Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm việc với cán bộ chủ chốt Vụ Pháp luật quốc tế

21/06/2018

Thực hiện điểm a khoản 1 Điều 10 Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 2402/QĐ-BTP ngày 27/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), ngày 20/6/2018, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Vụ Pháp luật quốc tế. Tại buổi làm việc, đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật đã báo cáo Thứ trưởng kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2018. Theo đó, triển khai Quyết định số 313/QĐ-BTP ngày 27/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2018 của Vụ Pháp luật quốc tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, về cơ bản các nhiệm vụ đã được triển khai đúng tiến độ, đúng thời hạn. Bên cạnh đó, những việc, nhiệm đột xuất được giao để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng khá nhiều nhưng Vụ vẫn đảm bảo chất lượng, thời hạn theo yêu cầu. Liên quan đến các nhiệm vụ trọng tâm, ngoài công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có yếu tố nước ngoài, phục vụ hội nhập quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế còn thực hiện các công việc với kết quả cụ thể như sau:
1. Công tác điều ước quốc tế (ĐƯQT) và thỏa thuận quốc tế (TTQT)
Về công tác thẩm định, góp ý ĐƯQT và TTQT, Vụ đã chủ trì thẩm định, góp ý 145 ĐƯQT và TTQT. Việc thẩm định các ĐƯQT thực hiện đúng quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quy chế thẩm định ĐƯQT của Bộ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 504/QĐ-BTP ngày 26/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thẩm định điều ước quốc tế. Chất lượng công tác thẩm định, góp ý ĐƯQT, TTQT của Vụ luôn được các Bộ, ngành và các cơ quan đánh giá cao.
Về công tác đàm phán ĐƯQT, Vụ đã chủ trì đàm phán thành công hai vòng đàm phán tại Hà Nội và Bu-đa-pét Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Hung-ga-ri; phối hợp với các bộ, ngành đàm phán các hiệp định song phương và đa phương trong lĩnh vực đầu tư, thương mại tự do, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Trong đó, có các hiệp định quan trọng, như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT giữa Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hồng Kông, Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel , Hiệp định hỗ trợ hải quan giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp định thương mại dịch vụ trong ASEAN (ATISA), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với  Mô-dăm bích, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Cuba...
2. Về công tác tương trợ tư pháp và các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH), song song với việc hoàn tất đàm phán hai vòng đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Hung-ga-ri, thực hiện quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Vụ đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước việc đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với Ấn Độ và đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước việc đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với Thái Lan. Bên cạnh đó, thực hiện vai trò thành viên của HccH, cơ quan trung ương của Việt Nam trong thực thi Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, cơ quan trung ương của Việt Nam trong thực thi các Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp song phương, từ ngày 01/01/2018 ngày 30/5/2018, Vụ đã tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 2.239 yêu cầu ủy thác tư pháp, trong đó, có 1.255 yêu cầu ủy thác tư pháp với các nước có ký kết Hiệp định. Thông qua công tác tiếp nhận, chuyển giao các hồ sơ ủy thác tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế đã hướng dẫn các Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự lập, gửi hồ sơ ủy thác tư pháp theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp về dân sự.
3. Về thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) giai đoạn 2014-2018, Vụ đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành đối với dự thảo Đề án bảo vệ Báo cáo quốc gia ICCPR để báo cáo Lãnh đạo Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về công tác cấp ý kiến pháp lý, Vụ đã đàm phán và cấp ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài, bảo đảm nguồn vốn và các điều kiện pháp lý cho các chương trình, dự án đầu tư nước ngoài. Trong quá trình, đàm phán và cấp ý kiến pháp lý, Vụ luôn cố gắng nghiên cứu, rà soát nhằm đề xuất với Lãnh đạo Bộ, trao đổi, đàm phán với các nhà tài trợ, Bên cho vay theo đúng định hướng và quan điểm cấp ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp.
5. Về thực hiện nhiệm vụ chủ trì, tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, với tư cách là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, đại diện pháp lý trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, Vụ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham gia giải quyết tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ tại hội đồng trọng tài quốc tế và phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong việc giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1063/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2016 – 2020, triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2018 (được phê duyệt tại Quyết định số 2707/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và Kế hoạch tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế ở Trung ương , địa phương (ban hành kèm theo Quyết định số 1387/QĐ-BTP ngày 18/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Vụ đang xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng để kịp thời tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế để phòng ngừa và giảm thiểu các tranh chấp phát sinh và nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho các Bộ, ngành, địa phương và công chức của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh việc báo cáo kết quả công tác, đồng chí Vụ trưởng cũng báo cáo với Thứ trưởng những khó khăn cả về khách quan và chủ quan mà Vụ gặp phải, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả các công việc được giao cũng như tiến độ thực hiện Kế hoạch công tác năm 2018 của đơn vị. Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao kết quả các công việc mà Vụ Pháp luật quốc tế đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành tiến độ 6 tháng cuối năm 2018 theo kế hoạch được Lãnh đạo bộ phê duyệt, đơn vị cần tập trung hơn nữa những mảng công tác do mình chủ trì để phát huy tối đa nguồn nhân lực sẵn có của đơn vị, đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc. Để thực hiện tốt những việc này, tập thể lãnh đạo Vụ cần tăng cường sự chỉ đạo và tính giám sát cao trong sự phân công công việc.  
Phòng Pháp luật thương mại, tài chính quốc tế và Tổng hợp
Vụ Pháp luật quốc tế