Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài bằng giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài bằng giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước đi tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với những dấu mốc quan trọng là việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA); gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, trong đó nổi bật nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (IPA).
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng phát triển nhanh chóng. Tính lũy kế đến ngày 20/5/2020, cả nước có 32.025 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 376,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 218,48 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,31 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,45 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...Nếu xét theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (325 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (176 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (133 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (113 dự án);…[1]. Đầu tư nước ngoài phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô vốn đã đem lại nhiều thành tựu cho đất nước, do vậy cùng với việc duy trì và phát triển thì việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế trước bối cảnh hội nhập ngày càng được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm.
Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng, hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư nước ngoài quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/7/2020 nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài (Chỉ thị số 27).
Tại Chỉ thị số 27, bên cạnh việc đánh giá khái quát công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương công việc cụ thể, trong đó tập trung vào các biện pháp sau:
Một là, rà soát và đánh giá công tác đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư theo chức năng quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành; rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế về đầu tư; rà soát quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, các văn bản hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
Hai là, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo luật định.
Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư nước ngoài.
Bốn là, nghiên cứu, thiết lập và phát huy hiệu quả của các cơ chế lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài; phối hợp trong rà soát, cảnh báo nguy cơ phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế; tiếp nhận các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài và phối hợp trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực về pháp luật thương mại, đầu tư quốc tế và phòng ngừa, giải quyết tranh chấp quốc tế cho cán bộ Bộ, ngành, địa phương; bổ sung chế độ, chính sách hợp lý cho các công chức trực tiếp tham gia công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Sáu là, tập hợp các thông tin về nhà đầu tư nước ngoài, cam kết đầu tư, vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài và các sai phạm của nhà đầu tư nước ngoài.
Chỉ thị 27 được ban hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quản lý đầu tư nước ngoài đang gặp một số khó khăn trên thực tế như công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế; năng lực quản lý đầu tư nước ngoài ở các địa phương còn chưa đồng đều; thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư còn gặp nhiều lúng túng; công tác thi hành pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm còn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại, đầu tư thế hệ mới cho phép nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ liên quan đến hoạt động đầu tư của mình. 
​​​