Hội thảo quốc tế: Đàm phán sửa đổi các hiệp định bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Hội thảo quốc tế: Đàm phán sửa đổi các hiệp định bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập Vụ Pháp Luật quốc tế (2003-2018) Ngày 28/9/2018, Đoàn Thanh niên Vụ Pháp luật quốc tế tổ chức hội thảo quốc tế “ Đề xuất sửa đổi các hiệp định đầu tư quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và Nhà đầu tư (ISDS)” tại Bộ Tư pháp với khách mời là Ông Richard Braddock, Luật sư thành viên của hãng luật Lexbridge, Úc và bà Min Jung Kim, chuyên gia của Uỷ ban của Liên hợp quốc về thương mại quốc tế, khu vực Châu Á Thái Bình Dương (UNCITRAL-RCAP).
 
Hội thảo có sự tham gia của Đoàn viên thanh viên Vụ Pháp luật quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các cơ sở đào tạo như Học viện Tư pháp, Đại học Ngoại thương.
 
Hội thảo đã nghe 4 chuyên đề do hai chuyên gia quốc tế trình bày:
Thứ nhất, với chuyên đề “các đề xuất sửa đổi các Hiệp định đầu tư và ISDS”, ông Richard Braddock, với kinh nghiệm làm việc cho Chính phủ Australia trong đàm phán các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các hiệp định thương mại tự do ASEAN- Úc- Newzealand và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) và là luật sư biện hộ cho Chính phủ Australia trong vụ kiện Phillip Morris v Chính phủ Australia, đã cập nhật các đề xuất trong xu hướng đàm phán lại hoặc thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư thế hệ cũ được các quốc gia đàm phán từ những năm 1990 và 2000 bằng các chương đầu tư tại các Hiệp định thương mại khu vực với những sửa đổi quan trọng về nội dung các cam kết bảo hộ đầu tư, cũng như quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và Nhà đầu tư. Theo đó, các cam kết bảo hộ đầu tư được đàm phán theo xu hướng dành sự cân bằng lớn hơn giữa bảo hộ đầu tư và các mục tiêu xã hội khác như môi trường, lao động, sức khỏe cộng đồng, các lĩnh vực mà các quốc gia muốn dành quyền tự chủ nhiều hơn trong ban hành các chính sách này. Về giải quyết tranh chấp, việc đàm phán đang hướng tới các cơ chế công bằng minh bạch và thống nhất trong các diễn giải và áp dụng các cam kết bảo hộ đầu tư, trong đó có thảo luận về thành lập Tòa đầu tư đa phương. Ông Richard Braddock cũng gợi ý đây là cơ hội rất tốt cho các quốc gia như Úc và Việt Nam khi tham gia đàm phán sửa đổi để hướng tới các cam kết bảo hộ đầu tư hài hòa và hoàn hảo hơn cho các mục tiêu chính sách của mình trong khuôn khổ đàm phán các Hiệp định thương mại khu vực như RCEP.
Thứ hai, với chuyên đề “công nghệ phân tích các hiệp định, sự tham gia của công nghệ vào việc nâng cao hiệu quả đàm phán các hiệp định đầu tư”, ông Richard Braddock trình bày về bộ công cụ mà ông và nhóm chuyên gia trong khuôn khổ dự án “Đề xuất sửa đổi các Hiệp định đầu tư và ISDS” do Chính phủ Úc tài trợ thực hiện. Theo đó, một trang thông tin điện tử trên đó tích hợp thông tin và dữ liệu về hơn 1600 hiệp định đầu tư đã được ký kết đã được xây dựng. Trang thông tin nêu trên cũng cho phép người dùng truy cập để lọc các dữ liệu về hiệp định đầu tư của bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào, trong đó có so sánh về lời văn các hiệp định BITs cũ và các BIT mới, các hiệp định song phương, đa phương. Bộ công cụ đang ngày càng được hoàn thiện với mong muốn cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho các nhà đàm phán, luật sư và các nhà nghiên cứu có sự tiếp cận đầy đủ và nhanh chóng và hiệu quả hơn về dữ liệu các hiệp định đầu tư toàn cầu.
 
Thứ ba, về chủ đề “giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư, sự tham gia của UNCITRAL” Bà Min Jung Kim UNCITRAL trình bày về lịch sử đàm phán, những bước tiến cũng như quy định hiện nay của các quy tắc tố tụng UNCITRAL về giải quyết tranh chấp đâu tư, trong đó nhấn mạnh về cơ chế minh bạch hóa trong quy trình giải quyết tranh chấp. 
 
Bà Min Jung Kim cũng thông tin về kết quả các cuộc họp của nhóm làm việc của UNCITRAL về cải tổ ISDS đang diễn ra sôi nổi thời gian gần đây, các chủ đề được thảo luận chủ yếu tập trung vào cơ chế minh bạch hóa và tiếp thu ý kiến của các quốc gia liên quan đến mô hình tòa đầu tư đa phương…. 
 
Thứ tư, về chủ đề “đàm phán các hiệp định đầu tư, phương thức xây dựng danh sách các ngoại lệ theo phương pháp loại trừ” ông Richard Braddock trình bày một vấn đề tương đối kỹ thuật về cách thức đàm phán và xây dựng danh mục các ngoại lệ (các biện pháp không tương thích) trong các chương về dịch vụ và đầu tư của các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Với ví dụ về hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (mà phần lớn nội dung đã được đưa vào hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương- CPTPP), chuyên đề đưa ra bức tranh tổng hợp về phương thức mà các nước thành viên xây dựng các ngoại lệ để bảo lưu quyền ban hành các biện pháp trong nước khi cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và cam kết bảo hộ với khoản đầu tư đến từ các quốc gia đối tác.
 
Trong một ngày làm việc tích cực với những chủ đề mang tính chuyên môn, kỹ thuật sâu, hội thảo đã mang đến cho Đoàn viên thanh viên Vụ Pháp luật quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các cơ sở đào tạo như Học viện Tư pháp, Đại học Ngoại thương kiến thức và thông tin bổ ích.
 
 
 
 
 
​​​