Cục Trợ giúp pháp lý: Nhiều đổi mới chỉ đạo trong công tác năm 2009

16/12/2009
Trên cơ sở chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong năm 2009 tập thể lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Cục đã họp và thống nhất nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá và quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức của Cục để tạo sự nhất quán và đồng thuận cao từ Lãnh đạo đến từng cán bộ công chức.

Nếu như trong các năm 2007 và 2008 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Cục là tham mưu để Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý thì trong năm 2009 Cục tập trung vào nhiệm vụ giúp Bộ trưởng theo dõi triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành - đây là nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành. Từ nhiệm vụ trọng tâm này, Cục đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra để nắm bắt những vướng mắc, phát sinh, từ đó có những chỉ đạo sát sao, kịp thời triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành trong toàn quốc. Cụ thể, Cục đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức hơn 10 Đoàn kiểm tra tại 18 tỉnh (trong đó có 4 đoàn kiểm tra liên ngành) tập trung chủ yếu vào những nội dung, như: Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của các Trung tâm; việc thực hiện Thông tư Liên tịch số 10/2007/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; tổ chức kiểm tra chất lượng vụ việc. Tham mưu Bộ Tư pháp sơ kết 3 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, 01 năm thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý và 2 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 10.

 Qua sơ kết đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác chỉ đạo của Cục và công tác tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới, bởi đây đều là những nội dung có tác động lớn  đến sự  phát triển bền vững của hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian trước mắt và lâu dài.

 Theo thống kê đến hết tháng 9/2009, 63/63 tỉnh đã xây dựng được Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trình lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đang thực hiện theo Đề án được phê duyệt; hầu hết các Trung tâm đều đã được kiện toàn bộ máy lãnh đạo và thành lập các phòng chuyên môn nghiệp vụ, có 60/63 Trung tâm có Giám đốc (chiếm 95,2%). Đa số các Trung tâm đã bổ nhiệm Phó Giám đốc, trong đó có 12 Trung tâm bổ nhiệm từ 02 Phó Giám đốc trở lên, tuy nhiên, cũng còn 13/63 Trung tâm chưa có Phó Giám đốc (chiếm 20,6%). Giám đốc Trung tâm phần lớn có đủ tiêu chuẩn (trong đó có 51/63 là Trợ giúp viên pháp lý, chiếm 80,95%), có thời gian làm công tác pháp luật và trợ giúp pháp lý từ 10 năm trở lên. Đã có 29/63 tỉnh, thành phố đã tiến hành thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và Chi nhánh (chiếm 46,03%) với tổng số 72 phòng chuyên môn và 92 Chi nhánh (trung bình mỗi Trung tâm có từ 2 - 3 phòng và 3 Chi nhánh). Các Trung tâm đã được củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ thường có 15 - 18 biên chế, một số Trung tâm giao hơn 30 biên chế, tuy vậy cũng còn một số Trung tâm mặc dù Đề án kiện toàn đã được phê duyệt nhưng còn thiếu nguồn cán bộ nên vẫn chỉ có từ 5 - 7 biên chế. 100% tỉnh, thành trong cả nước đều đã thành lập xong Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và xây dựng được kế hoạch hoạt động, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả phối hợp, họp rút kinh nghiệm chấn chỉnh về hiệu quả của công tác phối hợp đối với từng thành viên thuộc các sở, ban, ngành có liên quan. Mặt khác, qua việc theo dõi và kiểm tra cho thấy nhận thức trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng được nâng lên một mức đáng kể so với trước đây góp phần tạo thuận lợi rất lớn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, Lãnh đạo Cục còn chỉ đạo Phòng quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Cục trực tiếp tiến hành khảo sát 1.000 người là những người đã được trợ giúp pháp lý và các cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý để nắm bắt và đánh giá chất lượng thực tế của các vụ việc trợ giúp pháp lý trong thời gian qua để có những chỉ đạo phù hợp trong thời gian tới. Công tác chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ toàn quốc và Bồi dưỡng nguồn trợ giúp viên cũng có nhiều đổi mới, chú trọng nhiều vào các kỹ năng và các tình huống thực tiễn, do đó chất lượng tập huấn và bồi dưỡng bước đầu cũng đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận. Đồng thời, trong năm 2009 Cục cũng đã xây dựng trình Bộ trưởng ký các văn bản liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Cục, như Quyết định số 1989/QĐ-BTP ngày 17/8/2009 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trợ giúp pháp lý; Quyết định số 3425/QĐ-BTP ngày 25/11/2009 Phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và tăng cường năng lực của Cục Trợ giúp pháp lý (Giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030)”. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để trong thời gian tới Cục sẽ tiến hành kiện toàn đồng bộ về tổ chức bộ máy, cán bộ bảo đảm chuyên môn hoá, khoa học, gọn nhẹ và hợp lý; xây dựng cơ chế quản lý, điều hành hiệu quả, tạo bước chuyển biến căn bản về chất trong tổ chức bộ máy, cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của công tác trợ giúp pháp lý.  

  Ngoài ra, trong năm 2009 Cục còn tiếp tục xây dựng và đang lấy ý kiến hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, Đề án quan trọng, như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020” tại các tỉnh vùng Tây Bắc và các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; Thông tư Liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn thống kê về Trợ giúp pháp lý; Thông tư Liên tịch của Bộ Tư pháp và Uỷ ban dân tộc hướng dẫn về trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số; Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý; 07 Quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2008 áp dụng trong hoạt động quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.…

  Trong năm 2010, Ban lãnh Cục chọn vấn đề nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp là trọng tâm trong việc chỉ đạo điều hành. Đây là một vấn đề  không chỉ Việt Nam mà các quốc gia có hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí trên thế giới đều rất quan tâm. Bởi ý nghĩa nhân văn cao cả của hoạt động trợ giúp pháp lý là giúp đỡ những người nghèo và các nhóm yếu thế trong xã hội khi họ gặp phải khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật chỉ trở thành hiện thực khi vướng mắc của họ phải được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đối xử thực sự bình đẳng như các cá nhân khác trong xã hội. Và chìa khoá để giải quyết vấn đề đó chính là chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tối thiểu phải ngang bằng chất lượng vụ việc có thu phí./.

Đào Dư Long