Thẩm định dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của nước ngoài thông qua Văn phòng Thừa phát lại

Thẩm định dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của nước ngoài thông qua Văn phòng Thừa phát lại

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13, ngày 18/6/2021, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của nước ngoài thông qua Văn phòng Thừa phát lại (sau đây gọi là Thông tư).
Ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì cuộc họp. Mời tham dự cuộc họp bao gồm các tổ chức có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VIETCOMBANK) và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp.
 Thông tư được xây dựng nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại về việc Thừa phát lại được thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (điểm b, khoản 1, Điều 32), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết 03 vấn đề liên quan đến tống đạt văn bản của nước ngoài: (i) Lựa chọn Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt văn bản của nước ngoài (Khoản 3 Điều 34); (ii) Hướng dẫn đối với Thừa phát lại thực hiện tống đạt văn bản của nước ngoài (Khoản 3 Điều 34); (iii) Chi phí tống đạt văn bản của nước ngoài (Điều 63).
Cho đến nay, yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (sau đây gọi là TTTP) chủ yếu do tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (Luật TTTP) và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (Thông tư 12). Do công tác xét xử của tòa án nhân dân cấp tỉnh đang trong tình trạng “quá tải” khi số lượng vụ việc tòa án giải quyết gia tăng hàng năm, nguồn nhân lực bị cắt giảm nên việc thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài không nhận được sự quan tâm thích đáng, nhiều yêu cầu không được thực hiện hoặc chậm thực hiện gây ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc giao yêu cầu TTTP của nước ngoài cho cơ quan ngoài nhà nước thực hiện sẽ giải quyết được khó khăn nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động TTTP.

Tại cuộc họp, cơ quan chủ trì soạn thảo là Vụ Pháp luật quốc tế giải thích rõ hơn về thực tiễn thực hiện tống đạt giấy tờ cũng như các nội dung của dự thảo Thông tư. Các đại biểu góp ý thẳng thắn, trực tiếp cơ bản nhất trí đối với dự thảo, đồng thời cũng nêu ra các ý kiến hoàn thiện quy trình thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi khi Thông tư có hiệu lực. Các nội dung mà các đại biểu quan tâm chủ yếu xoay quanh vấn đề về quy trình lựa chọn Văn phòng Thừa phát lại và thủ tục Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ. Về cơ bản, Vụ Pháp luật quốc tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu và giải trình rõ ràng về dự thảo Thông tư.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Anh Đức tóm tắt lại các ý kiến góp ý và sẽ được thể hiện đầy đủ trong báo cáo thẩm định. Theo kế hoạch, Thông tư sẽ được trình lãnh đạo Bộ ký, ban hành trong tháng 6/2021.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế