HccH thông qua Công ước La hay năm 2019 về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

HccH thông qua Công ước La hay năm 2019 về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

Ngày 2/7/2019 tại Phiên Ngoại giao thứ 22, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã thông qua Công ước La Hay năm 2019 về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Công ước là văn kiện thứ 40 được HCCH thông qua kể từ khi trở thành một tổ chức quốc tế thường trực.

Lễ ký văn kiện cuối cùng đã diễn ra trang trọng tại Đại sảnh Công lý của Cung điện Hòa Bình, La Hay, Hà Lan với sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vương quốc Hà Lan, Ngài Stef Blok. Ngài Bộ trưởng đã nhấn mạnh rằng Công ước mới “tăng cường tính chắc chắn và dự đoán trước được về mặt pháp lý, là những yếu tố quan trọng trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, đặc biệt là thương mại quốc tế…”
Công ước mới này là cần thiết để giảm các chi phí giao dịch và tố tụng với các quan hệ xuyên biên giới và tăng cường hiệu quả tiếp cận công lý cho mọi người. Công ước cũng hỗ trợ thương mại và đầu tư đa phương vận hành trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền. Công ước tăng cường tính chắc chắn và dự đoán trước được, thúc đẩy quản trị tốt hơn các rủi ro trong giao dịch và tố tụng, rút ngắn thời gian công nhận và cho thi hành phán quyết của một quốc gia tại quốc gia khác, mang đến công lý cho cá nhân và doanh nghiệp một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn. Công ước thực sự là “người thay đổi luật chơi” đích thực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
Tổng thư ký HCCH, Ngài Christophe Bernasconi, nhấn mạnh rằng việc thông qua Công ước này cuối cùng đã lấp đầy khoảng trống đáng kể trong lĩnh vực tư pháp quốc tế”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng việc thông qua công ước mở ra một chương mới và vấn đề cần tập trung bây giờ là bước chuyển sang quảng bá cho Công ước. Ngài khuyến nghị các đoàn đại biểu là những người đã thành công trong việc đàm phán Công ước thúc đẩy các quốc gia trở thành thành viên để Công ước được áp dụng đúng và vận hành hiệu quả. Giáo sư Paul Vlas, Chủ tịch Phiên ngoại giao thứ 22 đáp lại lời chúc mừng này và nhấn mạnh rằng dấu mốc tiếp theo cần đạt được là sự tham gia Công ước một cách nhanh chóng, hiệu quả trên phạm vi rộng của cộng đồng quốc tế.
Tín hiệu tốt đẹp xuất hiện ngay khi kết thúc buổi lễ, Uruguay đã ký và trở thành quốc gia đầu tiên ký kết Công ước mới này. Đại sứ Uruguay nhấn mạnh rằng “đây là một vinh dự cho Uruguay trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước hiện đại này vào ngày hôm nay, Công ước sẽ đáp ứng nhu cầu của thế giới toàn cầu hóa và kết nối của chúng ta.”
Bản tiếng Anh của Công ước được đăng tải trên trang thông tin điện tử của HCCH:
https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/full-text/?cid=137
 
Bản dịch tiếng Việt để tham khảo:
 
CÔNG ƯỚC VỀ CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH PHÁN QUYẾT NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ HOẶC THƯƠNG MẠI
Các Bên ký kết Công ước này,
Mong muốn tăng cường tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và thúc đẩy thương mại, đầu tư và di chuyển quốc tế dựa trên nguyên tắc pháp quyền, thông qua hợp tác tư pháp
Tin tưởng rằng sự hợp tác như vậy có thể được nâng cao thông qua việc tạo ra hệ thống các quy tắc cốt lõi thống nhất về công nhận và cho thi hành các phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, để thúc đẩy việc công nhận và cho thi hành một cách hiệu quả các phán quyết đó,
Nhận thức rằng việc hợp tác nâng cao này đòi hỏi, cụ thể,  một cơ chế pháp lý quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài chắc chắn hơn và dễ dự đoán trước hơn, và là cơ chế hoàn thiện cho Công ước ngày 30/6/2005 về thỏa thuận lựa chọn tòa án,
Đã thống nhất ký kết Công ước này vì mục đích nêu trên và đã đồng ý các quy định sau đây:
CHƯƠNG 1 - PHẠM VI VÀ ĐỊNH NGHĨA
Điều 1
Phạm vi áp dụng
1. Công ước này áp dụng với việc công nhận và thi hành phán quyết trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Công ước không áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể như thuế[1], hải quan[2] hoặc hành chính[3].
2. Công ước này áp dụng với việc công nhận và thi hành tại một quốc gia ký kết một phán quyết do tòa án của một quốc gia ký kết khác tuyên.
Điều 2
Loại trừ khỏi phạm vi áp dụng
1. Công ước này không áp dụng với các vấn đề sau đây:
a) địa vị pháp lý[4]  và năng lực pháp luật[5] của cá nhân;
b) nghĩa vụ cấp dưỡng;
c) các vấn đề gia đình khác, bao gồm chế độ tài sản trong hôn nhân và các quyền hoặc nghĩa vụ phát sinh từ hôn nhân hoặc các quan hệ tương tự;
d) di chúc và thừa kế;
e) phá sản, thỏa thuận cơ cấu lại nợ[6], tái cấu trúc tổ chức tín dụng[7], và các vấn đề tương tự;
f) vận chuyển hành khách và hàng hóa;
g) ô nhiễm hàng hải xuyên biên giới, ô nhiễm hàng hải trong các lĩnh vực vượt khỏi thẩm quyền của quốc gia, ô nhiễm hàng hải do tàu gây ra, giới hạn trách nhiệm trong các khiếu nại hàng hải[8], tổn thất chung;
h) trách nhiệm với thiệt hại hạt nhân;
i) hiệu lực, hủy bỏ hoặc chấm dứt hoạt động của pháp nhân hoặc hội các cá nhân hoặc pháp nhân, và hiệu lực của các quyết định của các cơ quan trong các tổ chức này;
j) hiệu lực của việc đăng ký công khai;
k) hành vi xúc phạm danh dự[9];
l) bí mật riêng tư;
m) sở hữu trí tuệ;
n) các hoạt động của lực lượng vũ trang, bao gồm cả các hành động của nhân viên của họ khi thực hiện các nhiệm vụ chính thức;
o) các hoạt động thi hành pháp luật, bao gồm các hoạt động của nhân viên thi hành pháp luật khi thực hiện các nhiệm vụ chính thức;
p) chống hạn chế cạnh tranh (cạnh tranh), trừ khi phán quyết dựa trên hành vi cấu thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc hành động thống nhất giữa những người cạnh tranh thực tế hoặc tiềm năng để ấn định giá, thỏa thuận thắng thầu, hạn chế hoặc kiểm soát số lượng hàng hóa dịch vụ hoặc phân chia thị trường bằng cách phân chia khách hàng, nguồn cung ứng, lãnh thổ hoặc chuỗi thương mại, và khi các hành vi này và hậu quả của chúng đều xảy ra tại lãnh thổ quốc gia gốc.
q) tái cấu trúc nợ công thông qua các biện pháp đơn phương của quốc gia.
2. Một phán quyết không bị loại trừ khỏi phạm vi của Công ước này nếu một vấn đề mà Công ước này không áp dụng chỉ phát sinh với tư cách là vấn đề phụ[10] trong các thủ tục tố tụng mà phán quyết được tuyên mà không phải là đối tượng của thủ tục đó. Cụ thể là, trường hợp vấn đề phát sinh chỉ dưới hình thức là để đưa ra lập luận bảo vệ thì không loại trừ phán quyết khỏi phạm vi của Công ước, nếu vấn đề đó không phải là đối tượng của thủ tục tố tụng.
3. Công ước này không áp dụng với trọng tài và các thủ tục tố tụng liên quan.
4. Phán quyết không bị loại trừ khỏi phạm vi của Công ước này chỉ vì một thực tế rằng một quốc gia, bao gồm cả một chính phủ, một cơ quan chính phủ hoặc bất kỳ người nào hành động cho quốc gia [11], là một bên của thủ tục tố tụng.
5. Không có quy định nào trong Công ước này ảnh hưởng đến các đặc quyền và quyền miễn trừ của quốc gia hoặc của các tổ chức quốc tế, áp dụng với các chủ thể này và với tài sản của họ.
Điều 3
Định nghĩa
Trong Công ước này,
(a) “bị đơn” nghĩa là người mà yêu cầu khởi kiện hoặc phản tố nhắm đến tại tòa án của quốc gia gốc;
(b) “phán quyết” nghĩa là bất kỳ quyết định nào về mặt nội dung được đưa ra bởi một tòa án, cho dù quyết định đó có tên gọi như thế nào, bao gồm cả quyết định hoặc lệnh của tòa, và một quyết định của tòa án (bao gồm cả một cán bộ tòa án) xác định về chi phí hoặc phí tổn, với điều kiện quyết định đó liên quan đến quyết định về nội dung có thể được công nhận hoặc thi hành theo Công ước này. Một biện pháp bảo vệ tạm thời không phải là một phán quyết.
2. Một chủ thể hoặc người mà không phải là cá nhân phải được coi là thường trú tại quốc gia:
a) nơi có trụ sở pháp định[12]
b) tại nơi mà theo pháp luật của nơi đó nó được thành lập hoặc hình thành;
c) nơi nó có trung tâm quản lý; hoặc
d) nơi nó có địa điểm kinh doanh chính.
 
CHƯƠNG II - CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH
Điều 4
Các quy định chung
1. Một phán quyết do một tòa án của một quốc gia ký kết (quốc gia gốc) tuyên phải được công nhận và cho thi hành tại quốc gia ký kết khác (quốc gia được yêu cầu) phù hợp với các quy định của Chương này. Việc công nhận hoặc cho thi hành chỉ có thể bị từ chối dựa trên các căn cứ được quy định trong Công ước này.
2. Không có hình thức xem xét lại nào về nội dung của phán quyết tại quốc gia được yêu cầu. Chỉ có các xem xét cần thiết để áp dụng các quy định của Công ước này.
3. Một phán quyết phải được công nhận chỉ khi nó có hiệu lực tại quốc gia gốc, và phải được thi hành chỉ khi nó có thể được thi hành tại quốc gia gốc.
4. Việc công nhận hoặc cho thi hành có thể bị tạm dừng hoặc từ chối nếu phán quyết tại khoản 3  là đối tượng bị xem xét lại tại quốc gia gốc hoặc nếu thời hạn để yêu cầu xem xét lại theo cách thức thông thường chưa hết. Việc từ chối không cản trở yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết này sau đó.
Điều 5
Các căn cứ để công nhận và cho thi hành
1. Một phán quyết đủ điều kiện để công nhận và cho thi hành nếu đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:
a) người mà việc công nhận và cho thi hành nhắm đến có nơi thường trú tại quốc gia gốc vào thời điểm người đó trở thành một bên trong thủ tục tố tụng tại tòa án quốc gia gốc;
b) cá nhân mà việc công nhận và thi hành nhắm đến có địa điểm kinh doanh chính tại quốc gia gốc vào thời điểm người này trở thành một bên trong thủ tục tố tụng tại tòa án quốc gia gốc và phán quyết giải quyết yêu cầu phát sinh từ hoạt động kinh doanh đó;
c) người mà việc công nhận và cho thi hành nhắm đến là người đã khởi kiện vụ việc mà phán quyết giải quyết, không phải là yêu cầu phản tố;
d) bị đơn duy trì một chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở khác không có tư cách pháp nhân độc lập tại quốc gia gốc vào thời điểm người này trở thành một bên trong thủ tục tố tụng tại tòa án quốc gia gốc, và yêu cầu mà phán quyết giải quyết phát sinh từ hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở đó;
e) bị đơn đã đồng ý rõ ràng về thẩm quyền của tòa án quốc gia gốc trong quá trình tố tụng mà phán quyết được tuyên;
f) bị đơn đã tranh luận về nội dung của vụ việc trước tòa án quốc gia gốc mà không phản đối về thẩm quyền trong khoảng thời gian do pháp luật quốc gia gốc quy định, trừ khi có bằng chứng rằng việc phản đối thẩm quyền hoặc phản đối thực thi thẩm quyền sẽ không thể thành công được theo pháp luật đó;
g) phán quyết về nghĩa vụ hợp đồng và được tuyên tại quốc gia nơi thực hiện nghĩa vụ đó hoặc đáng lẽ phải thực hiện nghĩa vụ đó, theo
(i) thỏa thuận của các bên, hoặc
(ii) pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, nếu không có địa điểm thực hiện theo thỏa thuận,
trừ khi các hoạt động của bị đơn liên quan đến giao dịch rõ ràng không tạo thành liên hệ đáng kể và có mục đích gắn với quốc gia đó;
h) phán quyết về việc thuê bất động sản và được tuyên tại quốc gia nơi có tài sản;
i) phán quyết chống lại bị đơn về nghĩa vụ hợp đồng được bảo đảm bằng một quyền đối vật với bất động sản tại quốc gia gốc, nếu yêu cầu khởi kiện về hợp đồng được đưa ra kèm theo một yêu cầu về quyền đối vật đó đối với cùng bị đơn đó;
j) phán quyết về một nghĩa vụ ngoài hợp đồng phát sinh từ sự kiện chết, bị thương, thiệt hại hoặc mất mát tài sản hữu hình, và hành động hoặc không hành động trực tiếp gây ra những thiệt hại này đã xảy ra tại quốc gia gốc, bất kể nơi có thiệt hại;
k) phán quyết liên quan đến hiệu lực, hình thành, hậu quả, quản lý và thay đổi tín thác được tạo thành tự nguyện và bằng văn bản, và
(i) vào thời điểm thủ tục tố tụng được tiến hành, quốc gia gốc được chỉ định trong văn bản tín thác là quốc gia nơi có tòa án giải quyết tranh chấp về vấn đề này; hoặc
(ii) vào thời điểm thủ tục được tiến hành, quốc gia gốc được chỉ định rõ ràng hoặc ngầm định trong văn bản tín thác là quốc gia nơi quản lý chính tín thác.
Điểm này chỉ áp dụng với các phán quyết liên quan đến những vấn đề nội bộ của tín thác giữa người đang hoặc đã có quan hệ tín thác;
l) phán quyết về yêu cầu phản tố
 (i) trong phạm vi có lợi cho người yêu cầu phản tố, với điều kiện là yêu cầu phản tố phát sinh từ cùng một giao dịch hoặc sự kiện như với yêu cầu khởi kiện;
(ii) trong phạm vi bất lợi cho người có yêu cầu phản tố, trừ khi pháp luật của quốc gia gốc bắt buộc yêu cầu phản tố phải được nộp để tránh việc không được khởi kiện lại[13];
m) phán quyết được tuyên bởi tòa án được chỉ định trong một thỏa thuận được ký kết hoặc ghi lại bằng văn bản hoặc bất kỳ cách thức liên lạc nào khác cung cấp thông tin có thể tiếp cận được để có thể sử dụng trong những lần dẫn chiếu sau, mà không phải là một thỏa thuận lựa chọn tòa án riêng biệt[14] .
Vì mục đích của điểm này, một “thỏa thuận lựa chọn tòa án riêng biệt” nghĩa là một thỏa thuận do hai hoặc nhiều bên ký kết chỉ định các tòa án của một quốc gia hoặc một hay nhiều tòa án cụ thể của một quốc gia để loại trừ thẩm quyền của tòa án khác để giải quyết tranh chấp phát sinh hoặc có thể phát sinh liên quan đến một quan hệ pháp luật cụ thể.
