Đoàn kiểm tra liên ngành Tư pháp, Ngoại giao, Tòa án kiểm tra công tác tương trợ tư pháp về dân sự

Đoàn kiểm tra liên ngành Tư pháp, Ngoại giao, Tòa án kiểm tra công tác tương trợ tư pháp về dân sự

Thực hiện Kế hoạch số 666/KH-BTP ngày 08/3/2022 của Bộ Tư pháp về kiểm tra tình hình thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự năm 2022, trong các ngày 20-22 và 26-27/4/2022 Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao do bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn đã kiểm tra hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự tại Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Tây Ninh.
Thông qua kiểm tra các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương đánh giá được thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc về thể chế để đề xuất hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp, pháp luật tố tụng dân sự, thi hành án dân sự. Hoạt động kiểm tra có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Bộ Tư pháp chuẩn bị tổng kết Luật tương trợ tư pháp để triển khai Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó có nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và trong lĩnh vực dân sự.
 
 
 Nội dung kiểm tra tập trung vào việc: (i) tổ chức hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự; (ii) lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự đi nước ngoài; (iii) công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng tìm hiểu và giải đáp các vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật tương trợ tư pháp, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự.   
Kết quả kiểm tra thực tiễn cho thấy các tòa án đều có sự quan tâm, đầu tư cho công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp đi nước ngoài đã khắc phục được những thiếu sót, các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài đươc thực hiện khá tốt, có kết quả cao góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan. Tại các cơ quan thi hành án dân sự, tuy chưa có yêu cầu tương trợ tư pháp nhưng thực tế đã có những vụ việc thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài cần phải ủy thác tư pháp. Mặc dù vậy, các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu và phát hiện được những vướng mắc đối với việc giải quyết các vụ việc loại này.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp phục vụ giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, phát biểu kết luận kiểm tra, bà Phạm Hồ Hương đã kiến nghị các tòa án cử cán bộ đầu mối theo dõi công tác tương trợ tư pháp về dân sự, lập sổ theo dõi, cập nhật việc gửi và thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp. Đối với các cơ quan thi hành án dân sự, tìm hiểu các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp để sẵn sàng lập hồ sơ khi có phát sinh.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế
​​​