Vụ Pháp luật quốc tế là địa chỉ tin cậy khi có các vấn đề về pháp luật, tư pháp quốc tế

Vụ Pháp luật quốc tế là địa chỉ tin cậy khi có các vấn đề về pháp luật, tư pháp quốc tế

Chiều 10/1, Vụ Pháp luật Quốc tế (Vụ PLQT), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2022. Đồng chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Vụ trưởng Vụ PLQT Bạch Quốc An.

Theo Báo cáo, năm 2021, Vụ PLQT đã chủ động thực hiện hiệu quả chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện công tác pháp luật quốc tế; vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tính đến ngày 15/11/2021, Vụ PLQT đã chủ trì thẩm định 29 Điều ước Quốc tế (ĐƯQT); góp ý 184 ĐƯQT, thỏa thuận quốc tế, chất lượng thẩm định, góp ý được các Bộ, ngành, cơ quan đánh giá cao. Bên cạnh đó, Vụ cũng đã cấp 11 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài.

Về công tác đàm phán ĐƯQT, năm 2021, Vụ PLQT đã hoàn thiện và trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước đề xuất đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; kết thúc đàm phán vòng 2 và thống nhất được dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan.

Vụ PLQT cũng đã cử người tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương quan trọng: Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Israel…; cử công chức tham gia đàm phán các Hiệp định trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác ngoài khối; đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự với Nhật Bản.

Đối với việc gia nhập, thực hiện các ĐƯQT đa phương, Vụ PLQT tập trung triển khai Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thông tin về các quốc gia chấp nhận việc gia nhập Công ước của Việt Nam và hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự thường xuyên được Vụ PLQT thông báo cho các Bộ, ngành có liên quan và cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp tại địa phương.

Vụ PLQT còn tham gia xây dựng thể chế pháp lý đa phương trong khuôn khổ Ủy ban Liên hợp quốc tế Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL); tiếp tục thực hiện tốt công tác ủy thác tư pháp dân sự. Tính đến hết tháng 10/2021, tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp (UTTP) của Việt Nam gửi cho nước ngoài 1.468 yêu cầu, trong đó có 93 yêu cầu được gửi đến những nước chưa có ĐƯQT về tương trợ tư pháp với Việt Nam; 933 yêu cầu thực hiện theo kênh Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

Thực hiện nhiệm vụ Cơ quan trung ương của Việt Nam, tháng 3/2021, Vụ PLQT đã cử đại diện tham dự Phiên hợp hội đồng các vấn đề chung và chính sách; cho ý kiến về việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) của En-san-va-do; trả lời câu hỏi của HCCH về sở hữu trí tuệ, lựa chọn tòa án phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng các văn kiện, tài liệu hướng dẫn của HCCH và đánh giá giữa kỳ hoạt động của Tổng thư ký HCCH…

Ngoài ra, Vụ PLQT còn thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ; chủ trì, tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Vụ PLQT còn chủ động tham gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các hoạt động trong lĩnh vực công pháp quốc tế và nhân quyền, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế…

Trong năm 2022, Vụ PLQT tập trung hoàn thiện lĩnh vực pháp luật quốc tế thuộc nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; thực hiện nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định cấp ý kiến pháp lý; tổng kết 15 năm thu hành Luật Tương trợ tư pháp phục vụ đề xuất sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp; hoàn thành các thủ tục cho việc ký Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với Vương quốc Thái Lan và tổ chức đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước ta và Lào…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận những kết quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Vụ PLQT đã đạt được.

Để đảm bảo việc thực hiện tốt những nhiệm vụ nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành Tư pháp năm 2022, Thứ trưởng đề nghị tập thể Vụ Pháp luật quốc tế cần Vụ cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng của Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến công tác pháp luật quốc tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh đất nước chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu, rộng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Ban cán sự đảng Bộ về định hướng lớn đối với công tác pháp luật quốc tế trong thời gian tới thông qua việc cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể của Vụ trong Kế hoạch công tác năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tập thể Vụ, Lãnh đạo Vụ cần chủ động xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn được chỉ ra tại Hội nghị này, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội, lợi thế để khẳng định vị trí, vai trò không thể thay đổi của Vụ Pháp luật quốc tế là địa chỉ tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương khi có các vấn đề về pháp luật quốc tế, tư pháp quốc tế.

Tập trung phối hợp tốt với Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy và nhân sự của Vụ trong bối cảnh Bộ đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và thực hiện Đề án thành lập đơn vị chuyên trách về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Vân Thanh
​​​