2. Nếu việc công nhận hoặc cho thi hành chống lại một cá nhân hành động chủ yếu vì mục đích của cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình (người tiêu dùng) liên quan đến hợp đồng tiêu dùng, hoặc chống lại một người lao động liên quan đến hợp đồng lao động của người đó thì
a) chỉ áp dụng điểm e khoản 1 nếu sự đồng ý được gửi cho tòa án, dưới dạng văn bản hoặc lời nói
b) không áp dụng điểm (f), (g) và (m) khoản 1.
3. Khoản 1 không áp dụng với một phán quyết về thuê bất động sản để ở hoặc về đăng ký bất động sản. Phán quyết này chỉ được công nhận và cho thi hành khi được tòa án của quốc gia nơi có tài sản tuyên.
Điều 6
Căn cứ riêng biệt để công nhận và thi hành
Mặc dù có quy định tại Điều 5, một phán quyết về quyền đối vật với bất động sản phải được công nhận và cho thi hành khi và chỉ khi tài sản tọa lạc tại quốc gia gốc.
Điều 7
Từ chối công nhận hoặc cho thi hành
1. Việc công nhận hoặc cho thi hành có thể bị từ chối nếu
a) giấy tờ tiến hành thủ tục tố tụng hoặc giấy tờ tương đương, bao gồm cả văn bản khẳng định về các yếu tố cần thiết của yêu cầu khởi kiện
(i) không được thông báo cho bị đơn trong khoảng thời gian và theo cách thức cho phép bị đơn sắp xếp việc tự bảo vệ, trừ khi bị đơn xuất hiện và trình bày về vụ việc của mình mà không phản đối thông báo của tòa án quốc gia gốc, với điều kiện là pháp luật của quốc gia gốc cho phép phản đối thông báo; hoặc
(ii) đã được thông báo cho bị đơn tại quốc gia được yêu cầu theo cách thức không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của quốc gia được yêu cầu liên quan đến tống đạt giấy tờ;
b) phán quyết có được do lừa dối;
c) việc công nhận hoặc cho thi hành sẽ rõ ràng là không phù hợp với trật tự công của quốc gia được yêu cầu, bao gồm cả các tình huống mà thủ tục tố tụng cụ thể dẫn đến phán quyết không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về công bằng trong thủ tục tố tụng tại quốc gia đó và các tình huống kể cả xâm phạm an ninh hoặc chủ quyền của quốc gia đó;
d) thủ tục tố tụng tại tòa án quốc gia gốc trái với một thỏa thuận hoặc một chỉ định trong một văn bản tín thác, theo đó tranh chấp trong vụ việc phải được quyết định bởi một tòa án của quốc gia không phải quốc gia gốc;
e) phán quyết không phù hợp với một phán quyết đã được tuyên tại quốc gia được yêu cầu trong một tranh chấp giữa cùng các bên; hoặc
f) phán quyết không phù hợp với một phán quyết trước đó đã được tuyên tại một quốc gia khác giữa cùng các bên về cùng một vấn đề, với điều kiện là phán quyết trước đó đáp ứng các điều kiện cần thiết để được công nhận tại quốc gia được yêu cầu.
2. Việc công nhận hoặc cho thi hành có thể bị tạm dừng hoặc từ chối nếu thủ tục tố tụng giữa cùng các bên về cùng một vấn đề đang được giải quyết trước một tòa án của quốc gia được yêu cầu khi
a) tòa án của quốc gia được yêu cầu đã thụ lý vụ việc trước tòa án gốc; và
b) có mối liên hệ gắn bó giữa tranh chấp và quốc gia được yêu cầu.
Một từ chối được đưa ra theo khoản này không cản trở việc yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết sau đó.
Điều 8
Các vấn đề phụ
1. Một quyết định về vấn đề phụ không được công nhận hoặc cho thi hành theo Công ước này nếu quyết định là về những vấn đề mà Công ước này không áp dụng hoặc về vấn đề quy định tại Điều 6 mà tòa án của quốc gia khác với quốc gia quy định tại Điều đó tuyên.
2. Việc công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết có thể bị từ chối nếu, và trong phạm vi mà, phán quyết dựa trên quyết định về vấn đề mà Công ước này không áp dụng, hoặc về vấn đề quy định tại Điều 6 mà tòa án của quốc gia khác với quốc gia quy định tại Điều đó tuyên.
Điều 9
Công nhận một phần
Việc công nhận hoặc cho thi hành một phần có thể tách rời của phán quyết phải được thực hiện khi việc công nhận hoặc cho thi hành phần đó được yêu cầu hoặc chỉ phần phán quyết đó là có thể được công nhận hoặc cho thi hành theo Công ước này.
Điều 10
Bồi thường thiệt hại
1. Việc công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết có thể bị từ chối nếu, và trong phạm vi mà, phán quyết cho phép một khoản bồi thường thiệt hại, bao gồm bồi thường thiệt hại để làm gương hoặc có tính chất trừng phạt nghĩa là các khoản không bồi thường cho một bên các thiệt hại hoặc mất mát thực tế mà bên đó phải chịu.
2. Tòa án được yêu cầu phải cân nhắc xem khoản bồi thường thiệt hại được trao bởi tòa án gốc có bao gồm chi phí và phí tổn liên quan đến thủ tục tố tụng hay không và mức độ là bao nhiêu.
Điều 11
Thỏa thuận tư pháp (judicial settlements - transactions judiciares)
Thỏa thuận tư pháp được một tòa án của một quốc gia ký kết chấp thuận hoặc đã được ký kết trong quá trình tố tụng trước một tòa án của một quốc gia ký kết, và có thể thi hành theo cùng cách thức giống như một phán quyết tại quốc gia gốc, phải được cho thi hành theo Công ước này theo cùng cách thức như một phán quyết.
Điều 12
Giấy tờ phải nộp
1. Bên yêu cầu công nhận hoặc yêu cầu cho thi hành phải cung cấp
a) một bản sao đầy đủ và được xác thực của phán quyết;
b) nếu phán quyết được tuyên vắng mặt, bản gốc hoặc bản sao được xác thực của giấy tờ chứng minh rằng giấy tờ tiến hành thủ tục tố tụng hoặc giấy tờ tương đương đã được thông báo cho bên vắng mặt;
c) bất kỳ giấy tờ nào cần thiết để chứng minh rằng phán quyết đã có hiệu lực hoặc nếu có, là có thể thi hành tại quốc gia gốc;
d) trường hợp quy định tại Điều 11, một chứng nhận của tòa án quốc gia gốc (bao gồm cán bộ của tòa án) rằng thỏa thuận tư pháp hoặc một phần của nó là có thể thi hành theo cùng cách thức như một phán quyết tại quốc gia gốc.
2. Nếu từ ngữ của phán quyết không cho phép tòa án được yêu cầu xác định điều kiện của chương này đã được đáp ứng, tòa án đó có thể yêu cầu thêm các giấy tờ cần thiết khác.
3. Một yêu cầu công nhận hoặc cho thi hành có thể kèm với một văn bản liên quan đến phán quyết, do tòa án (bao gồm cả nhân viên tòa án) của quốc gia gốc ban hành, theo hình thức được khuyến nghị và công khai bởi Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.
4. Nếu giấy tờ quy định tại Điều này không lập bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia được yêu cầu, chúng phải kèm theo một bản dịch được xác thực sang ngôn ngữ chính thức đó, trừ khi pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định khác.
Điều 13
Thủ tục
1. Thủ tục công nhận, tuyên bố khả năng thi hành hoặc đăng ký để cho thi hành và thi hành phán quyết, được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia được yêu cầu trừ khi Công ước này quy định khác. Tòa án của quốc gia được yêu cầu phải hành động nhanh chóng.
2. Tòa án của quốc gia được yêu cầu không được từ chối việc công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết theo Công ước này vì lý do việc công nhận hoặc cho thi hành nên được thực hiện tại quốc gia khác.
Điều 14
Chi phí
1. Không có bảo đảm, bảo lãnh hoặc đặt cọc, cho dù được mô tả như thế nào, được đặt ra với một bên là người tại một quốc gia ký kết yêu cầu cho thi hành một phán quyết được được tuyên tại quốc gia ký kết khác chỉ vì lý do duy nhất rằng bên đó là người nước ngoài hoặc không có nơi cư trú pháp định hoặc nơi cư trú tại quốc gia nơi được yêu cầu thi hành.
2. Một quyết định về thanh toán chi phí hoặc phí tổn trong thủ tục tố tụng, được tuyên tại quốc gia ký kết chống lại bất kỳ người nào được miễn trừ khỏi yêu cầu về bảo đảm, bảo lãnh hoặc đặt cọc theo khoản 1 hoặc theo pháp luật của quôc gia nơi thủ tục tố tụng đã được tiến hành phải được tuyên là có thể thi hành tại bất kỳ quốc gia ký kết nào khác theo yêu cầu của người có quyền hưởng lợi từ quyết định đó.
3. Một quốc gia có thể tuyên bố rằng mình không áp dụng khoản 1 hoặc xác định tòa án nào của mình không áp dụng khoản 1 trong tuyên bố.
Điều 15
Công nhận hoặc cho thi hành theo pháp luật quốc gia
Tuân theo Điều 6, công ước này không cản trở việc công nhận hoặc cho thi hành phán quyết theo pháp luật quốc gia.
 
 CHƯƠNG III- CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 16
Quy định chuyển tiếp
Công ước áp dụng với việc công nhận và cho thi hành phán quyết nếu, vào thời điểm thủ tục tố tụng được tiến hành tại quốc gia gốc, Công ước này có hiệu lực tại quốc gia đó và tại quốc gia được yêu cầu.
Điều 17
Tuyên bố hạn chế việc công nhận và cho thi hành
Một quốc gia có thể tuyên bố rằng tòa án của mình có thể từ chối công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết được tòa án của một quốc gia ký kết khác tuyên nếu các bên cùng cư trú tại quốc gia được yêu cầu, và quan hệ giữa các bên và tất cả các yếu tố khác liên quan đến tranh chấp, trừ địa điểm của tòa án gốc, đều chỉ liên quan đến quốc gia được yêu cầu.
Điều 18
Tuyên bố liên quan đến các vấn đề cụ thể
1. Khi một quốc gia có lợi ích đáng kể trong việc không áp dụng Công ước này cho một lĩnh vực cụ thể, quốc gia đó có thể tuyên bố không áp dụng Công ước cho lĩnh vực đó. Quốc gia đưa ra tuyên bố này phải bảo đảm rằng tuyên bố không được rộng hơn mức cần thiết và lĩnh vực cụ thể đó được xác định rõ ràng và chính xác.
2. Về vấn đề này, Công ước không áp dụng với;
a) quốc gia ký kết đã ra tuyên bố;
b) với quốc gia ký kết khác, khi có yêu cầu công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết được tuyên tại một quốc gia ký kết đã ra tuyên bố.
Điều 19
Tuyên bố về phán quyết liên quan đến quốc gia
1. Một quốc gia có thể tuyên bố rằng mình không áp dụng Công ước này với các phán quyết phát sinh từ một thủ tục tố tụng mà bất kỳ chủ thể nào dưới đây là một bên:
(a) quốc gia đó, hoặc một cá nhân hành động thay mặt cho quốc gia đó, hoặc
(b) một cơ quan nhà nước của quốc gia đó, hoặc một cá nhân đại diện cho cơ quan chính phủ đó.
Quốc gia đã ra tuyên bố này phải đảm bảo rằng tuyên bố không được rộng hơn mức cần thiết và việc loại trừ khỏi phạm vi phải được xác định rõ ràng và chính xác. Tuyên bố không được phân biệt giữa phán quyết mà quốc gia, cơ quan nhà nước của quốc gia đó hoặc cá nhân hành động thay mặt các chủ thể đó là bị đơn hoặc nguyên đơn trong thủ tục tố tụng trước tòa án gốc.
2. Việc công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết do tòa án của quốc gia đã ra tuyên bố theo khoản 1 có thể bị từ chối nếu phán quyết phát sinh từ thủ tục tố tụng mà quốc gia đã ra tuyên bố hoặc quốc gia được yêu cầu, một cơ quan nhà nước của các quốc gia này hoặc cá nhân đại diện cho các chủ thể đó là một bên, trong cùng phạm vi đã xác định cụ thể trong tuyên bố.
Điều 20
Giải thích thống nhất
Trong việc giải thích Công ước này, phải cân nhắc đến tính chất quốc tế và nhu cầu áp dụng thống nhất Công ước.
Điều 21
Xem xét lại quá trình thực thi Công ước
Tổng thư ký của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế phải sắp xếp định kỳ để xem xét lại việc thực thi Công ước, bao gồm cả các tuyên bố; và phải báo cáo với Hội đồng các vấn đề chung và chính sách.
Điều 22
Các hệ thống pháp luật không đơn nhất
1. Liên quan đến quốc gia thành viên có hai hay nhiều hệ thống pháp luật áp dụng tại những vùng lãnh thổ khác nhau về những vấn đề được Công ước này điều chỉnh -
a) bất kỳ dẫn chiếu nào đến pháp luật hoặc thủ tục của một quốc gia phải được coi là dẫn chiếu đến, tùy trường hợp, pháp luật hoặc thủ tục có hiệu lực tại vùng lãnh thổ có liên quan;
b) bất kỳ dẫn chiếu nào đến tòa án hoặc các tòa án của một quốc gia phải được coi là dẫn chiếu đến, tùy trường hợp, tòa án hoặc các tòa án tại vùng lãnh thổ có liên quan;
c) bất kỳ dẫn chiếu nào đến mối liên hệ với một quốc gia phải được coi là dẫn chiếu đến, tùy trường hợp, mối liên hệ với vùng lãnh thổ có liên quan;
d) bất kỳ dẫn chiếu nào đến yếu tố kết nối với một quốc gia phải được coi là dẫn chiếu đến, tùy trường hợp, yếu tố kết nối với vùng lãnh thổ có liên quan.
2. Mặc dù có các quy đinh tại khoản 1, một quốc gia ký kết có hai hay nhiều đơn vị lãnh thổ trong đó áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau không bị buộc phải áp dụng Công ước này trong những trường hợp chỉ liên quan đến những vùng lãnh thổ khác nhau đó.
3. Tòa án tại một vùng lãnh thổ của một quốc gia ký kết có hai hay nhiều vùng lãnh thổ trong đó áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau không bị buộc phải công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết từ quốc gia ký kết khác chỉ vì phán quyết đó đã được công nhận hoặc cho thi hành tại vùng lãnh thổ khác của cùng quốc gia ký kết theo Công ước này.
4. Điều này không áp dụng với tổ chức hội nhập kinh tế khu vực.
Điều 23
Quan hệ với các văn kiện quốc tế khác
1. Công ước này phải được giải thích phù hợp với các điều ước khác có hiệu lực tại quốc gia ký kết, cho dù được ký kết trước hay sau Công ước này ở mức độ nhiều nhất có thể.
2. Công ước này không ảnh hưởng đến việc áp dụng một điều ước đã được ký kết trước Công ước này của một quốc gia ký kết.
3. Công ước này không ảnh hưởng đến việc áp dụng một điều ước của một quốc gia ký kết đã được ký kết sau Công ước này liên quan đến việc công nhận hoặc cho thi hành một phán quyết do tòa án của một quốc gia ký kết cũng là thành viên của điều ước đó tuyên. Không có quy định nào trong các văn kiện khác ảnh hưởng đến các nghĩa vụ tại Điều 6 với các quốc gia ký kết không phải là thành viên của văn kiện đó.
4. Công ước này không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy tắc của tổ chức hội nhập kinh tế khu vực là thành viên của Công ước này, liên quan đến việc công nhận hoặc cho thi hành phán quyết do tòa án của một quốc gia ký kết đồng thời là quốc gia thành viên của tổ chức hội nhập kinh tế khu vực đó tuyên nếu
(a) các quy tắc được thông qua trước khi Công ước này được ký kết; hoặc
(b) các quy tắc được thông qua sau khi Công ước này được ký kết, trong phạm vi mà chúng không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ theo Điều 6 với các quốc gia ký kết không phải là quốc gia thành viên của tổ chức hội nhập kinh tế khu vực.
CHƯƠNG IV - ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 24
Ký, phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập
1. Công ước này được mở để ký cho mọi quốc gia.
2. Công ước này chịu sự phê chuẩn, phê duyệt, hoặc chấp thuận của các quốc gia ký.
3. Công ước được mở để gia nhập cho mọi quốc gia.
4. Văn kiện phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập phải được nộp lưu chiểu tại Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan, cơ quan lưu chiểu Công ước này.
Điều 25
Tuyên bố liên quan đến hệ thống pháp luật không đơn nhất
1. Nếu một quốc gia có hai hay nhiều vùng lãnh thổ áp dung các hệ thống pháp luật khác nhau với vấn đề được điều chỉnh bởi Công ước này, quốc gia này có thể tuyên bố rằng Công ước mở rộng tới tất cả các vùng lãnh thổ của mình hay chỉ một hoặc một số vùng lãnh thổ. Tuyên bố phải khẳng định rõ ràng vùng lãnh thổ mà Công ước áp dụng.
2. Nếu một quốc gia không đưa ra tuyên bố theo Điều này, Công ước phải mở rộng đến tất cả các vùng lãnh thổ của quốc gia đó.
3. Điều này không áp dụng với tổ chức hội nhập kinh tế khu vực.
Điều 26
Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực
1. Một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực chỉ gồm các quốc gia có chủ quyền và có thẩm quyền với một số hoặc toàn bộ các vấn đề được Công ước này điều chỉnh cũng có thể ký, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập Công ước. Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực trong trường hợp này có quyền và nghĩa vụ của một quốc gia ký kết, trong phạm vi mà tổ chức có thẩm quyền với các vấn đề được điều chỉnh bởi Công ước này.
2. Tổ chức Hội nhập kinh tế khu vực phải thông báo cho cơ quan lưu chiểu bằng văn bản về những vấn đề được điều chỉnh bởi Công ước này mà thẩm quyền đã được các quốc gia thành viên trao cho tổ chức đó vào thời điểm ký, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập. Tổ chức này phải thông báo ngay cho cơ quan lưu chiểu bằng văn bản bất kỳ thay đổi nào về thẩm quyền của mình như được nêu trong thông báo gần nhất được đưa ra theo khoản này.
3. Để Công ước này có hiệu lực, bất kỳ văn kiện nào được tổ chức hội nhập kinh tế khu vực nộp lưu chiểu không được tính trừ khi tổ chức kinh tế khu vực tuyên bố theo Điều 27 khoản 1, rằng các quốc gia thành viên của mình sẽ không trở thành các bên của Công ước này.
4. Bất kỳ dẫn chiếu nào đến một quốc gia ký kết hoặc quốc gia trong Công ước này cũng áp dụng tương đương tùy từng trường hợp với tổ chức hội nhập kinh tế khu vực.
Điều 27
Tổ chức kinh tế khu vực có tư cách quốc gia ký kết mà không phải quốc gia thành viên của tổ chức đó
1. Vào thời điểm ký, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập, một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực có thể tuyên bố rằng tổ chức này thực hiện thẩm quyền với tất cả các vấn đề được điều chỉnh bởi Công ước này và các thành viên của tổ chức sẽ không là thành viên của Công ước này nhưng bị ràng buộc bởi việc ký, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập của tổ chức.
2.Trường hợp tổ chức hội nhập kinh tế khu vực ra tuyên bố theo khoản 1, bất kỳ dẫn chiếu nào đến một “quốc gia ký kết” hoặc “quốc gia” theo Công ước cũng áp dụng tương đương, tùy từng trường hợp với các quốc gia thành viên của tổ chức.
Điều 28
Hiệu lực
1. Công ước này có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo khi hết thời hạn mà thông báo có thể được đưa ra theo khoản 2 Điều 29 với quốc gia thứ hai nộp văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập theo Điều 24.
2. Sau đó, Công ước sẽ có hiệu lực
a) với mỗi quốc gia phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập tiếp theo vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo khi hết thời hạn mà thông báo có thể được đưa ra theo khoản 2 Điều 29 với quốc gia đó;
b) với vùng lãnh thổ mà Công ước này được áp dụng mở rộng theo Điều 25 sau khi Công ước có hiệu lực với quốc gia đã ra tuyên bố, vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo khi hết thời hạn ba tháng sau khi thông báo về tuyên bố theo Điều đó.
