Hội nghị La Hay- cái nôi của nền tư pháp quốc tế: Việt Nam được chính thức công nhận là quốc gia thành viên từ ngày 10/4/2013

Hội nghị La Hay- cái nôi của nền tư pháp quốc tế: Việt Nam được chính thức công nhận là quốc gia thành viên từ ngày 10/4/2013

Hôm nay 10/4/2013, tại La Hay, thủ đô hành chính của Vương quốc Hà Lan, trong Phiên thứ 5 của cuộc họp toàn thể các nước thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, được sự ủy quyền của  Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nộp Văn kiện chấp nhận Quy chế của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Ngay lập tức sau đó, cũng tại Phiên họp toàn thể này, đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan, nước nhận lưu chiểu Văn kiện phê chuẩn của Việt Nam đã trao Văn bản thông báo Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên đầy đủ của Tổ chức quốc tế này kể từ ngày hôm nay, 10/4/2013. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức uy tín bậc nhất về tư pháp quốc tế này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập tư pháp quốc tế nói riêng của Việt Nam.
Bài viết này điểm lại những dấu mốc lớn trong quá trình Việt Nam tiếp cận và gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế cũng như khái quát những nghĩa vụ cơ bản của chúng ta khi tham gia vào nền khoa học tư pháp quốc tế của toàn cầu.

 Kể từ năm 1993, Việt Nam đã có những hoạt động ban đầu trong khuôn khổ Hội nghị La Hay (đại diện Bộ Ngoại giao đã tham gia Khoá họp thứ 17 Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế để pháp điển hóa thực tiễn quốc tế về nuôi con nuôi). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Việt Nam chưa có chủ trương rõ ràng về việc nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ động tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác quốc tế sang mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tiến hành về cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, quá trình tiếp cận của Việt Nam với Hội nghị La Hay được đẩy mạnh với những hoạt động ngày càng toàn diện, tổng thể, trong đó phải kể đến những hoạt động như: tham gia các Nhóm công tác đặc biệt của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế để soạn thảo Công ước về cấp dưỡng nuôi con và cấp dưỡng gia đình tại La Hay, Hà Lan; gia nhập Công ước La Hay ngày 29/5/1993 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế; tham gia Hội nghị quốc tế khu vực về tư pháp quốc tế do Hội nghị La Hay tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về tư pháp quốc tế tại Việt Nam nhằm tìm hiểu thêm về cơ chế tương trợ tư pháp đa phương trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành đến thăm và làm việc với cơ quan thường trực của Hội nghị La Hay, một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Hà Lan nhằm trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm và nghiên cứu khả năng Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

Một điểm nhấn quan trọng trong tiến trình gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là vào năm 2008, thực hiện sáng kiến “Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong ASEAN” đã được Hội nghị Bộ trưởng pháp luật ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội (năm 2005) thông qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ 4 về tăng cường công tác tương trợ tư pháp với sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các chuyên gia pháp luật cao cấp đến từ Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế và một số nước thành viên của Hội nghị này như Úc, Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông... Nội dung chính của Diễn đàn này tâp trung vào việc đánh giá Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các Công ước của Hội nghị, những khả năng hợp tác của các nước ASEAN với Hội nghị La Hay và gia nhập các Công ước của Hội nghị. 

Với việc chủ trì tổ chức Diễn đàn Pháp luật lần này, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực của mình trong việc thúc đẩy hợp tác về tương trợ tư pháp trong khu vực ASEAN, đồng thời đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác về tư pháp quốc tế giữa ASEAN nói chung và giữa Việt Nam nói riêng với Hội nghị La Hay.

Trên cơ sở kết quả thành công của Diễn đàn pháp luật các nước ASEAN lần thứ tư tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng Đề án về khả năng Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Đề án nghiên cứu khả năng Việt Nam gia nhập Tổ chức này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2012, trong đó phân tích rõ về sự cần thiết Việt Nam gia nhập thiết chế này trong bối cảnh hiện nay.

