​Tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với Thái Lan

​Tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với Thái Lan

Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan, nguyên Đại tướng Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã thăm chính thức Thái Lan vào ngày 16 tháng 11 năm 2022, trước khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Băng – cốc. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong 24 năm của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Thái Lan, giúp ghi thêm một dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai nước. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp vinh dự là Thành viên chính thức tham gia Đoàn.
Ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan
Vào chiều ngày 16/11/2022, ngay sau Lễ đón chính thức và Hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã diễn ra Lễ ký các văn kiện trước sự chứng kiến của hai Nhà Lãnh đạo. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Tổng Thư ký Văn phòng Tư pháp Thái Lan Teerasak Ngeyvijit đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan. Hiệp định gồm 7 chương, 29 điều, quy định về các vấn đề hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai quốc gia về các nội dung: Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp; Thu thập và cung cấp chứng cứ; Triệu tập người làm chứng và người giám định; Công nhận và cho thi hành bản án của tòa án, phán quyết của Trọng tài được quy định tại Chương V của Hiệp định này; Trao đổi thông tin và tài liệu pháp luật về dân sự và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Chuyển giao giấy tờ hộ tịch; Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác phù hợp với quy định pháp luật các Bên. Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần bảo  đảm cho công dân của mỗi Bên được hưởng trên lãnh thổ của Bên kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như công dân của Bên kia. Mục đích cuối cùng của Hiệp định này không có gì khác ngoài việc đảm bảo lợi ích của công dân, pháp nhân mỗi nước trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Thuật ngữ “dân sự” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các vấn đề về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Hiệp định hướng đến đảm bảo lợi ích của công dân, pháp nhân mỗi nước trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, hướng đến sự an toàn pháp lý.
Trong bối cảnh các nước ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự (trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN, Việt Nam đang chủ trì Sáng kiến tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại và chỉ môt ngày sau Lễ ký Hiệp định - ngày 17/11/2022 - Bộ Tư pháp Việt Nam cũng chủ trì Diễn đàn Pháp luật ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự), thì việc ký Hiệp định này càng trở nên có ý nghĩa thực tiễn cả ở tầm khu vực và quốc tế.
Hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp hai nước
Ngoài việc tham gia các hoạt động trong Chương trình chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước, vào chiều ngày 17/11/2012, tại Trụ sở Bộ Tư pháp Thái Lan, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Somsak Thepsuthin.
Trong không khí thân mật, chân tình và ấm áp, hai Bộ trưởng thông tin cho nhau khái quát về công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp ở mỗi nước. Nhắc lại Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp Vương quốc Thái Lan ký năm 2015 cũng như các Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ (2016, 2017, 2021-2022), Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp còn rất lớn và cần phải được đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác song phương nói riêng, hợp tác trong khu vực ASEAN nói chung. Hai Bộ trưởng thống nhất gợi ý một số định hướng lớn cần tăng cường hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp trong thời gian tới trong một số lĩnh vực mà hai Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng: 1) Tư pháp hình sự (trong đó có các vấn đề về hoàn thiện pháp luật hình sự, tư pháp vị thành niên...); 2) Thi hành án dân sự, trong đó có cơ chế hợp tác đa phương (Liên minh thừa phát lại quốc tế) và khu vực ASEAN mà Thái Lan đang chủ trì trong lĩnh vực thừa phát lại; 3) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp, đào tạo luật và các chức danh tư pháp; 4) Chuyển đổi số trong ngành tư pháp; 5) Giải quyết tranh chấp ở cơ sở (bao gồm cả hòa giải cơ sở) và giải quyết tranh chấp thay thế Tòa án (trọng tài, hòa giải thương mại...). Hai Bộ trưởng cũng thống nhất cần tiếp tục xây dựng Chương trình hợp tác giữa hai Bộ trong các năm tiếp theo nhằm triển khai có hiệu quả thực chất MOU đã ký năm 2015, trong đó lưu ý vấn đề trao đổi chuyên gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Hy vọng rằng trong thời gian tới đây, hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Thái Lan sẽ ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, phụ vụ trực tiếp nhiệm vụ công tác của mỗi Bộ Tư pháp cũng như công tác pháp luật và tư pháp tại mỗi nước, từ đó góp phần tích cực thúc đẩy “Quan hệ đối tác Chiến lược tăng cường” Việt Nam – Thái Lan như tinh thần của Tuyên bố chung giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ Băng Cốc
​​​