Góp ý đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” từ năm 2009-2015: Muốn khả thi phải có sự hỗ trợ từ nhà nước

03/07/2009
Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư (LS) phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT)” từ năm 2009-2015 đang được Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng. Để góp phần hoàn thiện đề án, hôm qua (02/7), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức nghe ý kiến đóng góp cho đề án. Trước đó, Bộ Tư pháp đã nhận được ý kiến đóng góp cho đề án của 17 cơ quan, tổ chức hữu quan.

Kết quả khảo sát thực trạng đội ngũ LS Việt Nam cho thấy, tổ chức và hoạt động LS ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế trong khi nhu cầu tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đang ngày càng phát triển, đặc biệt là sau khi Việt Nam là thành viên của WTO. Yêu cầu của thời hội nhập mang đến nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới, nhất là về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đòi hỏi giới LS cũng phải phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhưng theo bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp), trong số gần 5.000 LS đang hành nghề ở nước ta thì chỉ có khoảng 50 LS có thể đạt các tiêu chuẩn của “LS hội nhập”. Song khách quan mà đánh giá thì lại chỉ 1/2 trong số đó thực sự có thể tham gia các hoạt động tố tụng và tư vấn pháp luật quốc tế. Vì thế, hầu như các vụ tranh chấp pháp lý quốc tế của doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam thời gian qua đều phải thuê LS nước ngoài.

Trước thực trạng đó, hiện Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện Đề án “đào tạo LS và chuyên gia pháp lý phục vụ hội nhập KTQT 2008 – 2010” với mục tiêu đưa 100 LS và chuyên gia pháp lý sang học tập và thực hành tại một số quốc gia có nền pháp lý phát triển như Anh, Mỹ, Australia… Tuy nhiên đây chỉ là đề án “cấp tốc” để cung cấp ngay một số LS có thể tham gia giải quyết các vụ tranh chấp thương mại quốc tế cho Việt Nam. Về lâu dài, Đề án “phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập KTQT” 2009-2015 được kỳ vọng sẽ “nâng cấp” đội ngũ LS hiện có và đào tạo được một đội ngũ LS hùng hậu cho thời kỳ hội nhập ở Việt Nam.

Khó đạt mục tiêu 2.000 LS trong thời gian ngắn

Điều khiến nhiều đại diện các cơ quan, tổ chức băn khoăn đối với đề án “dài hơi” này là “số lượng LS được đào tạo quá nhiều trong một khoảng thời gian thực hiện quá gấp”. Ông Nguyễn Văn Thảo (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) thấy rằng, nếu trong vòng 6 năm đặt mục tiêu “đào tạo được 2.000 LS chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế (chiếm khoảng 20% tổng số LS cả nước), trong đó có 300 LS có trình độ ngang tầm các LS trong khu vực” thì khó đạt tính khả thi. Trong thời gian đó, chỉ có thể đào tạo được 50-100 LS đạt tầm quốc tế. Còn ông Trần Đức Thìn (Đại học Luật Hà Nội) căn cứ vào số lượng tuyển sinh hàng năm của trường (1.200 sinh viên/năm) cũng lo ngại không đạt được mục tiêu đào tạo số lượng LS như đề án. Bên cạnh đó, ông Thìn còn đề xuất phải xem xét đến thời gian đào tạo để đảm bảo đào tạo “tinh”, thu hút được những người thực sự có nhu cầu và khả năng làm LS.

Bà Nguyễn Hoàng Anh (Bộ Ngoại giao) cũng cùng quan điểm trên nên đề nghị kéo dài thời gian thực hiện đề án đến năm 2020 với mục tiêu phát triển đội ngũ LS nói chung, phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp và chiến lược phát triển đội ngũ LS (đang được xây dựng). Nhưng ông Nguyễn Việt Hùng (Bộ Công thương) góp ý, xác định số lượng đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội chứ không nên chỉ căn cứ vào khả năng đào tạo như đề án.

Cần đa dạng nguồn đào tạo LS

Chủ ý của đề án là “nâng cấp” đội ngũ LS hiện đang hành nghề ở Việt Nam cho theo kịp yêu cầu của thời kỳ mới, nhưng đối với đại diện các cơ quan, ban, ngành thì đề án phải mở rộng đối tượng đưa vào đào tạo LS. Nhiều ý kiến đồng tình với việc chọn ra các lớp tài năng tại các cơ sở đào tạo, mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy theo định hướng để học viên theo nghề LS sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, như ý kiến của ông Thảo, cần chọn những học viên ưu tú, có khả năng đi tập sự hành nghề LS ở nước ngoài theo nguồn kinh phí Nhà nước cấp để họ có điều kiện tiếp cận, học hỏi môi trường hoạt động của LS quốc tế. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Viết Thịnh (Văn phòng Chính phủ) góp ý, đề án nên xây dựng giải pháp đào tạo theo hai hướng đào tạo nguồn từ trong nước và đào tạo nâng cao ở nước ngoài. Có thể xem xét cả biện pháp kết hợp với các cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam.

Ông Thảo nhấn mạnh đến nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đề án vì việc đào tạo LS là để phục vụ cho chính Nhà nước và xã hội. Do đó, không nên để LS phải chịu gánh nặng chi phí đào tạo. Thực tế thực hiện đề án đào tạo “cấp tốc” cho thấy, các LS không tha thiết vì “LS có khả năng tài chính thì không có nhu cầu tham gia, còn LS muốn được đào tạo theo đề án thì lại không đủ khả năng chi trả”.

Bà Nguyễn Minh Hằng (Học viện Tư pháp) thấy, ngoài định hướng cho học viên ngay khi bắt đầu đào tạo, phải có đào tạo thí điểm đối với các LS đang hành nghề và cả những giảng viên trực tiếp đào tạo các khoá kỹ năng hành nghề LS để chọn được giải pháp thoả đáng ứng dụng cho việc đào tạo LS lâu dài. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, phải chú ý đến đào tạo đội ngũ giảng viên vì đó là một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Ông Thìn còn đề nghị đề án phải quan tâm đến ưu tiên tuyển chọn những cử nhân Luật nhưng có thêm nhiều văn bằng chuyên môn khác để nâng cao chất lượng đội ngũ LS.

Lo ngại trước mục tiêu đề án, LS.Trần Tuấn Phong (Công ty Luật VILAF Hồng Đức) thấy đề án cần xác định rõ lựa chọn đối tượng nào để đào tạo và phải có biện pháp thu hút các chuyên gia pháp lý giỏi tham gia vì đó là một nguồn nhân lực có nhiều tiềm năng…

Các ý kiến đóng góp sẽ được xem xét khi chỉnh lý đề án nhằm có một giải pháp thích hợp để phát triển đội ngũ LS, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đưa đội ngũ LS Việt Nam tiệm cận dần với đội ngũ LS. /.

Huy Anh