Đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Thái Lan

Đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Thái Lan

Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước tại Quyết định số 1174/QĐ-CTN ngày 14/7/2020, trong 03 ngày từ 21 đến 23/12/2020, Đoàn đàm phán liên ngành của Chính phủ Việt Nam do ông Bạch Quốc An – Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn cùng đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan (sau đây gọi tắt là Hiệp định). Đoàn đàm phán Vương quốc Thái Lan do ông Supakit Yampracha, Phó Chánh Văn phòng tư pháp, Vương quốc Thái Lan làm trưởng đoàn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, việc đàm phán được thực hiện trực tuyến.
Với lợi thế địa lý và lịch sử hợp tác lâu dài, Việt Nam và Thái Lan đã trở thành hai nước ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 6/2013. Về quan hệ kinh tế, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước trong những năm gần đây tăng trưởng tốt, năm 2019 đạt đạt 16,9 tỷ USD. Về du lịch, số lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam nằm trong nhóm 8 nước dẫn đầu, theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, ngược lại số lượng khách du lịch Việt Nam tới Thái Lan cũng xếp thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN. Để tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, hai bên đã ký kết nhiều Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác về thương mại; sở hữu trí tuệ; tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập; miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông; Bản ghi nhớ về hợp tác Lao động và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động.
Trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, đặc biệt, giao lưu thương mại và dân sự giữa các cá nhân, tổ chức của hai bên được dự báo tăng mạnh, việc ký Hiệp định giữa hai nước là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước xử lý các vấn đề pháp lý có khả năng phát sinh trong quan hệ dân sự, thương mại giữa cá nhân, tổ chức của hai Bên, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Trên tinh thần đó, Vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định đã diễn ra với tinh thần hợp tác thiện chí, thẳng thắn, trách nhiệm.  Hai Đoàn đàm phán trao đổi, thảo luận từng điều khoản trên bản dự thảo Hiệp định phía Việt Nam đề xuất và đi sâu tìm hiểu pháp luật mỗi nước để thống nhất các quy định, đảm bảo phù hợp với pháp luật, tương thích với điều ước và thông lệ quốc tế, thuận tiện cho việc áp dụng sau khi Hiệp định được ký và có hiệu lực.
Kết thúc Vòng đàm phán thứ nhất, hai Bên đã thống nhất các nội dung cơ bản của tương trợ tư pháp dân sự là tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, trao đổi thông tin pháp luật, giấy tờ về hộ tịch, riêng nội dung công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án do pháp luật hai nước còn nhiều khác biệt, hai Bên thống nhất sẽ báo cáo lại cấp có thẩm quyền trong nước để tiếp tục trao đổi tại Vòng đàm phán thứ hai.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế    
​​​