Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin: Giải quyết mâu thuẫn giữa công khai và bí mật

24/06/2009
Tại cuộc họp Ban soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) sáng 23/6, các thành viên Ban soạn thảo vẫn bày tỏ những băn khoăn về cách thức xử lý mối quan hệ giữa yêu cầu công khai và tính bí mật của thông tin, người có quyền quyết định cung cấp thông tin hay không…

Cân nhắc lợi ích giữa cung cấp và không cung cấp thông tin

Theo pháp luật về TCTT ở các nước, phạm vi công khai thông tin càng rộng thì càng thu hẹp phạm vi các thông tin bí mật. Đây là một trong những biện pháp để cải cách hành chính, tăng cường tính công khai trong các cơ quan nhà nước. Vì thế, khi thảo luận về các loại thông tin cần công khai, thành viên Ban soạn thảo Luật TCTT đều nhất trí phải xác định được cá nhân hay cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định những thông tin nào cần công khai hay cần bí mật. Từ đó, cũng xác định cá nhân nào có thể đưa ra quyết định cung cấp hay không cung cấp thông tin nếu người dân có yêu cầu. Đồng thời, tránh tình trạng “người cung cấp bảo mật, người yêu cầu bảo không”. Để giải quyết mẫu thuẫn này, nhiều thành viên cho rằng, ngoại trừ những thông tin phải công khai, nên xem xét, cân nhắc giữa lợi ích cung cấp và không cung cấp đối với một số loại thông tin ở thời điểm có yêu cầu cung cấp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, phải có tiêu chí xác định thông tin mật và cơ chế giám sát việc đóng dấu mật. Thậm chí có thể từ chối cung cấp thông tin nếu việc cung cấp có hại cho lợi ích chung. Điều đó có thể chưa hoàn toàn phù hợp với pháp luật của một số nước nhưng xét trong điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta thì buộc phải có lộ trình từng bước để đảm bảo tính khả thi cũng như đạt mục đích công khai, minh bạch, dân chủ khi Luật TCTT có hiệu lực.

Phải chia sẻ trách nhiệm cung cấp thông tin

Đại diện Văn phòng Chính phủ thấy rằng, nếu theo Điều 4 dự thảo, thông tin được tiếp cận là thông tin do các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin (điều 3 dự thảo) “tạo ra hoặc nhận được trong quá trình phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao và đang nắm giữ” thì dẫn đến tình trạng quá tải yêu cầu cung cấp thông tin tại các văn phòng TƯ (như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước…). Đồng thuận với lo lắng này, Trưởng Ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, dự thảo phải xây dựng theo hướng có thể chia sẻ trách nhiệm cung cấp thông tin giữa các cơ quan. Theo đó, cơ quan phụ trách nguồn thông tin vẫn phải chịu trách nhiệm chính đối với việc cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, các qui định này nhất thiết phải rõ ràng, mạch lạc, tránh sự lộn xộn, gây khó khăn cho người dân khi cần TCTT. Đồng thời, dự thảo nên được thiết kế thêm các điều khoản qui định về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin đối với mỗi hình thức yêu cầu cung cấp thông tin tương ứng, chứ không thể chỉ có một trình tự chung cho tất cả như dự thảo. Bộ trưởng cũng đề nghị nên rút ngắn thời gian trả lời chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin vì qui định 15 ngày theo Khoản 1 Điều 21 dự thảo là quá dài, không cần thiết.

Có thể miễn phí đối với một số hình thức cung cấp thông tin

Một vấn đề được nhiều thành viên quan tâm là qui định về chi phí cung cấp thông tin. Ông Lê Thành Long (Bộ Tư pháp) cho rằng, không nên qui định “quá khiêm tốn” như dự thảo vì chi phí hợp lý liên quan đến quá trình thu thập, xử lý thông tin trước khi có thể cung cấp không phải là ít. Do đó, nếu chỉ qui định như Khoản 2 Điều 30 của dự thảo thì chưa bao quát hết những chi phí cần thiết. Đại diện Bộ Tài chính đề xuất xây dựng một biểu phí đối với các hoạt động liên quan đến việc yêu cầu và cung cấp thông tin nhưng GS. Lê Hồng Hạnh (Bộ Tư pháp) lại không đồng tình. Lý do được GS. Hạnh đưa ra là vì phương thức để cung cấp thông tin rất đa dạng nên một biểu phí cố định như vậy sẽ khó vận dụng.

Lưu ý đến vấn đề chi phí cung cấp thông tin, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, người dân đã đóng thuế cho nhà nước nên khi qui định về chi phí cung cấp thông tin cần căn cứ vào hình thức cung cấp thông tin để xác định hình thức nào được miễn phí, hình thức nào phải trả một mức phí hợp lý. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, không được coi đó là nguồn thu thêm cho ngân sách nhà nước hay cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin./.

Huy Anh