Hội nghị pháp luật về thương mại, số hóa và tài chính xuyên biên giới (CODIFI) của HCCH

Hội nghị pháp luật về thương mại, số hóa và tài chính xuyên biên giới (CODIFI) của HCCH

Vừa qua, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) đã tổ chức Hội nghị pháp luật về thương mại, số hóa và tài chính xuyên biên giới (CODIFI) theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hàng trăm diễn giả và đại biểu trên khắp thế giới là các chuyên gia từ các cơ quan nhà nước, những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật tài chính và công nghệ, cơ quan ngoại giao và các học giả. Hội nghị diễn ra trong 05 ngày từ 12/9/2022 đến 16/9/2022.
Hội nghị được chia thành 5 nhóm chủ đề thảo luận khác nhau: Khuôn khổ pháp luật trong kinh tế số, Các mối quan hệ trong kinh tế số, Các nguyên tắc La Hay về pháp luật áp dụng với hợp đồng thương mại quốc tế, Công ước La Hay về Tín thác và Công ước La Hay về chứng khoán.
Các diễn giả đã giới thiệu về nội dung của các văn kiện, điều ước quốc tế có liên quan, các khái niệm cơ bản trong kinh tế số như chuỗi khối (blockchain), công nghệ sổ cái phân tán (DLT), tiền mã hóa (crytocurrency), tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), vũ trụ ảo (metaverse), DAO (tổ chức tự trị phi tập trung)… và mối quan hệ giữa các văn kiện, điều ước quốc tế của HCCH với nền kinh tế số, những thuận lợi và thách thức của việc áp dụng các quy định hiện hành với những quan hệ mới phát sinh trong kinh tế số.
1. Công ước La Hay về tín thác
Công ước năm 1985 về pháp luật áp dụng với tín thác và việc công nhận chúng có hiệu lực từ ngày 1/1/1992 và có 14 thành viên.
Tín thác là một thiết chế pháp lý độc đáo bắt nguồn từ hệ thống thông luật, khi một người- người tín thác, trao tài sản thuộc quyền kiểm soát của mình cho người được tín thác để hoàn thành một mục đích đã được xác định trước hoặc vì lợi ích của người thụ hưởng. Pháp luật áp dụng do người tín thác lựa chọn. Việc lựa chọn phải rõ ràng hoặc ngầm hiểu theo quy định của văn kiện hình thành hoặc là bằng chứng văn bản của tín thác, được giải thích nếu cần thiết theo tình huống của vụ việc. Khi không có pháp luật áp dụng theo lựa chọn hoặc lựa chọn không có hiệu lực, tín thác được điều chỉnh bởi pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất. (Công ước đưa ra một số gợi ý để xác định pháp luật này: Nơi quản lý tín thác theo chỉ định của người tín thác, Nơi có tài sản tín thác, Nơi cư trú hoặc kinh doanh của người được tín thác, Mục tiêu của tín thác và nơi thực hiện mục tiêu đó).
Hội nghị đã trao đổi thông tin về lịch sử và nội dung của Công ước và khẳng định rằng Công ước vẫn còn phù hợp với bối cảnh hiện nay kể cả với các quốc gia không có quy định về tín thác. Một số hướng dẫn để làm rõ nội dung của Công ước là cần thiết đối với các vấn đề như bản chất của tín thác, danh mục nghĩa vụ của người nhận tín thác, và các vấn đề thực tiễn khác như đăng ký tín thác hay sở hữu trên cơ sở công bằng (equitable ownership)…
Thực tiễn cho thấy tại một số quốc gia thuộc hệ thống pháp luật thành văn như Trung Quốc, Hung-ga-ri, I-xra-en… đã có các quy định về tín thác. Điều này chứng minh Công ước hoàn toàn có thể vận hành hiệu quả tại các quốc gia ngoài hệ thống thông luật. Tuy nhiên, một số rào cản trong pháp luật quốc gia, đặc biệt là pháp luật thuế, doanh nghiệp, phòng chống rửa tiền…có thể được đặt ra.
2. Công ước chứng khoán
Công ước năm 2006 về pháp luật áp dụng đối với một số quyền nhất định với chứng khoán do tổ chức trung gian nắm giữ (Công ước chứng khoán) có hiệu lực từ ngày 1/4/2017 hiện có ba quốc gia thành viên là Thụy Sĩ, Mô-ri-xơ và Hoa Kỳ.
Công ước có lợi cho các tổ chức tài chính và đã được nội luật hóa vào trong pháp luật của một số quốc gia. Theo đó, pháp luật áp dụng được xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên trong hợp đồng tài khoản và nguyên tắc áp dụng pháp luật trong những trường hợp không có sự thỏa thuận của các bên. Việc áp dụng PRIMA (cách tiếp cận nơi của Cơ quan trung gian có liên quan) sẽ đảm bảo được tính chắc chắn và dự đoán trước được.
Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng nội dung Công ước khá phức tạp và cần nhiều thời gian để các quốc gia xem xét khả năng tham gia. Sự xuất hiện của công nghệ số, công nghệ sổ cái phân tán DLT – khiến cho Công ước cần được cập nhật với một số thay đổi, chẳng hạn:
- Định nghĩa về chứng khoán được nắm giữ bởi cơ quan trung gian cần phải đủ rộng để bao gồm các tài sản số (tài sản số nguyên thủy và các tài sản số phái sinh) các văn bản chứng quyền điện tử và tiền mã hóa.
Đối với tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương (CBDC)- Công ước khó có thể áp dụng đối với loại tài sản này do tính chất đặc thù của nó.
- Cần có cách nhìn mới với các nguyên tắc cơ bản – ghi nhận quyền lực của cơ quan quản lý và những hạn chế khi áp dụng nguyên tắc tự thỏa thuận của các bên.
- Cân nhắc về việc xác định nơi có tài sản theo lựa chọn hoặc giả định là nguyên tắc pháp luật áp dụng đối với một số tài sản số do bên trung gian nắm giữ và khả năng nắm giữ trực tiếp các tài sản số.
3. Về Bộ Quy tắc
Bộ Quy tắc năm 2015 về lựa chọn pháp luật trong hợp đồng thương mại quốc tế là văn kiện “luật mềm” đầu tiên của HCCH. Bộ Quy tắc đã đạt được thành công đáng khích lệ: được ghi nhận trong đạo luật của một số nước như Pa-ra-goay (2015), U-ru-goay (2020) và là mô hình lập pháp tại một số nước Chi-lê, Công-gô, In-đô-nê-xia, Ma-rốc, Mô-zăm-bích và các luật mềm như Bộ Nguyên tắc châu Á về tư pháp quốc tế, Bộ nguyên tắc châu Phi về tư pháp quốc tế thương mại quốc tế, Hướng dẫn của OAS (Tổ chức các quốc gia châu Mỹ) về pháp luật áp dụng với hợp đồng thương mại quốc tế, được sự đón nhận nhiệt liệt của Cộng đồng trọng tài quốc tế và giới học thuật.
Mặc dù vậy, tương lai HCCH có lẽ sẽ cần đến một nhóm công tác để hoàn thiện dự án Hợp đồng bằng việc xây dựng một văn kiện mới quy định về các hợp đồng không có điều khoản về chọn luật áp dụng, các hợp đồng phi thương mại có điều khoản về chọn luật áp dụng và cập nhật Bộ nguyên tắc để giải quyết các nhu cầu mới công nghiệp tài chính và số hóa, giải thích rõ giới hạn giữa hợp đồng thương mại và phi thương mại, quy định về thỏa thuận lựa chọn pháp luật với các vấn đề ngoài hợp đồng…
 Bộ Quy tắc còn hỗ trợ áp dụng các văn kiện quốc tế khác như Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Bộ Quy tắc cũng đưa ra phạm vi và giới hạn của nguyên tắc tự thỏa thuận của các bên, giới hạn với hợp đồng tiêu dùng và chuyển giao dữ liệu.
Bộ Quy tiến hành trực tuyến, trong nền kinh tế số, thương mại điện tử và thương mại số là vấn đề được bàn luận sôi nổi. Dù có nhiều ý kiến khác nhau, việc sử dụng nguyên tắc tự thỏa thuận, định đoạt của các đương sự nhận được nhiều sự ủng hộ, hứa hẹn sẽ là giải pháp phù hợp để xác định pháp luật áp dụng cho những mối quan hệ phát sinh trên môi trường mạng.
4. Về kinh tế số
Các thảo luận về kinh tế số gắn với các vấn đề của luật tư và tư pháp quốc tế có thể phát sinh.
Kinh tế số làm phát sinh những loại tài sản, phương thức kinh doanh, gọi vốn mới. Dữ liệu trở thành đối tượng của hợp đồng như một loại hàng hóa thiết yếu. Các phương thức giao dịch thông qua chuỗi khối, DLT và sử dụng các khóa số/ tài sản số (token), huy động vốn qua DAO trở nên ngày càng phổ biến. Các giao dịch trong và ngoài chuỗi khối ngày càng có liên hệ mật thiết.
Điều này cũng dẫn đến những thay đổi trong lĩnh vực pháp luật, không chỉ ở khía cạnh khái niệm, định nghĩa mà cả cách hiểu và áp dụng các quy định truyền thống với các mối quan hệ phát sinh trong môi trường số.
