Hội thảo về tư pháp quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm của Canada trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế

Hội thảo về tư pháp quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm của Canada trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế

Ngày 09 và 10/3/2017, tại thành phố Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Dự án phát triển lập pháp quốc gia (Dự án NLD) tổ chức Hội thảo về tư pháp quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm của Canada trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Tòa án nhân dân, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia độc lập có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Việt Nam và Ca-na-đa.
Hội thảo tập trung góp ý Báo cáo nghiên cứu của chuyên gia Việt Nam về sự cần thiết xây dựng luật riêng về tư pháp quốc tế - báo cáo được xây dựng với sự hỗ trợ của Dự án NLD nhằm phục cho hoạt động của Bộ Tư pháp về nghiên cứu khả năng xây dựng Luật Tư pháp quốc tế. Ý kiến của các chuyên gia và các đại biểu đều chung nhận định dự thảo Báo cáo có cách tiếp cận phù hợp, đúng đắn phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước; đạt được mục tiêu nghiên cứu về sự cần thiết phải ban hành Luật Tư pháp quốc tế và phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, để khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Tư pháp quốc tế của Việt Nam, báo cáo cần bổ sung các đánh giá cụ thể về thực tiễn thi hành các quy định về tư pháp quốc tế hiện nay; kiến nghị về biện pháp giải quyết việc sửa đổi một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan trong trường hợp ban hành luật riêng về tư pháp quốc tế.
Chuyên gia Ca-na-đa tham dự Hội thảo - Ông Sterling H. Dietze, luật sư của Công ty Luật Strikeman Elliot, thành viên Hiệp hội luật sư Quebec và Hiệp hội luật sư Ca-na-đa người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp quốc tế tại bang Quebec, Ca-na-đa đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, thực thi Luật tư pháp quốc tế tại bang Quebec. Ông Sterling cho biết Luật tư pháp quốc tế của bang Quebec có phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm lựa chọn luật giải quyết quyết xung đột pháp luật, xác định thẩm quyền và công nhận, cho thi hành bản án, quyết định nước ngoài và là một phần tách biệt nằm trong Bộ luật Dân sự. Ý tưởng về xây dựng một dự án luật lớn nhằm đổi mới và cải cách toàn bộ các quy định pháp luật dân sự được hình thành từ năm 1955 cho đến năm 1989 toàn bộ dự thảo Bộ luật được thông qua và đến ngày 01/01/1994 mới có hiệu lực. Các quy định về tư pháp quốc tế được tập hợp, pháp điển hóa từ các đạo luật, văn bản pháp luật chuyên ngành, tham khảo các Công ước có liên quan của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế cùng với kinh nghiệm của Thụy Sỹ để có những sửa đổi và bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, bối cảnh pháp luật vào thời điểm xây dựng luật, đồng thời các quy định được thiết kế còn phải tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của người dân vào các quan hệ có yếu tố nước ngoài; khuyến khích hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tổ chức thực thi luật sau khi được ban hành cũng được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ xuất bản các cuốn bình luận khoa học để phân tích các quy phạm, hiểu rõ ý tưởng của nhà làm luật, cơ quan soạn thảo, cơ quan ban hành, thời điểm áp dụng các quy định mới; xây dựng các giáo trình, bài giảng mới cho phù hợp đến lên kế hoạch và tổ chức phổ biến rộng rãi các quy định đảm bảo thống nhất nhận thức trong toàn dân.
Phát biểu Kết thúc Hội thảo, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế bày tỏ sự cảm ơn đến các chuyên gia, các đại biểu đã quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm cũng như đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khả năng xây dựng Luật Tư pháp quốc tế do Chính phủ giao, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ đẩy mạnh các hoạt động để triển khai nhiệm vụ này và  Bộ Tư pháp mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp và hỗ trợ của các bộ, ngành, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu để Bộ Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ được giao.  
                                     
                                           Phòng Tư pháp quốc tế - Vụ Pháp luật quốc tế
 
​​​