Đề xuất giải pháp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

Đề xuất giải pháp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

 

Đề xuất giải pháp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự                                                                 

Sau hơn 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 15/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp (Thông tư  số 15), đến nay công tác thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện Thông tư số 15 cũng cho thấy còn có những quy định bất cập, chưa phù hợp với thực tế, trong đó đáng lưu ý là việc tống đạt giấy tờ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Quy trình này qua nhiều khâu và mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng trong nước. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể về cơ chế thu nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp cũng là một khó khăn, bất cập làm hạn chế hiệu quả thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài.

1.Về quy trình thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài

Theo số liệu thống kê hàng năm, số lượng UTTP cho công dân Việt Nam ở nước ngoài là tương đối lớn, chiếm tỷ lệ từ 30 - 50% trong tổng số hồ sơ UTTP mà các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi ra nước ngoài. Cụ thể từ 01/7/2008 đến năm 2014 là:

TT

Năm

Tổng số hồ sơ cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị phía nước ngoài

thực hiện

Tổng số hồ sơ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị phía Việt Nam

thực hiện

1

2008 (6 tháng cuối năm)

1146

605

2

2009

2624

740

3

2010

1424

232

4

2011

2501

734

5

2012

2518

620

6

2013

3146

912

7

2014

3360

825

Theo quy định của Luật tương trợ tư pháp và Thông tư số 15 thì quy trình gửi hồ sơ UTTP cho công dân Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện như sau: Tòa án/Cục Thi hành án dân sự địa phương → Bộ Tư pháp → Bộ Ngoại giao → Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để gửi cho công dân Việt Nam (trong trường hợp không tống đạt được cho đương sự thì niêm yết). Khi có kết quả thì quy trình ngược lại.

Với quy trình thực hiện như trên, có thể nhận thấy việc thực hiện UTTP đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài đang được thực hiện như quy trình thực hiện đối với công dân nước ngoài ở nước sở tại. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) thì thời gian thụ lý của một vụ án cho tới lúc mở phiên tòa để Tòa án xét xử là 8 tháng, BLTTDS không có quy định riêng về thời gian tố tụng đối với người Việt Nam đang ở Việt Nam hay người Việt Nam đang ở nước ngoài. Tuy nhiên, với quy trình UTTP như trên phải qua nhiều khâu và mất nhiều thời gian (khoảng 1 năm) đã làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện tố tụng tại Tòa án. Trong khí đó, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật tương trợ tư pháp thì:

“1. Ủy thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp”.

Như vậy, việc tống đạt hồ sơ và lấy lời khai từ các cơ quan tố tụng Việt Nam đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài không được coi là hoạt động tương trợ tư pháp và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tương trợ tư pháp.

Mặt khác, khoản 1 Điều 22 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “Tòa án có trách nhiệm chuyển giao trực tiếp hoặc qua bưu điện bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án liên quan đến người tham gia tố tụng dân sự”. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 13 Điều 8 Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ “…chuyển giao, tống đạt hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của tòa án hoặc cơ quan tiến hành tố tụng khác có thẩm quyền của Việt Nam cho công dân Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc gia tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên”. Như vậy, việc Tòa án có thể tống đạt trực tiếp hồ sơ cho công dân Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài hoặc gửi qua cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài mà không thông qua Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Việc Tòa án tống đạt trực tiếp như vậy sẽ đơn giản hóa khâu trung gian chuyển hồ sơ, giúp tiết kiệm chi phí, nhân lực cũng như thời gian thực hiện.

Quy trình này cũng phù hợp với quy định của Bộ luật TTDS và Luật tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, các Hiệp định TTTP về dân sự mà Việt Nam đã ký kết cũng như Công ước LaHay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp và ngoài tư pháp cũng không hạn chế việc tống đạt trực tiếp công dân của mình trên lãnh thổ của nước bên kia. Theo đó, việc tống đạt qua đường ngoại giao hoặc lãnh sự mà không áp dụng biện pháp cưỡng chế là phù hợp với pháp luật các nước ký kết. 

Quy định của Công ước LaHay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp (Công ước LaHay) cho phép kênh tống đạt thay thế kênh tống đạt chính gồm: tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự; tống đạt cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự, tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài qua đường bưu điện, các kênh tống đạt khác mà các nước thành viên chấp nhận.

Vì vậy, để có cơ sở pháp lý hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện tống đạt giấy tờ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, cần sửa đổi Thông tư 15 liên quan đến nội dung về tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

2. Về việc thu chi phí UTTP về dân sự

Theo quy định tại Điều 16 Luật TTTP và Điều 2, 3, 4 của Nghị định 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTP giao “Bộ Tài chính quy định cụ thể về mức phí; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự.”

Ngày 11/2/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện ủy thác về dân sự (Thông tư 18). Theo đó, Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 18 đã quy định rõ “Phí thực hiện ủy thác tư pháp không bao gồm các chi phí khác như: Chi phí giám định, phí công chứng, bưu điện. Các chi phí này sẽ do người yêu cầu ủy thác tư pháp thanh toán theo thực tế phát sinh và theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia nhận ủy thác tư pháp về dân sự”. Tuy nhiên, Thông tư 18 không có hướng dẫn chi tiết về các chi phí khác này.

Tổng kết việc thực hiện UTTP ra nước ngoài cho thấy, một trong những nguyên nhân chính mà UTTP ra nước ngoài không có kết quả là do một số nước có quy định trả phí thực hiện UTTP (Ví dụ: Hoa Kỳ yêu cầu 96 USD/hồ sơ, Úc yêu cầu từ 55-60 AUD/hồ sơ). Do không có phí chi trả nên đương nhiên các yêu cầu của Việt Nam đã không được phía nước ngoài thực hiện, hệ quả tất yếu khi không nhận được kết quả UTTP thì nhiều vụ án dân sự phải tạm đình chỉ hoặc kéo dài thời gian giải quyết, đã gây bức xúc cho người dân và khó khăn cho công tác xét xử của Tòa án. Hoặc trên thực tế, phía nước ngoài thực hiện yêu cầu của phía Việt Nam nhưng khi trả kết quả có kèm yêu cầu thanh toán, theo đó, phía Việt Nam chưa thanh toán chi phí đó thì phía nước ngoài có thể sẽ không thực hiện trong tương lai.

Việc ban hành Thông tư 18 mới chỉ đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc đương sự phải chịu phí UTTP mà chưa giải quyết được khó khăn nêu trên. Bởi lẽ. Thông tư 18 mới chỉ quy định về mức phí và chế độ thu nộp mà chưa quy định các vấn đề liên quan đến chi phí thực tế phát sinh từ UTTP, vấn đề bất cập chính hiện nay. Do vậy, việc bổ sung nội dung này vào Thông tư 15 sửa đổi là cần thiết trong công tác UTTP về dân sự./.