Ngày 19/04/2022, Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam tổ chức Hội thảo thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg về tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR)- kinh nghiệm và giải pháp tại Thành phố Đà Nẵng. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tham dự và phát biểu khai mạc.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, với sự tham gia đông đảo của 173 quốc gia thành viên (tính đến ngày 15/4/2022).
Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc vào năm 1977. Việt Nam gia nhập Công ước ICCPR vào năm 1982 và kể từ khi gia nhập cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng, nộp các Báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001 và 2017. Sau Phiên Đối thoại với Ủy ban Nhân quyền về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước lần thứ ba năm 2019, Việt Nam đã nhận được các khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế nêu trong Công ước ICCPR, Việt Nam luôn chú trọng triển khai Công ước gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, dân chủ hóa đời sống chính trị và dân sự. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định số 1252/QĐ-TTg). Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Kế hoạch cấp quốc gia riêng liên quan đến Công ước ICCPR.
Quyết định số 1252/QĐ-TTg không chỉ xác định rất rõ các nhiệm vụ, giải pháp (bao gồm (1) Tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR; (2) Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về dân sự và chính trị; (3) Tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục và đào tạo; và (4) Các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Công ước ICCPR và Khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc); mà còn xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành; kết quả dự kiến cũng như lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1252/QĐ-TTg sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi hiệu quả các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền trên thực tế; cải thiện và tạo ra sự thay đổi tích cực trong quá trình tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người.
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo
Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định số 1252/QĐ-TTg vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như nguồn lực hạn chế, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương... Do vậy, để chuẩn bị cho giai đoạn báo cáo tiếp theo vào năm 2023, Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; triển khai chính sách, pháp luật cũng như thu thập thông tin, phân tách số liệu theo đúng yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần chủ động trong quá trình triển khai các cam kết tại các Công ước quốc tế về quyền con người, cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành được giao phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg, nhất là với các nhiệm vụ có nhiều bộ, ngành phối hợp thực hiện, bao gồm phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, dẫn dắt của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, giảng viên giảng dạy quyền con người. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục để giúp cho mọi người hiểu biết và nâng cao nhận thức về quyền con người và các quyền dân sự và chính trị./.
- Phòng Công pháp và Nhân quyền quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế -