Ra mắt ban soạn thảo Luật xử lý vi phạm hành chính: Cân nhắc các biện pháp xử phạt

27/03/2009
Chiều 26/3, tại Hà Nội, Ban soạn thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã có buổi họp đầu tiên để thảo luận về một số nội dung chính liên quan đến việc xây dựng Luật này.

Theo thường trực Tổ biên tập Luật XLVPHC, qui định hiện hành về XLVPHC có hiệu lực thấp, nhiều bất cập, thiếu tính khả thi (cả về chế tài, thẩm quyền, mức xử phạt). Thống kê cho thấy, hiện có hơn 400 văn bản pháp luật để xử lý hơn 10.000 hành vi VPHC trên các lĩnh vực, trong đó tính riêng nghị định đã vào khoảng 100 (87 nghị định đang còn hiệu lực). Các văn bản này rất chồng chéo, mâu thuẫn và trùng lắp khiến việc XLVPHC trở nên phức tạp, kém hiệu quả. Vì thế, việc xây dựng Luật XLVPHC là cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đấu tranh phòng chống VPHC đang có nhiều biến đổi theo sự phát triển của kinh tế xã hội. Đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, pháp điển hóa hệ thống pháp luật XLVPHC, tránh tình trạng “Luật đề Pháp lệnh” trong XLVPHC như hiện nay, cũng như bảo đảm quyền con người và các yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật XLVPHC được thiết kế gồm 4 phần 13 chương, với 8 nội dung chính cần xem xét trong quá trình xây dựng. Đáng quan tâm là nên giữ hay bỏ các biện pháp XLHC như đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng; XLVPHC đối với người chưa thành niên, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp XLVPHC, chia các hình thức xử phạt VPHC thành biện pháp chính, bổ sung, khắc phục hậu quả…

Hiện nay, ở nước ta, các biện pháp XLHC như đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng do cơ quan hành chính nhà nước quyết định, trong khi ở các nước, tòa án mới có thẩm quyền áp dụng những biện pháp này. Vì quan điểm của các nước cho đây là các biện pháp có “tước đoạt tự do” nên phải do cơ quan tư pháp, chứ không phải cơ quan hành chính nhà nước, áp dụng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam, nếu để tòa án áp dụng các biện pháp này thì sẽ tạo thêm sức ép công việc cho hệ thống tòa án vốn đã quá tải.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp – Phó trưởng Ban soạn thảo Hoàng Thế Liên, muốn quyết định bỏ hay giữ biện pháp nào thì phải có kết quả tổng kết tính hiệu quả trong thực tiễn. Nếu giữ lại, có thể áp dụng thủ tục bán tư pháp (theo quyết định hành chính nhưng áp dụng theo thủ tục tư pháp như có luật sư tham gia, đương sự có quyền kháng nghị…). Để tránh quá tải cho hệ thống tòa án, tòa hành chính sẽ xem xét và ra phán quyết chung thẩm đối với những kháng nghị liên quan đến việc áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Về hình thức xử phạt, có thể chia thành các hình phạt chính, bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời bổ sung thêm các hình thức, hình phạt mới như lao động công ích. Song vấn đề đặt ra là lao động ở đâu, ai sẽ giám sát…

Dự án Luật XLVPHC dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét vào năm 2010.

Huy Anh