Gỡ vướng mắc về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

Gỡ vướng mắc về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

Chiều 19/10, Bộ Tư pháp tổ chức lễ ký Thông tư liên tịch quy định trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thay thế cho Thông tư liên tịch số 15 được ban hành từ năm 2011. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền đã nhất trí ký thông qua Thông tư liên tịch này.
Thông tư liên tịch mới gồm 5 Chương với 27 Điều, có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập hiện hành. Cụ thể, về thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) về dân sự của Việt Nam, Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu UTTP của Việt Nam là TANDTC; TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh; Cục Thi hành án dân sự (THADS) cấp tỉnh; VKSNDTC, VKSND cấp tỉnh, tổ chức có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật và các cơ quan trực tiếp liên quan có phát sinh yêu cầu UTTP. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện UTTP về dân sự của nước ngoài là TAND cấp tỉnh, Cơ quan THADS cấp tỉnh trong trường hợp yêu cầu UTTP liên quan đến THADS và đáng chú ý là bổ sung cơ chế thực hiện UTTP của nước ngoài thông qua thừa phát lại.

Đặc biệt, để giải quyết vướng mắc chi phí thực tế đối với việc UTTP về dân sự, Thông tư mới quy định cụ thể việc thu nộp chi phí thực tế thực hiện UTTP của Việt Nam. Đối với chi phí thực tế thực hiện UTTP của Việt Nam, chi phí thực tế bao gồm chi phí trong nước (dịch thuật, công chứng, giám định…) do đương sự tự thanh toán trực tiếp theo thực tế phát sinh và chi phí tại nước ngoài là chi phí phát sinh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (trường hợp nước ngoài đã có thông báo trước thì đương sự nộp thẳng cho phía nước ngoài theo phương thức do nước ngoài thông báo; trường hợp phía nước ngoài thông báo nộp phí sau khi thực hiện thì tòa yêu cầu đương sự nộp tạm ứng 3 triệu đồng).

Đối với chi phí thực tế thực hiện UTTP của nước ngoài, việc thu chi phí phát sinh trên thực tế đã xác định được tại thời điểm Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận hồ sơ thì Cơ quan này phải thông báo cho người có yêu cầu UTTP nộp chi phí thực tế cho Cơ quan/tổ chức có thẩm quyền thực hiện UTTP. Việc thu chi phí thực tế chưa xác định được tại thời điểm Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn tối đa 05 ngày, kể từ ngày xác định được chi phí thực tế, Cơ quan có thẩm quyền thực hiện UTTP của nước ngoài thông báo về mức chi phí, phương thức, ấn định thời gian và thông báo phía nước ngoài để nộp chi phí…
Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều Bộ luật mới ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho UTTP trong lĩnh vực dân sự, Việt Nam đã chính thức có đơn gia nhập Công ước Lahay về tống đạt giấy tờ, những quy định tại Thông tư 15 bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, Thông tư liên tịch mới đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và Thứ trưởng Ngọc rất kỳ vọng trong thời gian tới 3 cơ quan ký Thông tư liên tịch và các cơ quan liên quan cùng phối hợp thực hiện tốt Thông tư liên tịch này, góp phần giúp cơ quan tố tụng trong nước giải quyết vụ việc và hội nhập quốc tế.
Vui mừng tham dự lễ ký, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao ý nghĩa của việc ban hành Thông tư liên tịch mới. Phó Chánh án cũng cho biết, Thông tư liên tịch mới được chuẩn bị công phu, khắc phục được những bất cập vừa qua. Phó Chánh án mong muốn, Thông tư liên tịch mới sẽ đi vào cuộc sống, tiếp tục góp phần quan trọng trong xét xử các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của ngành TAND.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng ghi nhận nỗ lực hoàn thiện Thông tư liên tịch thời gian vừa qua. Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã xử lý một khối lượng khá lớn các hồ sơ ủy thác tư pháp nhưng chưa đạt yêu cầu mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có những hạn chế từ quy định pháp luật. Bởi thế, ông Dũng nhất trí ý nghĩa ban hành thông tư liên tịch cùng với việc tham gia Công ước Lahay sẽ khắc phục bất cập, tạo thuận lợi hơn trong công việc và cam kết sẽ hướng dẫn trong ngành, phối hợp với Bộ Tư pháp, TANDTC tổ chức triển khai Thông tư liên tịch đạt kết quả tốt.
                                                                                            Nguồn: Công thông tin Bộ Tư pháp
​​​