Điều 29
Thiết lập quan hệ theo Công ước
1. Công ước này có hiệu lực với hai quốc gia ký kết chỉ khi cả hai không thông báo cho cơ quan lưu chiểu về những nội dung quy định tại khoản 2 hoặc 3 áp dụng với quốc gia kia. Khi không có thông báo như vậy, Công ước có hiệu lực với hai quốc gia ký kết vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo khi hết thời hạn thông báo.
2. Một quốc gia ký kết có thể thông báo cho cơ quan lưu chiểu, trong vòng 12 tháng kể từ ngày thông báo cho cơ quan lưu chiểu theo điểm a Điều 32 rằng việc phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập của quốc gia khác không có hiệu lực thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia theo Công ước này.
3. Một quốc gia có thể thông báo cho cơ quan lưu chiểu, khi nộp văn kiện theo khoản 4 Điều 24 rằng việc phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập của mình không có hiệu lực thiết lập quan hệ với một quốc gia ký kết khác theo Công ước này.
4. Một quốc gia ký kết có thể vào bất kỳ thời điểm nào rút thông báo đã đưa ra theo khoản 2 hoặc 3. Việc rút thông báo này có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày thông báo.
Điều 30
Tuyên bố
1. Các tuyên bố quy định tại các điều 14, 17, 18, 19 và 25 có thể được đưa ra khi ký, phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó và có thể được thay đổi hoặc từ bỏ vào bất kỳ thời điểm nào.
2. Tuyên bố, thay đổi hoặc từ bỏ phải được thông báo cho cơ quan lưu chiểu.
3. Tuyên bố được đưa ra khi ký, phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập có hiệu lực đồng thời với việc có hiệu lực của Công ước này tại quốc gia liên quan.
4. Tuyên bố được đưa ra sau đó, và bất kỳ thay đổi hoặc từ bỏ tuyên bố nào có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo khi hết hạn ba tháng sau ngày cơ quan lưu chiểu nhận được thông báo.
5. Một tuyên bố được đưa ra sau đó và bất kỳ thay đổi hoặc hủy bỏ tuyên bố nào, không áp dụng với các phán quyết là kết quả của thủ tục tố tụng đã được tiến hành trước tòa án nước gốc khi tuyên bố có hiệu lực.
Điều 31
Bãi ước
1. Công ước này có thể bị bãi bỏ bằng văn bản thông báo đến cơ quan lưu chiểu. Việc bãi ước có thể chỉ giới hạn với khu vực lãnh thổ nhất định của hệ thống pháp luật không đơn nhất mà Công ước này áp dụng.
2. Việc bãi ước có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo khi hết thời hạn 12 tháng sau ngày cơ quan lưu chiểu nhận được thông báo. Khi thời gian để việc bãi ước có hiệu lực lâu hơn được xác định trong thông báo, việc bãi ước có hiệu lực khi hết thời hạn lâu hơn đó sau ngày cơ quan lưu chiểu nhận được thông báo.
Điều 32
Thông báo của cơ quan lưu chiểu
Cơ quan lưu chiểu phải thông báo cho các quốc gia thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, các quốc gia khác và tổ chức hội nhập kinh tế khu vực đã ký, phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập theo các Điều 24, 26 và 27 về những vấn đề sau
a) việc ký, phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận và gia nhập quy định tại các Điều 24, 26 và 27;
b) ngày mà Công ước có hiệu lực theo Điều 28
c) thông báo, tuyên bố, thay đổi và từ bỏ thông báo hoặc tuyên bố quy định tại các Điều  26,17,29 và 30; và
d) việc bãi ước quy định tại Điều 31.
Để làm bằng những người ký tên dưới đây đã được ủy quyền hợp lệ đã ký Công ước này.
Làm tại La Hay ngày 2 tháng 7 năm 2019, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, cả hai bản có giá trị như nhau trong một văn kiện được nộp lưu chiểu trong văn thư lưu trữ của Chính phủ Vương quốc Hà Lan và một bản sao có xác thực sẽ được gửi đến mỗi nước thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào thời điểm diễn ra Phiên ngoại giao thứ 22 và tới mỗi quốc gia khác đã tham gia vào Phiên ngoại giao thông qua kênh ngoại giao.
(Tin của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế)
https://www.hcch.net/en/news-archive/details/?varevent=687
 
[1] revenue
[2] customs
[3] administrative matters
[4] status
[5] legal capacity
[6] composition
[7] resolution of financial institutions
[8] maritime claims
[9] defamation
[10] Preliminary questions (Incidental questions)- vấn đề phụ: là những vấn đề pháp lý phải được giải quyết trước khi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được quyết định nhưng không phải là mục tiêu chính hay vấn đề chính của thủ tục tố tụng. Các vấn đề pháp lý trong một phán quyết có thể tách rời khỏi nhau nhưng vẫn được coi là tiếp nối liên tục với nhau, quyết định về vấn đề chính là dựa trên một vấn đề khác - vấn đề phụ.
Ví dụ: để xác định hợp đồng có vô hiệu vì người ký kết hợp đồng không đủ năng lực hành vi theo yêu cầu khởi kiện hay không (vấn đề chính) cần phải xác định người ký kết  hợp đồng có năng lực hành vi hay không (vấn đề phụ).
[11] acting for a State
[12] statutory seat
[13] preclusion
[14] exclusive choice of court agreement
​​​