Thanh tra Bộ Tư pháp: Một số nét nổi bật trong công tác thanh tra năm 2009

16/12/2009
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2009 của Thanh tra đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐ-BTP ngày 09/01/2009, trong năm 2009, Thanh tra Bộ Tư pháp đã thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành. Công tác thanh tra tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới đây là một số nét nổi bật trong công tác thanh tra năm 2009.

I. Công tác thanh tra

Sau khi Kế hoạch công tác thanh tra năm 2009 được Bộ trưởng phê duyệt, Thanh tra Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện kế hoạch này. Đến nay, Thanh tra Bộ đã tiến hành xong 13/13 cuộc thanh tra theo kế hoạch (đạt 100% Kế hoạch công tác năm 2009 và tăng 30% so với năm 2008), bao gồm: 03 cuộc thanh tra về nghiệp vụ thi hành án dân sự và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; 03 cuộc thanh tra về công tác kết hôn có yếu tố nước ngoài và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; 02 cuộc thanh tra về công tác luật sư; 03 cuộc thanh tra về xây dựng cơ bản; 02 cuộc thanh tra về công tác bán đấu giá tài sản. Trong đó, có 02 cuộc thanh tra theo kế hoạch kết hợp với thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nhìn chung, trong năm 2009, các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được các Phòng Thanh tra hành chính và Thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ thực hiện một cách chủ động, kết thúc dứt điểm. Sau khi kết thúc thanh tra tại địa phương, các Đoàn đều khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra. Đến nay, đã hoàn thiện Kết luận của 10/13 cuộc thanh tra của năm 2009.

Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 Văn phòng Luật sư trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và 02 đấu giá viên tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng số tiền phạt là 5.000.000 đồng; quyết định thu hồi 30.929.341 đồng của Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ đối với công trình xây dựng trụ sở Thi hành án dân sự quận Ô Môn và công trình xây dựng trụ sở Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ;  đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện thể chế và chấn chỉnh công tác quản lý như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chấn chỉnh công tác luật sư; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản, về nuôi con nuôi và kết hôn có yếu tố nước ngoài...

Trong năm 2009, Thanh tra Bộ cũng đã chủ trì Đoàn công tác làm việc với Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh Long An về những điểm chưa thống nhất giữa Giám đốc Sở và Trưởng Thi hánh án dân sự tỉnh về Quyết định thanh tra, Quyết định thu hồi tiền mặt do chi sai chế độ, việc chấp hành pháp luật về thanh tra và Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra, việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã hoàn thiện Kết luận của 04 cuộc thanh tra đã tiến hành vào cuối năm 2008.

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các Kết luận thanh tra và Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã và đang tiến hành từ cuối năm 2008, trong năm 2009, Thanh tra Bộ đã kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra và Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra được ban hành kèm theo Quyết định số 2861/2008/QĐ-TTCP ngày 22/12/2008, ngay trong năm 2009, lần đầu tiên Thanh tra Bộ Tư pháp đã tiến hành giám sát hoạt động Đoàn thanh tra tại Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên.

II. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tình hình công tác tiếp dân

Tính đến ngày 30/9/2009, Thanh tra Bộ Tư pháp cùng các đơn vị chức năng của Bộ đã tiếp 1.013 công dân đến khiếu nại, tố cáo và có một số yêu cầu khác, trong đó có 855 lượt công dân đến khiếu nại những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp chiếm 84,4% (thi hành án dân sự 802 lượt, chiếm 93,8%), còn lại là 158 công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh những nội dung không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp (chủ yếu là khiếu nại bản án  tranh chấp đất đai), chiếm 15,6%.

Các trường hợp khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đều được cán bộ của Thanh tra Bộ thường trực tại Trụ sở tiếp công dân của Bộ và cán bộ của Vụ, Cục chức năng tiếp và lắng nghe công dân trình bày, tiếp nhận đơn và chuyển đến các đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền. Các trường hợp khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, cán bộ tiếp dân đã kịp thời hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các cán bộ được phân công làm công tác tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân của Bộ luôn thể hiện tốt trách nhiệm, có thái độ đúng mực khi tiếp công dân.

Thực hiện Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp, hàng tháng, Lãnh đạo Bộ đều dành thời gian làm việc với Thanh tra Bộ để nghe Thanh tra Bộ báo cáo các trường hợp công dân đến khiếu nại và đăng ký được gặp Lãnh đạo Bộ trước khi Lãnh đạo Bộ tiếp công dân.

2. Tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Tình hình khiếu nại, tố cáo

Nhìn chung, trong năm 2009, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2008, thể hiện ở số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo và số lượng vụ việc bức xúc, phức tạp. Tuy nhiên, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Thanh tra Bộ Tư pháp nhận được trong năm 2009 lại tăng lên đáng kể, cụ thể: tính đến ngày 30/9/2009, Thanh tra Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 3.026 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... của công dân (tăng 48,6% so với năm 2008), trong đó có 1321 đơn thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, chiếm 43,6% (lĩnh vực thi hành án dân sự có 1199 đơn, chiếm 90,8%; lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp có 93 đơn, chiếm 7%), còn 1705 đơn không thuộc thẩm quyền của ngành Tư pháp chiếm 56,4%. So với năm 2008, số đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của ngành tăng 39,9%; đơn thư khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền của ngành tăng 56%. Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay, rất nhiều trường hợp với một đơn thư khiếu nại, tố cáo nhưng được phô tô làm nhiều bản và gửi đồng thời cho các cơ quan từ Trung ương tới địa phương. Mặt khác, trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, người khiếu nại gửi quá nhiều đơn cho 1 vụ việc nhằm tạo ra áp lực để các cơ quan giải quyết nhanh trường hợp của họ.

b) Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

* Đối với đơn thư khiếu nại thuộc lĩnh vực quản lý của ngành: Đơn thư này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thi hành án (92,2%).

Đối với đơn thư thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án địa phương, căn cứ Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ đã chuyển Cục Thi hành án dân sự để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc cơ quan Thi hành án địa phương giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền.

Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, sau khi nghiên cứu, Thanh tra Bộ kiến nghị Lãnh đạo Bộ giao Thanh tra chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xác minh làm rõ để kiến nghị giải quyết. Trong năm 2009, Thanh tra Bộ đã tập trung xác minh, giải quyết 16 vụ việc khiếu nại, tố cáo, bao gồm: 9 vụ khiếu nại, 4 vụ tố cáo, 03 vụ vừa khiếu nại, vừa tố cáo, trong đó, có nhiều vụ việc phức tạp, bức xúc, kéo dài như: vụ thi hành án và bán đấu giá ngôi nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu (Thành phố Hồ Chí Minh), vụ khiếu nại, tố cáo của ông Lê Mạnh Thắng và bà Lê Thị Tuyết ở Sơn Tây (Hà Nội), vụ khiếu nại của ông Võ Văn Học và bà Huỳnh Thị Nga (Quảng Ngãi), vụ khiếu nại, tố cáo của bà Lê Thị Kim Thanh (Ninh Thuận), vụ khiếu nại, tố cáo của bà Bùi Thị Kim Loan (thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, vụ tố cáo tại Học viện Tư pháp, qua thanh tra xác minh đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý tài chính, kế toán, đã đề nghị thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm và xử lý kỷ luật một số cán bộ, công chức có liên quan.

* Đối với đơn thư khiếu nại không thuộc thẩm quyền: Trong số 1705 đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền, phần lớn là đơn khiếu nại về nội dung bản án, đất đai, nhà ở, khiếu nại việc giải quyết chế độ không đúng cho một số đối tượng.... Việc xử lý loại đơn thư này, Thanh tra Bộ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hiện hành. Tính đến ngày 30/9/2009, Thanh tra Bộ đã làm phiếu chuyển, phiếu hướng dẫn cho 394 trường hợp.

3. Kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài

Trong năm 2009, thực hiện Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành Công văn số 1726/BTP-TTR ngày 01/6/2009 của Bộ Tư pháp về việc tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thống kê, báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án tồn đọng, kéo dài gửi Trưởng THADS tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ Tư pháp yêu cầu Trưởng THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tích cực, chủ động giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của mình; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS cấp dưới. Định kỳ hàng quý, Trưởng THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát, thống kê, báo cáo Bộ Tư pháp các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Thanh tra Bộ Tư pháp đã tập hợp được tất cả các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài về thi hành án dân sự của các địa phương trên cả nước. Kết quả, trên toàn quốc có 155 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, trong đó có 40 vụ việc do THADS cấp tỉnh tổ chức thi hành, 115 vụ việc do THADS cấp huyện tổ chức thi hành.

Sau khi tập hợp số liệu, Thanh tra Bộ có văn bản báo cáo và đã được Lãnh đạo Bộ đồng ý với đề xuất của Thanh tra Bộ là sẽ thành lập các đoàn công tác để làm việc với THADS các tỉnh, thành phố có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài để kiểm tra, đôn đốc giải quyết dứt điểm.

Dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ đã trực tiếp cùng Cục Thi hành án dân sự kiểm tra việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm của THADS thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; Chánh Thanh tra đã trực tiếp chủ trì kiểm tra tại THADS tỉnh Lâm Đồng, Hoà Bình, Thái Bình. Định kỳ 3 tháng, Thanh tra Bộ tổng hợp, xây dựng báo cáo của Bộ Tư pháp về việc giải quyết các khiếu nại bức xúc, kéo dài để báo cáo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Đây chính là điểm mới trong công tác giải quyết khiếu nại năm 2009 của Thanh tra Bộ Tư pháp.

4. Thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo

Liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2009, cùng với việc thanh tra theo kế hoạch về công tác thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ đã thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang, Hưng Yên, Bình Phước. Qua thanh tra cho thấy: về cơ bản các đơn vị thực hiện tốt các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo như: có sổ theo dõi, ghi chép, lưu hồ sơ đầy đủ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó, cũng còn một số tồn tại như: còn có trường hợp chưa tổ chức đối thoại với đương sự; một số vụ việc giải quyết chưa đảm bảo thời gian theo quy định; chưa tích cực, đôn đốc cấp dưới giải quyết khiếu nại của công dân.... Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ đã đưa ra những kiến nghị kịp thời để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trên.

III. Công tác phòng, chống tham nhũng

Thực hiện chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng theo thẩm quyền, trong năm 2009, bên cạnh việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra tập trung vào một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như công tác thi hành án dân sự, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách ngành, công tác bán đấu giá tài sản, kết hôn và con nuôi có yếu tố nước ngoài, luật sư... ; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, làm đầu mối tổng hợp xây dựng các báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng; Cùng Lãnh đạo Bộ tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khoá X)... Thanh tra Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Bộ Tư pháp. Ngày 26/2/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 468/QĐ-BTP ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 21/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2009 ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ đã chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 1 (2009-2011) của Bộ Tư pháp, kịp thời cụ thể hoá các nhiệm vụ để thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến từng đơn vị thuộc Bộ. Ngày 10/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 3218/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch này.

IV. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức cán bộ và xây dựng lực lượng

Trong năm 2009, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng rất chú trọng đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng đối với Thanh tra toàn ngành Tư pháp. Ngay từ đầu năm, Thanh tra Bộ đã có công văn số 08/TTR-HCTH ngày 14/01/2009, hướng dẫn Thanh tra các Sở Tư pháp thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2009.

Thanh tra Bộ Tư pháp đã tổng hợp đăng ký nhu cầu của Thanh tra các Sở Tư pháp về việc học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên. Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có công văn số 25/TTR-HCTH ngày 10/2/2009 gửi Trường Cán bộ Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp) đăng ký mở lớp nghiệp vụ thanh tra viên năm 2009 cho cán bộ, công chức thanh tra các Sở Tư pháp, làm cơ sở bổ nhiệm thanh tra viên.

Thực hiện Quyết định số 297/QĐ-BTP ngày 23/1/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong tháng 7/2009, Thanh tra Bộ Tư pháp đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và giải quyết khiếu nại cho Thanh tra các Sở Tư pháp. Việc tổ chức lớp đã đáp ứng được phần nào nhu cầu được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của cán bộ, công chức thanh tra các Sở Tư pháp trong toàn quốc. Lớp bồi dưỡng được các học viên đánh giá là có chất lượng, hiệu quả cả về nội dung, phương pháp, giảng viên.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tư pháp còn thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các Sở Tư pháp dưới các hình thức như: bằng văn bản, giải đáp qua điện thoại, qua mục Hướng dẫn nghiệp vụ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn).

