Tọa đàm về Công ước La Hay về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế

Tọa đàm về Công ước La Hay về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế

Thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” năm 2019 giữa Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Vụ Pháp luật quốc tế đã tổ chức Tọa đàm về Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế vào ngày 06/12/2019 tại khách sạn Công đoàn Việt Nam, thành phố Hà Nội.
Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế (Công ước) là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng quy định về các biện pháp mang tính chất dân sự trong hợp tác giữa các quốc gia có liên quan nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ hành vi đưa trẻ đi hoặc giữ trẻ trái phép được thực hiện bởi cha/mẹ hoặc người thân của trẻ; thông qua thủ tục hợp tác giữa các quốc gia thành viên đảm bảo an toàn cho trẻ trong mọi trường hợp trẻ bị mang đi hoặc giữ lại trái phép; đảm bảo nhanh chóng trả lại trẻ đã bị mang đi hoặc giữ lại trái phép ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước. Đồng thời, Công ước đảm bảo quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom theo pháp luật của một quốc gia ký kết được tôn trọng và bảo vệ tại các quốc gia ký kết khác. Ngày 11/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 49/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế giai đoạn 2019-2021 (Kế hoạch).
Thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” năm 2019 giữa Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Vụ Pháp luật quốc tế đã tổ chức Tọa đàm về Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế vào ngày 06/12/2019 tại khách sạn Công đoàn Việt Nam, thành phố Hà Nội.

Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm, tham dự của các đại biểu đến từ các bộ, ngành có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu tại Hà Nội. Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham dự và chia sẻ của các chuyên gia Thụy Sỹ bao gồm: Bà Joëlle Schickel-Küng, Trưởng phòng Phòng Tư pháp quốc tế, Văn phòng Tư pháp Liên bang, Bộ Tư pháp và cảnh sát Liên bang Thụy Sỹ và Bà Francine Hungerbühler, cố vấn pháp luật cao cấp, Phòng Tư pháp quốc tế, Văn phòng Tư pháp Liên bang, Bộ Tư pháp và cảnh sát Liên bang Thụy Sỹ.
Tại buổi tọa đàm, Nhóm chuyên gia nghiên cứu của UNICEF đã trình bày về dự thảo “Báo cáo rà soát quy định của Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên” (Báo cáo). Báo cáo tập trung nghiên cứu các quy định của Công ước; một số khuyến nghị của Hội nghi La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay) hướng dẫn thực thi tốt Công ước; rà soát các quy định pháp luật của Việt Nam hiện hành (các Luật và Nghị định) và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để đánh giá sự phù hợp giữa quy định của Công ước với các quy định pháp luật, điều ước quốc tế được rà soát, từ đó đưa ra đánh giá và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới (nếu cần thiết) các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý trong nước điều chỉnh việc giải quyết các yêu cầu trao trả và yêu cầu thăm nom trẻ em, trong trường hợp Việt Nam gia nhập Công ước.
Góp ý cho dự thảo Báo cáo, các chuyên gia và đại biểu tham dự đều nhận định việc nghiên cứu rà soát, đánh giá quy định pháp luật, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên với nội dung Công ước là một trong những bước đầu tiên cần thực hiện. Các đại biểu cho rằng Báo cáo được xây dựng với cơ cấu hợp lý, các quy định pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan tới nội dung Công ước đã được rà soát toàn diện. Bên cạnh đó, để Báo cáo hoàn thiện hơn, Nhóm chuyên gia cần bổ sung đề xuất triển khai hình thành một Cơ quan Trung ương, cơ chế phối hợp thực thi nếu Việt Nam gia nhập Công ước; tác động của việc lựa chọn các giải pháp hoàn thiện pháp luật của dự thảo Báo cáo... Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra định hướng những công việc tiếp theo để triển khai hiệu quả nhiệm vụ tại Kế hoạch.
Tại Tọa đàm các chuyên gia Thụy Sỹ đã có những chia sẻ kinh nghiệm về gia nhập, tổ chức, thực thi Công ước bắt cóc trẻ em tại Thụy Sỹ. Theo đó, Thụy Sỹ phê chuẩn Công ước năm 1984. Bộ Tư pháp và cảnh sát Liên bang Thụy Sỹ được chỉ định là Cơ quan Trung ương với 03 luật sư chuyên trách phục vụ việc thực thi Công ước. Cơ quan Trung ương có thể tự giải quyết vụ việc hoặc điều phối cho các cơ quan có thẩm quyền khác. Trong giai đoạn 1984-2009, Thụy Sỹ áp dụng trực tiếp Công ước nhưng việc thực thi Công ước chưa được hiệu quả do thủ tục tố tụng chậm, không có thẩm phán chuyên trách, vấn đề về thi hành và chưa tập trung vào lợi ích của trẻ. Năm 2009, Thụy Sỹ ban hành Luật thi hành Công ước nhằm đưa ra những thay đổi, khắc phục những vấn đề Thụy Sỹ gặp phải khi thực thi Công ước như: tập trung quyền tài phán cho các tòa phúc thẩm ở mỗi bang, trao cho tòa án quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp, thi hành án, trẻ có luật sư riêng và được lắng nghe, thúc đẩy việc hòa giải các vụ việc. Chuyên gia Thụy Sỹ chia sẻ thêm về quy trình, thủ tục tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu đi và đến Thụy Sỹ, xác định nơi cư trú của trẻ, quyền nuôi con, quyết định và thi hành quyết định trao trả trẻ theo pháp luật Thụy Sỹ.
Bên cạnh các nôi dung chính nêu trên, Tọa đàm còn lắng nghe các tham luận đến từ các đại diện cơ quan, đơn vị về trợ giúp pháp lý và xuất nhập cảnh liên quan đến các quy định pháp luật hiện nay, thực tiễn thi hành, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong trường hợp Việt Nam gia nhập, thực thi Công ước.
Kết thúc buổi tọa đàm, bà Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã bày tỏ sự cảm ơn sự hỗ trợ của Dự án UNICEF, các chuyên gia Thụy Sỹ về những chia sẻ hữu ích đối với phía Việt Nam trong việc gia nhập thực thi Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế. Bà Hương cũng mong muốn trong thời gian tới các chuyên gia, các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc nghiên cứu chuẩn bị gia nhập Công ước.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế.
​​​