Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào (sau đây gọi là Hiệp định) ký ngày 06/7/1998 gồm 4 chương 77 điều được ký kết trong thời gian hai nước thực hiện Chương trình hợp tác giai đoạn 1996-2000.Trong giai đoạn này,
bên cạnh ưu tiên thực hiện 6 chương trình hợp tác: giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển bền vững vùng biên giới, văn hóa - thông tin, kết nối cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch đồng thời duy trì hoạt động và nâng cao năng lực các dự án hợp tác thì việc đàm phán, ký kết Hiệp định là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân hai nước đang sinh sống, học tập, lao động và làm việc trên lãnh thổ của nhau.
Tương tự như các hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước XHCN trong giai đoạn những năm cuối 1980 đầu 1990, Hiệp định có phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm cả các lĩnh vực dân sự, hình sự.
Nội dung các quy định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Hiệp định điều chỉnh một cách tổng thể hai mảng quan hệlà tương trợ tư pháp giữa các cơ quan tư pháp các nước ký kết và phương pháp thống nhất các quy tắc lựa chọn pháp luật áp dụng để giải quyết các xung đột pháp luật và quy tắc xác định thẩm quyền của cơ quan tư pháp.
Tương trợ tư pháp về hình sự bao gồm truy cứu trách nhiệm hình sự; dẫn độ; chuyển giao tạm thời người bị phạt tù với tư cách là người làm chứng, chuyển giao vật chứng vụ án và các thông tin về bản án, án tích.
Sau 20 năm kể từ ngày ký Hiệp định, các cơ quan Trung ương thực thi Hiệp định của hai nước là Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp thực hiện nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp phức tạp hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp hai bên giải quyết các vụ việc dân sự và hình sự.
Chào mừng 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào và chuẩn bị kỷ niệm 35 năm hợp tác tư pháp Việt – Lào, trong hai ngày 07, 08/9 tại thủ đô Viêng chăn, Lào, Đoàn công tác liên ngành của hai nước do Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham gia của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành rà soát tình hình thực thi Hiệp định. Đại diện hai Đoàn công tác đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện những quy định và tập trung trao đổi những yêu cầu còn tồn đọng cụ thể để thống nhất giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, hai Đoàn công tác cũng nhận định Hiệp định ký kết cách đây 20 năm, nhiều quy định mới mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể gây vướng mắc trong quá trình phối hợp, đồng thời quy định pháp luật hai nước có nhiều thay đổinên việc nghiên cứu sửa đổi Hiệp định cũng như tách Hiệp định thành các Hiệp định điều chỉnh riêng từng lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ là cần thiết. Trước mắt, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước và Bộ Công an Việt Nam xúc tiến triển khai việc đàm phán các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Ngoài các nội dung liên quan đến Hiệp định, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam và đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Lào – hai đơn vị đầu mối về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sựcùng trao đổi về việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực tương trợ tư pháp và pháp luật quốc tế thông qua các hoạt động: (i) chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các đoàn công tác về các nội dung cụ thể; (ii) tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc tham gia các diễn đàn, hội nghị khu vực; (iii) hỗ trợ phổ biến các kinh nghiệm của Bộ Tư pháp Việt Nam về xây dựng, thực thi pháp luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cũng như việc gia nhập, thực hiện Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.Hai Bên cùng thống nhất sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp hai bên để đưa những nội dung nêu trên vào Chương trình hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian tới để tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai trên thực tiễn.
Phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế