Kỷ niệm 125 năm thành lập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Kỷ niệm 125 năm thành lập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Trong 03 ngày từ 18/4/2018 đến 20/4/2018, Hội nghị toàn cầu về tương lai của tư pháp quốc tế và sự phát triển của Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế (HCCH) với chủ đề “Kỷ niệm 125 năm thành lập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế Con đường phía trước: Thách thức và cơ hội trong một thế giới gia tăng kết nối” diễn ra tại Phòng diễn án, Tòa nhà Khoa Luật, Trường đại học Hồng Kông, đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc. Tham dự phiên họp có đại diện của các quốc gia thành viên, đại diện của các trường đại học và viện nghiên cứu trong khu vực.
Ông Xie Feng - đại diện của Bộ Tư pháp Trung Quốc tại đặc khu hành chính Hồng Kông (Commissioner of the Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China in the Hong Kong SAR), ông Geoffrey Ma Tao-li - Chánh án Tòa Phúc thẩm tối cao của Đặc khu Hồng Kông (Chief Justice of the Court of Final Appeal of the Hong Kong SAR), ông Christophe Bernasconi - Tổng thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế , bà Teresa Cheng Yeuk-wah -Sở trưởng Sở Tư pháp Hồng Kông(Secretary of Justice of the Hong Kong SAR) đã có bài phát biểu khai mạc thể hiện lịch sử đáng tự hào của HCCH trong xây dựng một cộng đồng có sự chia sẻ, sự cần thiết của tư pháp quốc tế trong bối cảnh thế giới gia tăng kết nối, nhiều cơ hội rộng mở do công nghệ, hợp tác và toàn cầu hóa nhưng cũng nhiều thách thức  đặt ra do chiến tranh, xung đột và biến đổi khí hậu.  Các Công ước của Hội nghị không chỉ áp dụng tại các quốc gia thành viên mà còn ảnh hưởng đến việc xây dựng các văn kiện khu vực và pháp luật tại quốc gia không phải thành viên Hội nghị. Các bài phát biểu khai mạc cũng nhấn mạnh lý do mà Hồng Kông được chọn làm địa điểm cho hoạt động kỷ niệm này. Đây là trung tâm thương mại cửa ngõ của Trung Quốc, thể hiện sự đa dạng hài hòa giữa phương Tây và phương Đông, cũng là nơi đặt trụ sở của Văn phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của HCCH.
1. Phiên thứ nhất: Thảo luận về Tư pháp quốc tế trong thế kỷ 21

Các chuyên gia đã tập trung làm rõ những khó khăn thách thức và cơ hội mà tổ chức gặp phải trong thế kỷ 21 bằng cách điểm lại những mốc chính trong lịch sử 125 năm của tổ chức: phát triển từ một sáng kiến nhằm duy trì hòa bình thế giới của TMC Asser thông qua hài hòa hóa các quy tắc về tư pháp quốc tế, với trọng tâm tập trung vào các nước châu Âu, trong bối cảnh quốc gia là một chủ thể quan trọng. Tổ chức đã xây dựng các Công ước (Công ước cũ) trong đó chú trọng nguyên tắc có đi có lại, thiết lập quan hệ giữa nhóm nhỏ các quốc gia thành viên với nhau. Đến nay HCCH đã và đang hướng đến mục tiêu toàn cầu với các công ước rộng mở hơn, hoàn toàn bỏ nguyên tắc có đi có lại, tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi hợp tác giữa các quốc gia khác biệt về ngôn ngữ và thủ tục.
Bản thân tư pháp quốc tế với sự điều chỉnh gián tiếp cũng có khả năng tự điều chỉnh trước các thay đổi của đời sống xã hội, tuy nhiên cần cân nhắc về cách tiếp cận các vấn đề tư pháp quốc tế và phạm vi của tư pháp quốc tế trong bối cảnh mới. HCCH đã nhận ra những vấn đề mà các văn kiện đang tồn tại còn thiếu sót để xây dựng những văn kiện mới. Những dự án hứa hẹn như dự án Phán quyết sẽ bổ sung cho cơ chế công nhận và cho thi hành các phán quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề dân sự ngoài phạm vi của Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. Nhiều lĩnh vực mà tư pháp quốc tế còn chưa xem xét đến như pháp luật doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp xuyên quốc gia, pháp luật về tài sản và quyền sở hữu, những vấn đề còn chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật trọng tài, những vụ kiện tập thể đòi bồi thường thiệt hại, các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn ngoài tòa án… cũng được đề xuất để Hội nghị xem xét.