Một số ứng dụng khoa học công nghệ thậm chí có thể thay đổi cả vai trò của luật sư, các nhà làm luật và thẩm phán như Điện toán pháp lý (Computational Law) - sử dụng giải pháp công nghệ mã hóa các quy định pháp luật dưới dạng có thể tính toán được để tự động phân tích. Việc tống đạt giấy tờ cũng có thể thực hiện với cách thức hoàn toàn mới (thông qua việc chuyển các tài liệu của tòa án thành dạng NFT- token không thể thay thế và chuyển vào tài khoản ví điện tử của người nhận). Việc giải quyết tranh chấp không chỉ dừng lại ở giải quyết tranh chấp trực tuyến trong đó công nghệ chỉ là các công cụ hỗ trợ kết nối, liên lạc. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể sẽ được sử dụng để phân tích các vụ việc và đưa ra phán quyết cuối cùng. Bản thân hệ thống chuỗi khối cũng có cách thức giải quyết tranh chấp nội bộ trên cơ sở quyết định của đám đông mà không sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống. Kể cả việc thi hành án đối với các tài sản số là một việc tưởng chừng “bất khả thi” do tính ẩn danh của các giao dịch trên môi trường số cũng có thể thực hiện được nhờ các giải pháp công nghệ.
Những phát triển mới này mang đến cả cơ hội và thách thức cho các hệ thống pháp luật nói chung. Một mặt, những ứng dụng khoa học công nghệ có thể hỗ trợ quá trình giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp nhưng mặt khác có thể gây ra những rủi ro và hệ quả pháp lý không lường trước được. Việc áp dụng chính sách công và các quy định bắt buộc trong lĩnh vực thuế, kế toán, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… cần phải được cân nhắc thêm trong bối cảnh mới. Một số mô hình “sand box” (thử nghiệm pháp lý/ thí điểm) đã được các nhà lập pháp sử dụng để thử phản ứng của xã hội và các đối tượng chịu sự tác động với các quy định pháp luật mới trong lĩnh vực công nghệ.
Nền kinh tế số là một khái niệm cần cách tiếp cận toàn diện nhưng hiện nay thiếu một câu trả lời rõ ràng, do đó cần phải tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. Nhiều chuyên gia cho rằng không phải mọi vấn đề trong nền kinh tế số đều mới, những vấn đề tương tự cũng đã phát sinh khi mạng Internet ra đời, bởi vậy, nhiều khía cạnh vẫn có thể áp dụng các khuôn khổ của tư pháp quốc tế và luật tư. Vì vậy, nên đặt áp lực lên các quy định hiện hành nhiều nhất có thể để tìm hiểu mức độ phù hợp và khả năng có thể áp dụng các nguyên tắc truyền thống trong tình hình mới. Hơn nữa, cần sự chia sẻ kiến thức về công nghệ để các nhà lập pháp có thể hiểu nội dung của các công nghệ đó.
Tất cả các vấn đề tư pháp quốc tế (thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận và cho thi hành phán quyết của nước ngoài) đều có thể bị tác động, nhưng tác động nhiều nhất là vấn đề pháp luật áp dụng khi cần tìm ra yếu tố kết nối (hệ thuộc luật) phù hợp. Quyền tự thỏa thuận hay tự định đoạt của các bên có thể là giải pháp nhưng chúng ta cần tìm ra giới hạn của quyền này. Khi bàn đến quyền tự định đoạt của các bên, vấn đề lớn nhất là sự bất bình đẳng về quyền lực trong thương thảo hợp đồng. Đồng thời những vấn đề liên quan đến các khái niệm, định nghĩa cần được xem xét, có lẽ trước hết các hướng dẫn dưới khía cạnh luật tư là cần thiết trước khi có thêm nhiều vụ việc và các quy phạm pháp luật trong nước phát triển ở mức độ đủ để hài hòa hóa ở cấp độ quốc tế.
Tóm lại, nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ đã được nhận định với những tính chất phát triển, linh động, liên kết, thú vị, choáng ngợp với nhiều cơ hội rộng mở.
CODIFI đã thành công tốt đẹp, thu thập được nhiều ý kiến chuyên môn từ đông đảo thành phần tham gia, cung cấp nguồn tư liệu quý cho các tổ chức quốc tế, đặc biệt là HCCH trong xây dựng các dự án lập pháp tiếp theo trong lĩnh vực này.

Các bài trình bày thảo luận trong CODIFI đã được ghi lại và đăng tải trên kênh Youtube của HCCH tại địa chỉ https://www.youtube.com/c/HagueConference.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp
Vụ Pháp luật quốc tế
​​​