Hội thảo tham vấn Báo cáo quốc gia lần thứ tư việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (dự thảo 1).

Hội thảo tham vấn Báo cáo quốc gia lần thứ tư việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (dự thảo 1).

Trên cơ sở triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch Tăng cường thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 10/10/2022, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo tham vấn Báo cáo quốc gia lần thứ tư việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (dự thảo 1).
Quyền dân sự, chính trị là những nhóm quyền cơ bản của con người. Đây cũng là nhóm quyền mà Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt từ bạn bè quốc tế và nhiều khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Việt Nam là thành viên của Công ước ICCPR từ năm 1982 và kể từ khi gia nhập cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng, nộp các Báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001 và 2017. Vào năm 2023 tới đây, Báo cáo lần thứ tư dự kiến sẽ được đệ trình Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Vì thế, để có được cái nhìn tổng quan về tình hình thực hiện và những đóng góp, ý kiến hoàn thiện dự thảo 1 Báo cáo quốc gia lần thứ tư việc thực thi Công ước ICCPR, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo quốc gia lần thứ tư việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (dự thảo 1).
 
Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ Nhân quyền Chính phủ; Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư tỉnh Uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lai Châu chủ trì hội thảo tham vấn. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có sự tham dự của Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu; và Đại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu và đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
 
             
 
Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc; Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Đồng chí Trần Tiến Dũng chủ trì, phát biểu tại Hội thảo tham vấn
 
So với Báo cáo lần thứ ba, việc tập hợp cũng như lựa chọn thông tin, chất liệu để đưa vào Báo cáo lần thứ tư phản ánh được nỗ lực, tiến bộ mới của Việt Nam là thử thách rất lớn. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các đại diện của các cơ quan Trung ương và địa phương ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hình sự, tư pháp, kiểm sát, truyền thông, dân tộc thiểu số,… để cập nhật, hoàn thiện dự thảo Báo cáo quốc gia, trình Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc.
 
Hội thảo tham vấn thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu ở trung ương và địa phương
 
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg, đại diện Bộ, ngành, cơ quan trung ương như Bộ Công an, Bộ thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan địa phương như Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã báo cáo kết quả thực thi Công ước ICCPR trong thời gian qua. Cùng với đó, trên cơ sở kết quả, số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, các chuyên gia độc lập như TS. Nguyễn Toàn Thắng – Viện trưởng Viện Luật So sánh, Đại học Luật Hà Nội, các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn đã làm việc nghiêm túc, thảo luận tích cực đưa ra ý kiến, góp ý để báo cáo dự thảo 1 Công ước ICCPR được hoàn thiện hơn.
 

Tiếp theo Hội thảo tham vấn dự thảo 1 Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước ICCPR lần thứ tư, trong các ngày 11 và 12/10/2022, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tập huấn Công ước ICCPR và Hội thảo góp ý Báo cáo nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em, quyền kết hôn và lập gia đình của Công ước ICCPR. Đây là các hoạt động nằm trong chuỗi hội nghị, hội thảo, tập huấn kéo dài trong 03 ngày, từ 10-12/10/2022 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Các hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ (EU JULE), phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP)./.
 
Phòng Công pháp và Nhân quyền quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế. 
​​​