Để giải quyết các câu hỏi mà tư pháp quốc tế đặt ra, không nhất thiết phải sử dụng các công cụ pháp luật có tính ràng buộc mà có thể sử dụng cả các nguyên tắc chỉ mang tính hướng dẫn.
Các bảo lưu gián tiếp dưới dạng trật tự công có thể cản trở việc áp dụng thống nhất các quy tắc đã được thống nhất ở tầm quốc tế. Nhiều lý do khác như tài chính và năng lực của người áp dụng cũng hạn chế quá trình này.
Các Công ước và hoạt động của HCCH luôn gắn với vấn đề nhân quyền và vì vậy có những thực tế tồn tại,khó có thể thay đổinhư việc Công ước Tiếp cận công lý thường được các nước đang và kém phát triển sử dụng để nhận trợ giúp pháp lý trong khi các nước phát triển gần như không được hưởng lợi bởi các cơ chế tương tự tại các nước đang và kém phát triển.
Các đại biểu khẳng định những vấn đề được thảo luận không phải là những vấn đề hoàn toàn mới với tổ chức. Nhiều vấn đề của tư pháp quốc tế truyền thống như tiếp cận nội dung của pháp luật nước ngoài, chứng minh pháp luật nước ngoài … vẫn chưa được bàn luận đến vì những nguyên nhân khác nhau và ưu tiên của tổ chức nhưng trong tương lai hoàn toàn có thể được xem xét tới.
 Các vấn đề về công nghệ cũng tạo ra những thách thức và đặt ra câu hỏi có cần thiết phải xây dựng những văn kiện của Hội nghị về những nội dung như hợp đồng thông minh (smart contract), sử dụng công nghệ khóa chuỗi (blockchain) hay không, đồng thời lại là cơ hội để hiện đại hóa phương thức thực hiện một số văn kiện hiện nay.
2. Phiên thứ hai: Pháp luật về gia đình và bảo vệ trẻ em quốc tế

Hơn một nửa số Công ước của HCCH là về vấn đề gia đình và trẻ em. Tuy nhiên, những vấn đề được bàn đến nhiều nhất vẫn tập trung vào Công ước Bắt cóc trẻ em 1980 và Công ước Bảo vệ trẻ em năm 1996.
Vấn đề gia đình được nhìn nhận dưới góc độ rộng hơn thể hiện những thay đổi trong cấu trúc gia đình: không chỉ là những gia đình khác giới mà cả những gia đình đồng giới, những gia đình hạt nhân (chỉ gồm cha mẹ và các con) và cả những gia đình mở rộng nhiều thế hệ, đa dạng thành phần…Gia đình luôn gắn bó với mỗi cá nhân nhưng bản thân cá nhân thường không hiểu rõ về vai trò, cách thức mà gia đình vận hành. Những vấn đề về gia đình và trẻ em luôn gắn với quyền con người và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhiều yếu tố của đời sống xã hội, pháp luật và cả tôn giáo. Vì vậy, các Công ước của Hội nghị có vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực này.
Dự án về mang thai hộ và những dự án để bảo vệ tốt hơn người mẹ trong những vụ việc hôn nhân và gia đình đang được trông đợi sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực này.
3. Phiên thứ ba: Pháp luật về thương mại và kinh doanh quốc tế

Các vấn đề pháp luật này gắn liền với thực tiễn các hoạt động thương mại quốc tế và kinh doanh quốc tế. Các hoạt động này không chỉ bị ảnh hưởng bởi chính sách của các quốc gia (chẳng hạn sáng kiến một hành lang- một vành đai kinh tế của Trung Quốc) mà còn bởi sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến cách thức ký kết hợp đồng, tiến hành các hoạt động kinh doanh, mà cả cách thức các cơ quan nhà nước quản lý các hoạt động này.
Công nghệ như hợp đồng thông minh và khóa chuỗi đang là những vấn đề được bàn luận sôi nổi. Những cơ hội mà các công nghệ này mang đến sẽ cắt giảm các khâu trung gian và tăng tính chắc chắn cho các hợp đồng. Tại châu Âu, việc ứng dụng các công nghệ này và xây dựng những văn kiện có liên quan đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi. Tại Pháp, chứng khoán có thể được giao dịch thông qua hệ thống khóa chuỗi và giao dịch có hiệu lực tương đương với việc đăng ký. Các cơ quan có thẩm quyền có thể tận dụng công nghệ cho các hoạt động đăng ký, việc đăng ký tài sản và hợp đồng sẽ không cần đến các hệ thống tập trung nữa. Điều này tăng tính minh bạch, góp phần giảm tham nhũng. Công nghệ cũng ảnh hưởng đến cách thức giải quyết tranh chấp, tố tụng điện tử (e- litigation) sẽ phát triển trong tương lai không xa. Mặt khác, công nghệ cũng có những hạn chế nhất định, yêu cầu về an ninh, an toàn và đồng bộ của hệ thống thông tin và công nghệ khó có thể được đảm bảo trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy nhiều đại biểu cho rằng HCCH cần đẩy mạnh các hoạt động của mình liên quan đến những phát triển công nghệ này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng công nghệ chỉ là phương tiện, cách thức hỗ trợ cho những công việc vẫn đang được thực hiện hiện nay, vì vậy không cần thiết phải có những thay đổi đối với các điều ước trong khuôn khổ của HCCH để thích ứng với những thay đổi công nghệ này.
Các văn kiện của HCCH trong lĩnh vực này được đề cập đến bao gồm Công ước về lựa chọn tòa án, Bộ nguyên tắc áp dụng pháp luật với hợp đồng thương mại quốc tế. Công ước về thỏa thuận lựa chọn Tòa án cũng được nhắc đến như một cách thức đảm bảo thành công cho các Tòa án thương mại quốc tế (tại Singapore) hoặc Tòa án tài chính quốc tế (Thượng Hải - Trung Quốc).
Đối với dự án mới của Hội nghị, dự án phán quyết đang bước vào giai đoạn hoàn thiện nhưng nhiều nội dung được cho là còn chồng lấn với Công ước về thỏa thuận lựa chọn tòa án. Một số vấn đề cũng đang tiếp tục phải xem xét thêm như phạm vi Công ước mới có bao gồm các thỏa thuận lựa chọn tòa án không riêng biệt hay không, quy định về trật tự công có đủ để bảo đảm tính an toàn cho một hệ thống dễ đổ vỡ hay không, sự bất cân xứng về mức độ phát triển của các hệ thống pháp luật dẫn đến những phán quyết không đảm bảo chất lượng hay những phán quyết mâu thuẫn nhau.
Sự kiện Brexit cũng có thể ảnh hưởng ở mức độ nhất định đến các quy định về pháp luật áp dụng và việc thi hành các phán quyết bởi vì nước Anh sẽ phải quyết định có áp dụng các quy định trước đây hay không (- mặc dù các quy tắc Rome chỉ áp dụng trong nội bộ châu Âu). Anh sẽ phải tự quyết định có ký kết hoặc gia nhập Công ước mới về công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài hay không. Tuy nhiên, không có sự thay đổi nào đối với pháp luật thực chất của Anh điều chỉnh vấn đề hợp đồng.
Trong lĩnh vực thương mại quyền tự quyết của các bên là nguyên tắc quan trọng nhưng tới nay vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề của tư pháp quốc tế. Trên thực tế các bên thường không đưa ra lựa chọn pháp luật áp dụng cụ thể hoặc trong một số trường hợp phải tuân theo pháp luật áp dụng bắt buộc tại nước nơi có tòa án. Một số ví dụ về hợp đồng lao động, bồi thường cho người tiêu dùng đã được đưa ra để minh họa cho tình trạng này. Vì vậy, các đại biểu hy vọng HCCH vẫn sẽ tiếp tục các công việc của mình trong lĩnh vực này để đảm bảo tính chắc chắn về mặt pháp lý cho các giao dịch.
4. Phiên thứ tư: Hợp tác pháp luật và thủ tục tố tụng quốc tế

Các Công ước thành công nhất của hội nghị đa phần tập trung trong lĩnh vực này bởi vì các quy tắc tư pháp quốc tế của riêng quốc gia không thể giải quyết được vấn đề hợp tác giữa các quốc gia. Các Công ước đều bỏ việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại và xác định nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia.
Công ước Apostille được coi là “viên ngọc quý” của Hội nghị khi thu hút được 115 quốc gia thành viên, một ví dụ điển hình cho hợp tác trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. Hiện nay các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều là thành viên của Công ước này. Mặc dù Trung Quốc chưa phải thành viên (Công ước chỉ được tiếp tục áp dụng với khu hành chính đặc biệt Hồng Kông và Ma cao sau khi các vùng lãnh thổ này được trao trả lại Trung Quốc) nhưng một số nước ASEAN đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với Công ước này và đang tích cực chuẩn bị gia nhập như Malaysia, Philippines. Tuy nhiên, một vấn đề được bàn luận sôi nổi là số lượng cơ quan có thẩm quyền cấp Apostille không bị giới hạn: ở Hoa Kỳ có tới hơn 100 cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, việc xác nhận tính xác thực của dấu Apostille cũng là thách thức với các nước tiếp nhận giấy tờ. Việc cấp dấu Apostille điện tử và duy trì hệ thống đăng ký điện tử cũng trở thành một bộ phận của Công ước Apostille và thách thức đặt ra với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác nhận và đảm bảo tính chính xác và cuối cùng của bản điện tử được cấp dấu Apostille điện tử.
Công ước Tống đạt và Công ước Thu thập chứng cứ cũng là những Công ước thành công, giúp rút ngắn thời gian thực hiện tương trợ tư pháp, tạo một môi trường tư pháp thân thiện với các nhà đầu tư. Các công ước này mang lại lợi ích cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, kể cả các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi. Công ước tiếp cận công lý cũng tạo cơ hội cho các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các vụ việc xuyên quốc gia.
Một lần nữa các văn kiện luật mềm được đánh giá là có khả năng hỗ trợ việc hài hóa hóa pháp luật và tăng cường hợp tác ở mức độ nhất định. Các Công ước của Hội nghị chỉ điều chỉnh hoạt động hợp tác ở cấp độ các cơ quan trung ương nên các hướng dẫn sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện hoạt động hợp tác cụ thể , vốn do pháp luật quốc gia quy định. Các Công ước cũng hạn chế đưa ra các khái niệm nhưng để áp dụng thống nhất các Công ước, hướng dẫn trong các sổ tay thực hiện hoặc các văn bản khác là cần thiết.
5. Phiên thứ năm, sáu và bảy: Vai trò của HCCH- thách thức và cơ hội

Phiên thứ năm giới thiệu các nhận định của một số chuyên gia trong khi phiên thứ sáu được tiến hành dưới dạng 3 nhóm họp song song về ba lĩnh vực lớn của Hội nghị là (1) Pháp luật gia đình và bảo vệ trẻ em quốc tế, (2) Pháp luật thương mại và tài chính quốc tế, (3)Pháp luật về hợp tác và tố tụng dân sự quốc tế. Đại biểu của Việt Nam đã đăng ký hai nhóm họp song song về chủ đề 2 và 3. Phiên thứ bảy tóm tắt lại nội dung của các thảo luận chuyên sâu trong phiên thứ sáu và đưa ra kết luận.
Các phiên này đã thể hiện mối quan tâm của Hội nghị đến định hướng chiến lược trở thành một tổ chức toàn cầu. Cần phải định nghĩa lại về khái niệm toàn cầu (universalism). Việc mở rộng ra các khu vực châu Phi và Trung Đông là đúng với mục tiêu này nhưng cũng mang lại nhiều thách thức do sự khác biệt về mức độ phát triển, pháp luật và tôn giáo của các nước trong khu vực này với những khu vực khác. Chức năng của các văn phòng khu vực của Hội nghị trong bối cảnh HCCH muốn tăng cường tính chất toàn cầu của mình cũng là một nội dung được bàn luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Có đại biểu cho rằng việc duy trì những văn kiện riêng biệt của khu vực sẽ ảnh hưởng đến các điều ước đa phương nhưng cũng có đại biểu khẳng định các khu vực có những điểm khác biệt cần có những phát triển, hướng dẫn riêng để thực hiện tốt các tiêu chuẩn tối thiểu toàn cầu được đưa ra. Tương ứng với những nhận định đó là sự cần thiết và những chức năng khác nhau của văn phòng khu vực.
Những vấn đề tư pháp quốc tế tại một số nước thành viên như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Mỹ La tinh cũng được trình bày tại Hội thảo. Đó là vấn đề phức tạp của hệ thống pháp luật liên bang, những khó khăn trong thực tiễn khi các văn kiện của Hội nghị không đưa ra định nghĩa cụ thể, những trở ngại đối với việc đạt sự đồng thuận của các nước trong khu vực.
Các đại biểu tiếp tục thể hiện mong muốn HCCH nghiên cứu sâu hơn và xây dựng các văn kiện liên quan đến chứng khoán, trọng tài (hướng dẫn về pháp luật áp dụng với trọng tài), sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu, phá sản doanh nghiệp xuyên quốc gia…
Vấn đề ngân sách tài trợ cho các hoạt động của Hội nghị cũng được thảo luận. Thông thường các vấn đề về nội dung do Bộ Tư pháp các nước đề xuất trong khi các vấn đề về tài chính do Bộ Ngoại giao quyết định, vì vậy ngân sách thường hạn hẹp và không đủ để thực hiện các nội dung đề xuất. Có đề xuất cải tổ hệ thống tính niên liễm trên cơ sở hệ thống của UPU nhưng không nên tạo ra chi phí tốn kém hơn so với hiện nay. Việc tài trợ của tư nhân có thể tác động đến sự độc lập của tổ chức và dẫn đến tình trạng tài trợ chỉ tập trung cho một vài dự án. Tuy nhiên, sự tài trợ của bên ngoài là cần thiết và Hội nghị có thể tận dụng phương thức gây quỹ cộng đồng hướng đến những đối tượng có liên quan như các liên đoàn luật sư, các hiệp hội doanh nghiệp cho một dự án cụ thể.
Đối với  chủ đề 1: các chuyên gia cho rằng việc thay đổi cách tiếp cận với khái niệm về gia đình trong giai đoạn hiện nay. Gia đình đã có những phát triển mới với gia đình truyền thống: có thể là gia đình có cha mẹ đơn thân, cha mẹ là người đồng tính, gia đình mở rộng nhiều thế hệ, gia đình chung sống cộng đồng…Hội nghị nên tổ chức các tòa diễn án về những vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình và tập trung nghiên cứu các vấn đề như quan hệ cha mẹ con, công nhận và thi hành các thỏa thuận trong lĩnh vực gia đình cũng như cắt giảm chi phí trong các thủ tục liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Đối với chủ đề 2: các nghiên cứu và dự án phục vụ thương mại và tài chính nên được đẩy mạnh, theo đó các văn kiện luật mềm nên được chú trọng hơn. Hội nghị cũng nên tập hợp hướng dẫn giải thích các khái niệm được sử dụng trong các Công ước của Hội nghị để thuận lợi hơn cho hoạt động thực tiễn.
Đối với chủ đề 3: các chuyên gia nhận định cần kiểm soát chặt chẽ hơn khái niệm về “giấy tờ công”, cân nhắc về số lượng hợp lý các cơ quan có thẩm quyền và ban hành văn bản luật mềm hướng dẫn thêm việc thực hiện Công ước. Đối với Công ước tiếp cận công lý, đây là vấn đề nhân quyền nên cho dù có sự bất cân xứng (nước đang phát triển được hưởng lợi nhiều hơn) thì các nước vẫn phải đảm bảo cung cấp trợ giúp pháp lý tương đương như mức dành cho công dân của mình với công dân của nước ngoài. Việc thực hiện Công ước tống đạt vẫn còn chậm, các vấn đề dịch thuật làm phát sinh chi phí lớn, và cần áp dụng công nghệ nhiều hơn trong các hoạt động hợp tác pháp luật: có thể xây dựng một Nghị định thư về tống đạt điện tử, hướng dẫn đối với tố tụng điện tử tương tự như chương trình i- SUPPORT (hệ thống quản lý và thông tin liên lạc về thu hồi các khoản cấp dưỡng) hoặc áp dụng các công nghệ mới như khóa chuỗi (blockchain). Đối với Công ước thu thập chứng cứ, cần nâng cao tiêu chuẩn đối với đường dẫn truyền hình thông qua ban hành văn bản hướng dẫn và thử nghiệm việc thu thập chứng cứ thông qua các hệ thống đăng ký để giảm bớt gánh nặng cho cơ quan tố tụng, cải thiện hệ thống để người sử dụng chi trả. Đối với Công ước về thỏa thuận lựa chọn tòa án, các văn kiện luật mềm về vấn đề tố tụng phù hợp (due process) (ví dụ như về cơ hội được trình bày quan điểm) nên được cân nhắc xây dựng. Các chuyên gia cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp với dự án phán quyết. Các hoạt động trong tương lai của Hội nghị có thể tập trung vào việc thông tin và phối hợp với các tổ chức quốc tế khác, xây dựng các văn kiện liên quan đến thẩm quyền - trong đó giải quyết vấn đề trùng tố (lis penden), khởi động lại dự án về tiếp cận nội dung pháp luật nước ngoài, mở rộng mạng lưới thẩm phán (không chỉ trong lĩnh vực hôn nhân gia đình), văn bản thu thập chứng cứ quốc tế, các khía cạnh dân sự của hành vi tham nhũng.
Kết luận của các chuyên gia khẳng định Hội nghị vẫn tập trung vào hoạt động lập pháp của mình nhưng tương lai cần có phản ứng nhanh chóng với các phát triển mới trong kinh doanh và đời sống, các luật mềm cũng sẽ được chú trọng hơn, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực vẫn sẽ được duy trì. Các điều ước của Hội nghị đã thay thế cho hơn 20.000 điều ước song phương cần phải ký kết để thực hiện các hoạt động hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh một thực tế là trung bình phải mất 8,14 năm để một Công ước của Hội nghị có hiệu lực (với các công ước thành công cũng phải mất 6 năm). Nhiều Công ước để có khoảng 20 thành viên phải mất đến 20 năm. Các quốc gia đều tham gia vào quá trình xây dựng các Công ước của Hội nghị nên cần quan tâm đẩy mạnh việc ký kết, gia nhập các điều ước do mình xây dựng để tận dụng cơ hội do các điều ước đa phương mang lại.
Như vậy
Hội nghị toàn cầu đã điểm lại lịch sử và bàn luận về những cơ hội, thách thức đối với Hội nghị La Hay trong giai đoạn tiếp theo. Các thách thức đồng thời là cơ hội cho HCCH tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa mong muốn và thực tế, ngân sách và các hoạt động ưu tiên luôn gây ra những khó khăn cho hoạt động của Hội nghị. Mặc dù, Hội nghị toàn cầu lần này có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các quốc gia khác nhau, kể cả các quốc gia chưa phải thành viên nhưng đa phần lại là sự tham gia của giới học thuật, ít có sự xuất hiện của cơ quan trung ương của các nước. Do đó, các ý kiến được nêu ra phần lớn là các ý kiến về chuyên môn, nghiên cứu để tham khảo cho các hoạt động tiếp theo.
Về các Công ước cụ thể, nhiều nước trong khu vực đang tích cực chuẩn bị gia nhập Công ước Apostille. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực hơn để nhanh chóng gia nhập Công ước này. Việt Nam cũng là thành viên của Công ước Tống đạt, đang chuẩn bị hồ sơ gia nhập Công ước Thu thập chứng cứ và chuẩn bị Công ước Bắt cóc trẻ em. Những bước phát triển mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các Công ước này cũng là thông tin hữu ích cho Việt Nam.

                                                                                                       Hoàng Ngọc Bích, Phòng TPQT và TTTP, Vụ PLQT

 
​​​