Chuẩn bị tổ chức Hội thảo: “Các giải pháp đặc thù trong đào tạo các chức danh tư pháp”

09/06/2010
Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định:“Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trường Đại học Luật, Học viện Tư pháp tổ chức nghiên cứu đưa nội dung Nghị quyết vào công tác thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm từng bước xây dựng các Trường, Học viện thành những cơ sở đào tạo có thương hiệu, có uy tín, chất lượng. Đề án Tổng thể "Xây dựng và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp" đang được triển khai nghiên cứu, trong đó đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động và chất lượng đào tạo cho các cơ sở đào tạo này.

Học viện Tư pháp là cơ sở đầu tiên và duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo các chức danh tư pháp. Đây là một mô hình đào tạo mới trong hệ thống đào tạo - đào tạo kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp cho cả hệ thống các cơ quan tư pháp. Với tính chất và vị thế đặc biệt, Học viện Tư pháp đã đưa ra những giải pháp có tính đặc thù nhằm từng bước xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.

Để làm rõ hơn tính đặc thù trong đào tạo các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp đã chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp đặc thù trong đào tạo các chức danh tư pháp” để lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực pháp luật và giáo dục, đào tạo. Hội thảo sẽ tập trung thảo luận những nội dung chính như:

- Tính đặc thù trong đào tạo các chức danh tư pháp (đối tượng đào tạo, mục tiêu đào tạo, phương pháp đào tạo);

- Thi tuyển tư pháp quốc gia lựa chọn người giỏi để đào tạo chung Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp;

- Xây dựng chương trình đào tạo liên thông để áp dụng trong các cơ sở đào tạo pháp luật như các Trường Trung cấp Luật, Đại học Luật và Học viện Tư pháp để giúp học viên định hướng nghề nghiệp, sớm làm quen công việc và rút ngắn thời gian đào tạo;

Tăng cường trách nhiệm và công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp bằng việc thành lập Hội đồng Học viện với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành hữu quan để tăng cường sự chỉ đạo đối với hoạt động của Học viện Tư pháp.

Với mục tiêu đã đề ra, Ban tổ chức Hội thảo mong muốn nhận được nhiều tham luận và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các bạn đồng nghiệp và bạn đọc. Hội thảo sẽ được tổ chức vào sáng thứ 6 ngày 11/6/2010 tại trụ sở Học viện Tư pháp.

Thanh Ngân


Thanh Ngân