Đặc biệt, liên quan đến công tác tổ chức và xây dựng lực lượng, trong năm 2009, Thanh tra Bộ đã bảo vệ thành công Đề án nghiên cứu khoa học “Tăng cường năng lực thanh tra Tư pháp” làm cơ sở cho việc củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra trong toàn ngành. Ngày 09/7/2009, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 1747/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tư pháp. Hiện nay, Thanh tra Bộ đã tạm thời sắp xếp, bố trí và phân công số lượng cán bộ, công chức hiện có theo đúng cơ cấu của Quyết định số 1747/QĐ-BTP để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ đã xây dựng và hoàn thiện Đề án kiện toàn công tác tổ chức của Thanh tra Bộ. Ngày 14/10/2009, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 2273/QĐ-BTP về việc phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ của Thanh tra Bộ Tư pháp. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng để kiện toàn một bước đáng kể công tác tổ chức của Thanh tra Bộ, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ và đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác thanh tra của Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung trong tình hình hiện nay.

Trong năm 2009, Thanh tra Bộ đã được Lãnh đạo Bộ có quyết định bổ nhiệm 01 Phó Chánh thanh tra, 01 Trưởng phòng, 01 Phó trưởng phòng, 02 đồng chí Thanh tra viên chính, tiếp nhận 02 đồng chí về công tác tại đơn vị. Ngoài ra, đơn vị đã cử 05 đồng chí hợc lớp chuyên viên chính, 04 đồng chí học lớp thanh tra viên chính, 01 đồng chí đi học và dự thi nâng ngạch Thanh tra viên cao cấp, 03 đồng chí học lớp ngoại ngữ, 01 đồng chí đi đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản, 04 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị.

V. Công tác khác

Bên cạnh việc thực hiện một số mặt công tác cơ bản như trên, trong năm 2009, Thanh tra Bộ còn thực hiện một loạt những công tác khác như:

- Về công tác xây dựng và góp ý văn bản: hoàn thành xây dựng 02 văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 556/QĐ-BTP ngày 16/3/2009 của Bộ trưởng về việc phân công các đơn vị xây dựng văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp năm 2009; góp ý trên 30 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác.

- Về công tác xây dựng báo cáo, không kể báo cáo của các Đoàn thanh tra theo kế hoạch, Đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, tính đến hết tháng 10/2009, Thanh tra Bộ đã hoàn thành trên 70 bản báo cáo các loại, bao gồm: Báo cáo công tác thanh tra; Báo cáo tiếp công dân; Báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và các báo cáo chính như: Báo cáo rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài theo Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ; Báo cáo kết qủa giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp từ 01/10/2008 đến 31/7/2009 theo yêu cầu tại Công văn số 2497/VKSTC-V7 ngày 17/8/2009 của Viện Kiểm sát tối cao; Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2009 theo yêu cầu tại công văn số 1804/TTCP-VP ngày 05/8/2009 của Thanh tra Chính phủ; Báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu tại Công văn số 1980/TTCP-VP ngày 19/8/2009 của Thanh tra Chính phủ; Báo cáo và tham gia ý kiến về việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu phạm tội do cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố; Báo cáo tình hình, kết quả xử lý vi phạm hành chính năm 2009; Báo cáo phục vụ công tác của Bộ trưởng làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh; Chuẩn bị văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri theo yêu cầu của Bộ trưởng và Công văn số 406/VP-TH ngày 10/8/2009 của Văn phòng Bộ...

- Thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp giai đoạn 2007-2010, giai đoạn 1 của Đề án, Thanh tra Bộ đã thống kê 5 thủ tục hành chính có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Thanh tra Bộ; thực hiện đăng tải các thủ tục và quy trình giải quyết công việc, thời gian giải quyết...trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp mục "thủ tục hành chính" để tổ chức, công dân biết để thực hiện.

Triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Đề án, Thanh tra Bộ đã thành lập Nhóm công tác rà soát thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của đơn vị do đồng chí Chánh thanh tra làm Trưởng nhóm và 01 đồng chí Phó Chánh thanh tra làm Phó trưởng nhóm nhằm tập trung chỉ đạo rà soát các thủ tục hành chính đạt chất lượng, giảm thiểu tối đa các thủ tục có thể gây phiền hà đến người dân và doanh nghiệp. Đến nay, công tác rà soát cơ bản đã hoàn thành. Kết quả rà soát: với mỗi thủ tục, Thanh tra Bộ đều đã đưa ra được các kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

