Bồi thường trong quản lý hành chính: Viết đơn là thực hiện thủ tục?

03/06/2010
Để triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và cụ thể hóa một số điều của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với một số cơ quan xây dựng dự thảo thông tư liên tịch về thực hiện trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Tổ biên tập về dự thảo thông tư này.

Ba loại văn bản để xác định trách nhiệm bồi thường

Hướng dẫn điểm a khoản 1 Điều 6 của Luật, dự thảo thông tư quy định, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính bao gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật; Quyết định giải quyết tố cáo; Bản án của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, “Quyết định giải quyết tố cáo” là gì thì đến nay chưa có được ý kiến cuối cùng từ phía Thanh tra Chính phủ. Vì thế, dự thảo đang đưa ra 2 phương án là kết luận nội dung tố cáo của cơ quan/người có thẩm quyền hoặc quyết định xử lý tố cáo của cơ quan/người có thẩm quyền. Còn qua trao đổi, một số chuyên gia pháp lý khẳng định, “Quyết định giải quyết tố cáo” thường chỉ có tên gọi là “Kết luận giải quyết tố cáo”

Đơn yêu cầu có là thủ tục hành chính?

Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức, người dân bị thiệt hại viết đơn yêu cầu bồi thường là họ đã thực hiện một thủ tục hành chính nên cần phải có mẫu đơn ban hành kèm thông tư để tổ chức, người dân dễ dàng, thuận lợi hơn khi có yêu cầu. Cùng với đơn thư, các công văn trả lời, quyết định giải quyết bồi thường… của các cơ quan hành chính nhà nước cũng cần được mẫu hóa.

Về vấn đề này, ông Tịnh lại nhấn mạnh, đơn yêu cầu bồi thường không liên quan đến thủ tục hành chính bởi đó là quyền của công dân. Ông Tịnh phân tích, chẳng hạn có sẵn mẫu đơn, dự kiến sẽ có những nội dung như họ tên, lý do yêu cầu bồi thường, thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường… Nội dung đầu sẽ không gặp trở ngại gì nhưng 2 nội dung sau thì sẽ làm khó người dân nếu những điều họ muốn trình bày dài quá khuôn khổ của mẫu đơn có sẵn.

Phải “cầm tay chỉ việc”

Dự thảo thông tư hướng dẫn quá trình áp dụng thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính cần lưu ý 4 điểm sau: Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phải yêu cầu người có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có văn bản của cơ quan có thẩm quyền, người bị thiệt hại phải làm đơn yêu cầu bồi thường nhà nước; người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường; cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá, những hướng dẫn trên là cần song chưa đủ. Có thể nói, các cơ quan hành chính vẫn rất lúng túng trong việc thực hiện Luật, chứ không như các cơ quan tiến hành tố tụng với “bề dày” kinh nghiệm sau vài năm thực thi Nghị quyết 388. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị, quy trình thủ tục giải quyết bồi thường phải được xây dựng chi tiết và rõ ràng hơn, đảm bảo đến mức “cầm tay chỉ việc” cho các cơ quan nhà nước.

Cẩm Vân


Cẩm Vân