Tọa đàm về xây dựng cơ sở dữ liệu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Tọa đàm về xây dựng cơ sở dữ liệu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Trong khuôn khổ hoạt động Phi dự án “Hỗ trợ thực thi các tiêu chuẩn trọng tài và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh công bằng tại Việt Nam” do Quỹ Thinh vượng Vương quốc Anh tài trợ thông qua Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), sáng 11/9, tại Hà Nội, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo đề xuất xây dựng Cơ sở dữ liệu về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài (sau đây gọi tắt là Báo cáo).
Việc công nhận và cho thi hành (CN&CTH) bản án, quyết định của tòa án nước ngoài (TANN) và phán quyết của trọng tài nước ngoài (TTNN) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, công CN&CTH một quyết định của cơ quan tài phán là một giai đoạn cuối cùng quan trọng nhất của quá trình tố tụng. Quyết định CN&CTH hoặc không công nhận của Tòa án quốc gia nơi được yêu cầu chính là quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của các đương sự, đến thành công hay bất bại của cả quá trình tố tụng.
Các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (HĐTTTP) Việt Nam ký kết với các nước từ những năm đầu của thập kỷ 80 đã có quy định về công nhận lẫn nhau các bản án, quyết định của cơ quan tư pháp.  Đặc biệt, kể từ sau khi gia nhập Công ước Niu-ước năm 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài (Công ước Niu-ước) năm 1995, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tố tụng dân sự. Việc ban hành quy định về thủ tục CN&CTH tại Việt Nam bản án, quyết định của Toà án nước ngoài (TANN), quyết định của Trọng tài nước ngoài (TTNN) đã góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giải quyết các vụ việc nhanh chóng, công minh, đúng pháp luật.
Thực hiện các cam kết quốc tế và quy định pháp luật trong nước, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xem xét, giải quyết nhiều yêu cầu CN&CTH tại Việt Nam bản án, quyết định của TANN, phán quyết của TTNN. Tuy nhiên, việc thống kê kết quả xét đơn yêu cầu chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thực hiện nên thực tế để tìm kiếm số liệu về lĩnh vực này là vấn đề bất khả thi hiện nay.
Do vậy, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu (CSDL) không chỉ hỗ trợ cho Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về thực thi New York, cơ quan trung ương của Việt Nam trong thực thi các HĐTTTP, mà còn cung cấp nguồn số liệu chính xác phục vụ công tác tổng kết đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này tại Việt Nam và hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tham dự Tọa đàm đại biểu đến từ viện kiểm sát nhân dân, trung tâm trọng tài, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn luật sư Hà Nội và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học đều đánh giá cao việc nghiên cứu và xây dựng CSDL. Nội dung dự thảo Báo cáo và CSDL nếu được xây dựng có ý nghĩa không chỉ về mặt thống kê mà còn là một bước đột phá trong minh bạch hóa công tác này ở Việt Nam, là tiền đề để các cơ quan liên quan nhận diện tổng thể về công tác CN&CTH tại Việt Nam bản án, quyết định của TANN, phán quyết của TTNN, qua đó có định hướng và biện pháp cụ thể nhằm phát huy các nhân tố tích cực, khắc phục những hạn chế trong công tác này. Đồng thời, đây cũng sẽ là cơ sở để Việt Nam có những cải cách toàn diện hơn nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài nói chung và CN&CTH tại Việt Nam bản án, quyết định của TANN, phán quyết của TTNN nói riêng, từ đó nâng cao chỉ số tin cậy, an toàn và hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm công bố CSDL để không chỉ tòa án, trọng tài, luật sư, các cơ quan nhà nước có liên quan mà các doanh nghiệp, người dân đều có thể truy cập, khai thác thông tin và yêu cầu Bộ Tư pháp, tòa án thiết lập cơ chế cung cấp thông tin ổn định, thường xuyên  để CSDL có đầy đủ số liệu, được cập nhật liên tục; bổ sung các trường thông tin để người khai thác nắm rõ hơn về vụ việc cũng như nội dung đã được tòa án Việt Nam giải quyết; xây dựng mô hình công bố, cho phép tiếp cận các thông tin trong CSDL.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật quốc tế bày tỏ sự cảm ơn đối với nhà tài trợ, ý kiến của các đại biểu. Bà Hương cho biết dù công tác thu thập số liệu, thông tin về các quyết định của tòa án Việt nam xét đơn yêu cầu CN&CTH bản án, quyết định của TANN, phán quyết TTNN còn nhiều khó khăn, cần sự hợp tác tích cực từ Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân cấp tỉnh nhưng để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác CN&CTH, hỗ trợ cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng và minh bạch, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp sẽ nỗ lực hoàn thiện và công bố CSDL trong năm 2020.
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế.
​​​