- Thực hiện sự phân công của Thanh tra Chính phủ tại công văn số 248/TTCP-TCCB ngày 10/2/2009, về việc phân công, kiện toàn các Cụm, Khối thi đua ngành thanh tra năm 2009 trong đó Thanh tra Bộ Tư pháp được giao làm Khối trưởng khối thi đua thanh tra các Bộ, ngành khối 2 (gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước). Thực hiện nhiệm vụ này, trong năm 2009, Thanh tra Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Lễ ký kết giao ước thi đua của Thanh tra các bộ, ngành khối II; Tổ chức kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng của Thanh tra các Bộ, ngành Khối II theo Kế hoạch số 1359/KH-TTCP ngày 24/6/2009 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng ngành Thanh tra 6 tháng đầu năm 2009; Chủ trì Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2009 của Thanh tra các Bộ, ngành Khối II.

- Trong năm qua, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đã cứ cán bộ tham gia 06 Đoàn công tác và thanh tra liên ngành do các đơn vị khác chủ trì như: Đoàn kiểm tra của Cục Trợ giúp pháp lý; Đoàn kiểm tra biểu mẫu hộ tịch tại một số tỉnh phía nam do Nhà xuất bản Tư pháp chủ trì; Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ theo Quyết định số 778/QĐ-TTCP ngày 17/4/2009 của Tổng thanh tra về việc xử lý sau thanh tra tại Tổng cục Thuế, Cục thuế thành phố Hà Nội và Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh; Đoàn khảo sát thi hành bản án, quyết định của Toà án giải quyết các vụ án hành chính từ năm 1996 đến nay; Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh...Chủ trì Đoàn kiểm tra công tác thi đua khen thưởng và kiểm tra thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2009 tại Sở Tư pháp và THDS thành phố Đà Nẵng.

Từ những kết quả đã đạt được như trên, có thể khẳng định, trong năm 2009, Thanh tra Bộ Tư pháp đã hoàn thành khối lượng công việc lớn. Bên cạnh công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, khối lượng các báo cáo, thẩm định, góp ý các văn bản mà Thanh tra Bộ phải thực hiện và hoàn thành trong năm qua là rất lớn, chiếm một phần không nhỏ trong công tác của đơn vị và cán bộ, công chức trong đơn vị cũng phải đầu tư đáng kể công sức, trí tuệ cho các phần việc này.  Trong năm 2009, công tác tổ chức của Thanh tra Bộ tiếp tục được kiện toàn. Các phòng chuyên môn dần đi vào nề nếp, ổn định và có tính chủ động trong việc thực hiện kế hoạch công tác của mình. Công tác thanh tra theo kế hoạch được thực hiện nhanh gọn, các đoàn thanh tra sau khi kết thúc thanh tra tại địa phương đều tập trung hoàn thiện Báo cáo và dự thảo Kết luận thanh tra theo đúng thời hạn quy định. Bước đầu đã kịp thời triển khai giám sát hoạt động đoàn thanh tra theo quy định của Thanh tra Chính phủ. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện có hiệu quả. Các vụ khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 chuyển sang đều được kết thúc dứt điểm. Các vụ khiếu nại, tố cáo mới phát sinh cũng được nghiên cứu, đề xuất, tiến hành xác minh kịp thời. Đến nay, không còn các vụ khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong năm qua, Thanh tra Bộ cũng đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn ngành. Có được kết quả trên là nhờ có sự chủ động, sáng tạo của Lãnh đạo đơn vị, sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, công chức Thanh tra Bộ, sự kiện toàn về mặt tổ chức cũng như sự không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ của mỗi cán bộ, công chức trong đơn vị.

Để ghi nhận những kết quả công tác đã đạt được trên, Thanh tra Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho Tập thể Thanh tra Bộ và 03 cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm, đề nghị Tổng Thanh tra tặng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ cho Tập thể đơn vị, tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra cho 03 phòng chuyên môn thuộc Thanh tra Bộ và 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2009.

Hy vọng rằng, những nét nổi bật trong công tác thanh tra năm 2009 sẽ là động lực và tạo đà cho việc triển khai công tác năm 2010 của đơn vị - năm có nhiều yêu cầu đặt ra cho công tác thanh tra Tư pháp nói riêng và công tác của toàn ngành nói chung nhằm phục vu tốt nhất và kịp thời cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI./.

Thanh tra Bộ Tư pháp