Hội thảo về phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, khoảng trống pháp luật Việt Nam còn bỏ ngỏ

Hội thảo về phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, khoảng trống pháp luật Việt Nam còn bỏ ngỏ

Triển khai kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Phát triển Lập pháp quốc gia tại Việt Nam (NLD) năm 2017, ngày 26/3/2018, tại khách sạn Công Đoàn, Hà Nội, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Dự án tổ chức Hội thảo về phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các thẩm phán, chuyên gia trong nước về phá sản đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân một số tỉnh, thành phía Bắc, Liên đoàn luật sư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Trường đại học Ngoại thương; quản tài viên, các luật sư và đặc biệt có sự tham gia của chuyên gia Ca-na-đa, ông Joseph Reynaud.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới đã đem đến nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là sự hiện diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập đoàn, công ty đa quốc gia đồng thời cũng đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài hoặc liên danh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù Chính phủ Việt Nam có những chính sách ưu đãi, bảo hộ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hay khuyến khích tạo cơ hội, điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước nhưng thực tế không ít doanh nghiệp gặp khó khăn và có thể dẫn đến phá sản hoặc giải thể. Việc giải thể hoặc phá sản của các doanh nghiệp không chỉ đơn giản thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của Việt Nam mà có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hay cần tiến hành các thủ tục liên quan đến nước ngoài. Trước thực tế thể chế pháp luật trong nước còn chưa đầy đủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong việc giải quyết các vụ việc này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường nghiên cứu pháp luật, chia sẻ, học tập kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện pháp luật trong nước.

Trên cơ sở đó, Báo cáo nghiên cứu về Phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài của chuyên gia độc lập dự án NLD trình bày tại Hội thảo đã rà soát tổng thể pháp luật Việt Nam. Thông qua các vụ việc cụ thể chuyên gia đã đánh giá những bất cập của việc thiếu các quy định pháp luật trong lĩnh vực này dẫn đến vướng mắc cho tòa án, cơ quan có thẩm quyền trong nước. Báo cáo cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu về Luật mẫu của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế về phá sản xuyên quốc gia (Luật mẫu UNCITRAL), kinh nghiệm một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu. Thông qua Báo cáo nghiên cứu chuyên gia khuyến nghị việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam và nghiên cứu để thể chế, tập hợp các quy định về phá sản có yếu tố nước ngoài thống nhất trong một đạo luật riêng về tư pháp quốc tế.

Tham dự Hội thảo để góp ý cho Báo cáo nghiên cứu của chuyên gia, ông Joseph Reynaud – chuyên gia Ca-na-đa đã chia sẻ các kinh nghiệm của Ca-na-da trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phá sản có yếu tố nước ngoài, ông Joseph Reynaud cũng phân tích các quy định của Luật mẫu UNCITRAL và việc áp dụng luật này tại Ca-na-đa, khuyến nghị về việc thể chế và áp dụng các quy định của Luật này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn nhận được các chia sẻ quý báu của Ông Phan Gia Quí, nguyên chánh Tòa kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh Tòa kinh tế Tòa án nhân dân Hà Nội về những tồn tại, bất cập pháp luật Việt Nam hiện nay về phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và các khó khăn-vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ việc này tại tòa án.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã bày tỏ sự cảm ơn đối với những đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia về phá sản có yếu tố nước ngoài một lĩnh vực khó, phức tạp cả trong việc xây dựng thể chế đảm bảo phù hợp, khả thi đến khi áp dụng trên thực tế. Bà Hương cũng mong muốn trong thời gian tới các chuyên gia tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu để đưa ra những đề xuất hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
 
Thực tiễn cho thấy việc xử lý phá sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc công ty mẹ bị phá sản có tài sản tại các công ty con ở Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Quảng Bình gặp vướng mắc trong việc xem xét thay đổi giấy chứng nhận đầu tư của một một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp tại Cộng hòa Séc. Theo bản án của tòa án Cộng hòa Séc, công ty mẹ đã bị tuyên bố phá sản và quản tài viên theo pháp luật của Cộng hòa Séc được chỉ định sẽ chịu trách nhiệm quản lý tài sản của công ty mẹ, trong đó có cả tài sản của công ty con tại Quảng Bình. Tuy vậy, việc cho phép quản tài viên quản lý tài sản của Công ty con tại Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn.
Quy định pháp luật về phá sản có yếu tố nước ngoài còn chưa cụ thể và còn thiếu cơ chế để thực hiện. Luật Phá sản năm 2014 tại Chương XI chỉ có 03 điều (Điều 116, 117 và 118) quy định về phá sản có yếu tố nước ngoài, trong đó các quy định còn chung chung và chỉ mang tính chất dẫn chiếu gây khó khăn cho việc áp dụng. Một trong những dẫn chiếu đó là dẫn chiếu đến việc công nhận và cho thi hành quyết định phá sản của tòa án nước ngoài. Điều 118 Luật quy định “Việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài được thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp”.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chưa ký kết bất kỳ một thỏa thuận song phương hoặc gia nhập điều ước quốc tế đa phương nào về phá sản có yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, số lượng các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp về dân sự với các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có quy định về công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài bao gồm cả bản án, quyết định về phá sản cũng không nhiều. Điều này dẫn đến việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trở thành một điều khó khăn và cản trở ít nhiều đến việc bảo vệ và tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán khi chủ nợ hoặc tài sản của doanh nghiệp ở nước ngoài.


                                                                                          Phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế.
 
​​​