Họp Ban soạn thảo liên ngành về Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp

26/06/2009
Ngày 25/6/2009, dưới sự Chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp liên ngành về xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp với thành phần đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng như có sự tham gia của các đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Công nghệ thông tin và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.

 Tại Hội nghị, đồng chí Nguễyn Thanh Tịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp thay mặt Tổ Biên tập trình bày trước Ban soạn thảo và đại diện các ngành về các nội dung của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại cuộc họp tháng 5/2009, cụ thể như sau:

Dự án 1: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

4.1. Điều tra, khảo sát thực trạng thi hành công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP;

4.2. Hỗ trợ nguồn lực để thành lập các tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn (Sở, ban, ngành) thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo 100% các cơ quan này có tổ chức pháp chế để làm đầu mối tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

4.3. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại trung ương và địa phương trong việc triển khai các hoạt động theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP (các đơn vị pháp chế thuộc Bộ, ngành, Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, các hội, hiệp, hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp);

4.4. Hỗ trợ thành lập hoặc củng cố hoạt động ở mỗi địa phương 01 Trung tâm thông tin, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện việc cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp;

4.5. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật kinh doanh và các khóa đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

4.6. Xây dựng, biên soạn, in ấn, cập nhật các tài liệu hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ và các nội dung liên quan tới công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

4.7. Giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các hoạt động; tổ chức các tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tại các địa phương đối với dự án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp".

Dự án 2. Thông tin pháp lý cho doanh nghiệp

1. Nâng cấp, vận hành Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

2. Xây dựng, in ấn tài liệu pháp luật để phổ biến, cung cấp, cập nhật  kiến thức về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp;

3. Xây dựng chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình;

4. Xây dựng, tổ chức các diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh để giới thiệu, khuyến cáo các doanh nghiệp về thực thi pháp luật.

Dự án 3. Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp

4.1. Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp về bồi dưỡng pháp luật kinh doanh, nội dung bồi dưỡng pháp luật cho người quản lý doanh nghiệp;             

4.2. Nghiên cứu xây dựng chương trình, đề cương tài liệu bồi dưỡng cung cấp những kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp;

4.3. Biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng cho người quản lý doanh nghiệp gồm các nội dung: sở hữu và thực hiện quyền sở hữu đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp; soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng; nguyên tắc thực hiện pháp luật và trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng; giải quyết tranh chấp...;

4.4. Tổ chức lựa chọn các tổ chức, đơn vị có năng lực thực hiện việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo theo phương thức đấu thầu;

4.5. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng của các tổ chức, đơn vị trúng thầu; tổ chức, đánh giá hiệu quả của hoạt động này.

Dự án 4. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp

4.1. Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu của cán bộ pháp chế doanh nghiệp về bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ pháp chế cho doanh nghiệp;

4.2. Nghiên cứu xây dựng chương trình, đề cương tài liệu bồi dưỡng cung cấp những kiến thức pháp lý và nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp;

4.3. Biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp;

4.4. Tổ chức lựa chọn các tổ chức, đơn vị có năng lực thực hiện việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo theo phương thức đấu thầu;

4.5. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng của các tổ chức, đơn vị trúng thầu; tổ chức, đánh giá hiệu quả của hoạt động này.

Dự án 5. Xây dựng chính sách thực hiện hoạt động thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn

4.1. Khảo sát thực trạng về thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ pháp lý tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, khảo sát nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của doanh nghiệp tại các địa phương này;

4.2. Xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức dịch vụ tư vấn pháp luật, các luật sư thực hiện các hoạt động thông tin pháp lý, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;

4.3. Xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;

Tại buổi họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính và các Bộ, ngành liên quan đã đóng góp ý kiến về Chương trình. Về cơ bản đa số các ý kiến đồng ý với dự thảo các nội dung Chương trình, tuy nhiên, để tránh trùng lặp các nội dung hoạt động, đề nghị Tổ Biên tập sát nhập Dự án 3 và 4, riêng Dự án 4 đề nghị Tổ Biên tập có cấu lồng gép vào Dự án 1 của Chương trình cũng như đề nghị Tổ biên tập làm rõ tính chất liên ngành của Chương trình.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu và tiếp thu đẩy đủ ý kiến của các đại biểu và hoàn chỉnh dự thảo và lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ký trình Thủ tướng Chính phủ.

Trần Minh Sơn