Việt Nam – Lào: Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp về dân sự

Việt Nam – Lào: Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp về dân sự

Thực hiện Quyết định số 1917/QĐ-BTP ngày 28/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào (Hiệp định), Luật Điều ước quốc tế năm 2006, sáng 29/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì buổi họp Hội đồng thẩm định dự thảo Hiệp định.
Trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam – Lào đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn. Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm Kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2022) và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977- 18/7/2022). Việc ký kết Hiệp định trong thời điểm này có ý nghĩa sâu sắc để đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.
Trong lĩnh vực TTTP, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự và hình sự vào ngày 6/7/1998 (Hiệp định năm 1998) và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù (có hiệu lực ngày 16/7/2021). Trước bối cảnh kinh tế, xã hội cũng như pháp luật có nhiều thay đổi, hai Bên đã ký Hiệp định TTTP trong lĩnh vực hình sự (có hiệu lực tngày 18/2/2021) thay thế các quy định TTTP về hình sự tại Hiệp định năm 1998. Bộ Công an cũng đã hoàn thành các thủ tục trong nước để chuẩn bị đàm phán Hiệp định dẫn độ thay thế quy định tương ứng tại Hiệp định năm 1998. Việc ký Hiệp định để hiện đại hoá cơ sở pháp lý cho hợp tác TTTP về dân sự giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai nước và bổ sung các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để hai Bên thực hiện tốt công tác TTTP.
Bên cạnh đó, Hiệp định được ký sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực hợp tác tư pháp và pháp luật giữa hai quốc gia, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Hiệp định gồm 7 chương và 37 điều, quy định thủ tục hợp tác TTTP về dân sự một cách rõ ràng, cụ thể, chuẩn hoá hồ sơ, thời hạn, thiết lập cơ chế theo dõi, đôn đốc, qua đó thúc đẩy hiệu quả thực hiện các yêu cầu TTTP của cả hai bên.
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng đã xem xét, đánh giá dự thảo Hiệp định, tập trung vào những nội dung thẩm định theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Các thành viên đều thống nhất nhận định dự thảo Hiệp định không trái Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, tương thích với các điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên, các quy định của dự thảo Hiệp định đủ rõ, đủ chi tiết để có thể áp dụng trực tiếp, không cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới để thực hiện, dự thảo Hiệp định hoàn toàn đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền cho phép ký.
Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc-Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự chuẩn bị về nội dung hồ sơ, tài liệu của Vụ Pháp luật quốc tế - đơn vị đề xuất thẩm định, đồng thời yêu cầu làm sâu sắc hơn một số nội dung dự thảo Tờ trình. Thứ trưởng đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ, toàn diện kế hoạch thực hiện Hiệp định để nhanh chóng triển khai, tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho hợp tác TTTP về dân sự giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Lào phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hai nước.
P.Mai
 
​​​