1. Khảo sát thực tế tại các trại giam của Cộng hòa Séc
Với dân số trên 10,5 triệu người, nước này hiện có
35 trại giam đang giam giữ khoảng trên 16.000 phạm nhân với khoảng 1000 phạm
nhân là người nước ngoài. Trong đó, phạm nhân là người Việt Nam gồm 225 người
(213 nam và 12 nữ); số phạm nhân là người Việt Nam đa số do phạm tội về ma túy
với mức án tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 13 năm. Bên cạnh đó, tại Cộng hòa
Séc hiện có 234 người Việt Nam (213 nam và 21 nữ) đang bị tạm giam hình sự chờ
điều tra, xét xử. Như vậy, tổng số người Việt Nam là phạm nhân và bị tạm giam
chờ xét xử là 459 người. Theo đánh giá của phía Séc, số lượng người Việt Nam
phạm tội (bị kết án phạt tù và đang chờ xét xử) chiếm tỷ lệ khá cao.
+ Trại giam Horni Slavkov là trại giam loại 2 của
Cộng hòa Séc (là trại giam có canh gác); trại giam này giam giữ 721 phạm nhân,
gồm 66 phạm nhân là người nước ngoài,
trong đó có 32 người Việt Nam. Những phạm nhân là người Việt Nam hầu hết đều
phạm tội về ma túy; 18 người đang có việc làm trong trại giam (mức lương khoảng
250 USD/tháng) và 23/32 người sau khi thi hành xong án phạt tù sẽ bị trục xuất
về Việt Nam. Phạm nhân là người Việt Nam trong các trại giam của Cộng hòa Séc
được đào tạo tiếng Séc, làm việc với máy tính, hoạt động ngoại khóa.
+ Trại giam Kynsperk nad Ohri là trại giam loại 3
(có hàng rào thép gai tự động báo động khi có phạm nhân bỏ trốn. Chỉ có cán bộ
theo dõi mà không có người canh gác). Trại giam này có 88 phạm nhân trong đó có
40 phạm nhân là người Việt Nam (29 người phạm tội về ma túy).
Nhìn chung, số phạm nhân là người Việt Nam ở 02 trại
giam trên đều có sức khỏe tốt; được cán bộ trại giam đánh giá là có thái độ
tốt, một số phạm nhân bị kết án phạt tù cao 8 ,9 hoặc 10 năm đều bày tỏ nguyện
vọng được tự nguyện trở về Việt Nam để tiếp tục chấp hành phần còn lại của hình
phạt tù vì họ bị giam giữ lâu, ít được thăm thân, không có điều kiện liên lạc
với gia đình.
2.
Về sự cần thiết ký kết Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa
CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc
Việt Nam và Cộng hòa Séc có mối quan hệ hữu nghị
truyền thống và không ngừng được củng cố, phát triển. Hiện nay, cộng đồng người
Việt đã được công nhận là dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc có khoảng 65.000
người, trong đó đa số có cuộc sống, công việc ổn định và chấp hành nghiêm chỉnh
pháp luật nước sở tại. Cộng hòa Séc luôn quan tâm giúp đỡ cộng đồng người Việt
và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt ổn định cư trú,
làm ăn và học tập tại đây.
Việc ký
kết Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù với Cộng hòa Séc là bước phát
triển quan trọng, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện giải quyết cho công dân nước
này đang chấp hành hình phạt tù ở nước kia được về nước mà mình mang quốc tịch
tiếp tục chấp hành bản án để có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng thành công sau
khi chấp hành xong hình phạt, qua đó thể hiện thiện chí, chính sách nhân đạo,
trách nhiệm của hai Nhà nước; góp phần tạo cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm các
quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc, tăng cường
mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của hai nước. Đồng thời, khẳng
định rõ quyết tâm của Nhà nước ta trong giải quyết các trường hợp người Việt
Nam phạm tội bị kết án phạt tù ở Cộng hòa Séc làm ảnh hưởng xấu đển hình ảnh
người Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an với tư cách là cơ quan chủ trì
đàm phán đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành: Văn phòng chủ tịch nước,
Văn phòng Chính phủ, Ngoại giao, Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao để ký kết Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù
giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc trong thời gian gần nhất.