Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chỉ đạo diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ sáu: Tăng cường quan hệ đối tác trong cải cách tư pháp và pháp luật

27/06/2009
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chỉ đạo diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ sáu: Tăng cường quan hệ đối tác trong cải cách tư pháp và pháp luật
Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 6 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác trong cải cách tư pháp và pháp luật” đã được diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 25/6/2009 với sự đồng tổ chức của Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).

Tham dự Diễn đàn có hơn 150 đại biểu đại diện cho các cơ quan Việt Nam (các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Viện KSNDTC, Toà án NDTC, Bộ Tư pháp, các bộ, ban, ngành, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu Luật, một số Sở Tư pháp địa phương...) và các đối tác nước ngoài (đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ quan hợp tác phát triển của các nước tại Việt Nam...). Đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội chào mừng sự có mặt của tất cả các vị khách quốc tế và Việt Nam tại Hội nghị, đồng thời cám ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Là người đã từng chủ trì 4 Diễn đàn đối tác pháp luật trước đây (từ năm 2004 – 2007) từ khi còn trong cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Hội nghị này và đánh giá cao sự phát triển đáng kể về quy mô và chất lượng của Diễn đàn qua từng năm. Đặc biệt, Phó Chủ tịch nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò và vị thế của Diễn đàn đối tác pháp luật được thể chế hoá tại Nghị định số 78 ngày 17/7/2008 về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài, với tư cách là một thiết chế thường niên trong đối thoại phát triển của Việt Nam nói chung và cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói riêng.

Trong Bài phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đã chia sẻ với các đại biểu tham dự Diễn đàn những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), hướng tới mục tiêu sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu to lớn đã đạt được, Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về kinh tế do chịu tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã kịp thời đưa ra chủ trương và các nhóm giải pháp tài chính và kích cầu phù hợp, bước đầu có tác dụng tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, các cân đối lớn cơ bản được giữ vững. Nhờ đó, tốc độ tăng GDP năm 2008 đạt 6,2%, quý I năm 2009 đạt 3,1%; tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009 có dấu hiệu phục hồi rõ hơn và phát triển theo hướng tích cực; bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhân Hội nghị này, Phó Chủ tịch cũng bày tỏ sự cám ơn chân thành và đánh giá cao sự tin tưởng, hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè trên thế giới, trong khu vực và các tổ chức quốc tế đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua khó khăn trong thời gian qua. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, muốn phát triển kinh tế, đạt mục tiêu công bằng xã hội, thì một trong những công cụ và điều kiện tiên quyết là hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp. Phó Chủ tịch đánh giá cao tầm quan trọng của các giải pháp về pháp luật và tư pháp đang được triển khai đồng bộ theo tinh thần của các Nghị quyết số 48/TW - NQ về Chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tới năm 2010, định hướng tới năm 2020 (Chiến lược pháp luật) và 49/TW-NQ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Chiến lược tư pháp). Chia sẻ những thành tựu lớn về xây dựng thể chế cũng như hoàn thiện các thiết chế thi hành pháp luật của Việt Nam trong thời gian gần đây, Phó chủ tịch nhấn mạnh, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp, hệ thống pháp luật Việt Nam và công tác thực thi pháp luật đã có bước đổi mới và chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã góp phần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác thi hành pháp luật được quan tâm và chú trọng hơn; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực hơn đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, tập trung vào những lĩnh vực bức xúc của thực tiễn cuộc sống như lĩnh vực quản lý về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện chế độ chính sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí … qua đó đã khắc phục nhiều sơ hở, khiếm khuyết của các văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Những thành tựu bước đầu quan trọng đó đang góp phần từng bước hình thành hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân; thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Về các thành tựu của cải cách tư pháp, Phó Chủ tịch nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử - khâu đột phá của cải cách tư pháp – do được chỉ đạo triển khai sát sao nên đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hạn chế oan sai và nâng cao đáng kể chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49 do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương tiến hành cuối năm 2008 cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và toàn xã hội đối với công tác tư pháp; kết quả thi hành án dân sự, hình sự có nhiều tiến bộ; chủ trương xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp được từng bước triển khai; việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng được chú trọng; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư lớn hơn các năm trước, … là những tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.   

Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật với sự quan tâm của các nhà tài trợ đã được Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao là “ngày càng được tăng cường cả về bề rộng và chiều sâu, có hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực xây dựng thể chế, tăng cường năng lực thiết chế, đào tạo cán bộ pháp luật, công tác thông tin pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý...”

Đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp với trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trực tiếp quản lý và thực hiện một số hoạt động bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp, quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài..., Phó Chủ tịch nhấn mạnh : “ thời gian qua Bộ Tư pháp đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tôi xin ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực và những thành tích đã đạt được của các đồng chí”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được như trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại bất cập của hệ thống pháp luật và công tác thực thi pháp luật so với yêu cầu phát triển của đất nước: một số đạo luật đã được ban hành chưa phát huy được hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống như mong muốn;  nhu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn rất lớn trong khi năng lực và nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế; một số nội dung quan trọng của cải cách tư pháp chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức, phương thức thực hiện, khiến cho việc triển khai có nhiều khó khăn hoặc chậm so với tiến độ đã đề ra; nhiều định hướng và giải pháp tiếp tục cải cách pháp luật và tư pháp cho thập niên tới chưa được đề cập đầy đủ, chưa gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Phó Chủ tịch đồng tình và đánh giá cao tính đúng đắn, thiết thực và kịp thời của chủ đề của Diễn đàn đối tác pháp luật năm nay (“Tăng cường quan hệ đối tác trong cải cách pháp luật và tư pháp”) do Bộ Tư pháp và UNDP lựa chọn, phù hợp với tiến độ đẩy mạnh triển khai Kế hoạch chung thực hiện “Một Liên hợp quốc”, trong bối cảnh công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và đòi hỏi có sự chuyển biến tích cực về chất. Phó Chủ tịch nhấn mạnh và lưu ý thêm với các đại biểu Việt Nam và các nhà tài trợ rằng, để tăng cường một cách hiệu quả quan hệ đối tác như mong muốn, yêu cầu trước tiên là phải tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các bên đối tác. Điều đó chỉ có thể đạt được trên cơ sở thông tin được cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác; các dự án, hoạt động hợp tác được thoả thuận, xây dựng và triển khai một cách dân chủ, bình đẳng, có mục đích rõ ràng phù hợp với mục tiêu đã thống nhất chung, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Với tinh thần đó, tại Diễn đàn này, Phó Chủ tịch đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các bước phát triển mới trong việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp, trong đó chú trọng cả những thành tựu đã đạt được và những hạn chế, tồn tại, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện hai Chiến lược ở giai đoạn vừa qua; xem xét các nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020, bao gồm cả các thách thức và giải pháp trong giai đoạn tới. Đây cũng là dịp để cộng đồng các nhà tài trợ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đánh giá nhu cầu và khả năng tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng này; thảo luận công tác quản lý và điều phối hợp tác pháp luật nhằm hỗ trợ thực thi hai Chiến lược.  Phó Chủ tịch đề nghị Diễn đàn thảo luận, thống nhất các biện pháp nhằm hạn chế những chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động hợp tác, tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin cũng như những biện pháp nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Phó Chủ tịch cho rằng, sự đồng thuận của hội nghị về những vấn đề trên sẽ giúp Việt Nam và các nhà tài trợ điều phối tổ chức hỗ trợ thực hiện tốt hơn Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nói chung và Chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp nói riêng trong thời gian tới.

Đề cao tầm quan trọng của sự hỗ trợ quốc tế, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “để thực hiện thành công các Chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp đòi hỏi ngoài sự quyết tâm về chính trị còn phải có sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sự đầu tư đúng mức về thời gian, công sức và tài chính.  Có điều rất thuận lợi là cùng với những cố gắng phát huy nội lực của Việt Nam, thì cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và hợp tác.” Phó Chủ tịch bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những tình cảm tốt đẹp, sự hỗ trợ và hợp tác quý báu mà các vị Đại sứ, Đại diện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế và các cán bộ trong Đoàn Ngoại giao đã dành cho Việt Nam thời gian qua; đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những chương trình, dự án trợ giúp quốc tế trong lĩnh vực pháp luật để có được nguồn lực tổng hợp giữa nội lực và nguồn lực quốc tế nhằm phát triển đồng bộ cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, góp phần để Việt Nam phát triển một cách toàn diện và vững chắc trong tiến trình đổi mới và hội nhập. 

Kết thúc bài phát biểu, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu bày tỏ sự tin tưởng, kết quả của Diễn đàn đối tác pháp luật sẽ góp phần tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, mở ra một giai đoạn mới trong việc hợp tác phát triển hệ thống pháp luật. Phó Chủ tịch cũng hy vọng, với vai trò điều phối hợp tác pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp và của UNDP, Hội nghị sẽ trở thành một hoạt động đối thoại cởi mở thường niên, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam cũng như cung cấp thêm thông tin về những cơ hội kinh doanh và đầu tư ngày một mở rộng ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tư pháp

______________________________

Các bài liên quan: