời gian qua bị thu hẹp tại ĐBSCL. Hiện mọi việc đang được “vận hành” hoạt động trở lại với hy vọng một ngày không xa tiếng Hoa sẽ là một ngoại ngữ như mong muốn của cộng đồng người Hoa.  

Phong Trần