 

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thừa ủy quyền Chính phủ Việt Nam ký và trình văn bản xin gia nhập  tổ chức này tại La Hay, Thủ đô hành chính của Hà Lan vào ngày 28 tháng 09 năm 2012. Sau khi Việt Nam nộp văn bản xin gia nhập Hội nghị, các Quốc gia thành viên của Hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu thông qua tư cách thành viên của Việt Nam. Theo thông báo của Ban thường trực của Hội nghị La Hay thì đúng 6 tháng sau này nộp Đơn xin gia nhập (28/3/2013), Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các nước thành viên của Hội nghị La Hay - điều chưa từng xảy ra trong 120 năm thành lập và phát triển của thiết chế này. Theo thông báo của Tổng thư ký Tổ chức này, Việt Nam đã phá kỷ lục về số lượng các nước thành viên ủng hộ nước ta gia nhập.

Phát biểu nhân dịp Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã bày tỏ lời cảm ơn các nước thành viên của Hội nghị đã ủng hộ Việt Nam và đặc biệt bày tỏ sự cám ơn chân thành đến Ban Thường trực Hội nghị, Ông Tổng Thư ký Hội nghị Hans Van Loon, ông phó Tổng thư ký Hội nghị Christophe Benasconi đã tích cực hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các thủ tục xin gia nhập. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng thông báo về việc Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổng thể để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay, trong đó xác định một lộ trình nghiên cứu gia nhập các Công ước của Hội nghị. Cũng tại Hội nghị này, Trưởng Đoàn Việt Nam đã trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án gia nhập Công ước về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hóa giấy tờ tài liệu công vụ (Công ước Aposttile ngày 05/10/1961). Thứ trưởng Hoàng Thế Liên bày tỏ mong muốn các nước thành viên Hội nghị và các cơ quan của Hội nghị sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tích cực tiến hành các thủ tục để gia nhập Công ước quan trọng này trong thời gian sớm nhất. Thứ trưởng cũng thông báo việc Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch thực hiện nghĩa vụ thành viên của tổ chức này, trong đó có việc tham gia chủ động và có trách nhiệm vào công cụ pháp lý quốc tế tiên tiến của Hội nghị La Hay, bên cạnh Công ước Aposttile là Công ước Service of Documents (Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại) và các Văn kiện pháp lý khác. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã bày tỏ mong muốn các nước thành viên Hội nghị và các cơ quan của Hội nghị sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam để thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị đặc biệt là trong việc hỗ trợ đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp lý của Việt Nam có trình độ và kinh nghiệm quốc tế; cử các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệp đến Việt Nam để giảng về một số chủ đề của tư pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, trọng tài thương mại và đầu tư liên quan đến các quốc gia,  tạo điều kiện cho các cán bộ Việt Nam  thực tập tại trụ sở của HccH và tham gia vào các chương trình nghiên cứu do HccH tiến hành; hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu và gia nhập các Công ước của Hội nghị.

Trong bài Diễn văn chào mừng Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Hội nghị La Hay, Bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thường niên của Tổ chức này cũng như Bài giới thiệu tại Phiên họp toàn thể thứ Năm của Kỳ họp, ông Tổng Thư ký Hội nghị đã thay mặt các nước thành viên bày tỏ vui mừng về sự có mặt của Việt Nam với tư cách là một thành viên mới, năng động, tích cực và đầy trách nhiệm của Tổ chức này. Các nước thành viên đều nhấn mạnh việc Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tổ chức này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam mà còn là dấu ấn quan trọng đối với thiết chế uy tín bậc nhất về tư pháp quốc tế này, mở rộng tầm ảnh hưởng và vai trò của Hội nghị đối với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Việc Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên của tổ chức đa phương về khoa học tư pháp quốc đặt nhiều cơ hội và không ít thách thức. Một Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở pháp lý là Quy chế và các Công ước của Hội nghị sẽ hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam và các nước thành viên khác phát triển kinh tế-xã hội cũng như hội nhập khu vực và quốc tế, gia tăng vị thế quốc tế của ta trong quan hệ với các đối tác bên ngoài. Song, việc thực hiện nghĩa vụ thành viên của thiết chế đa phương này cũng đòi hỏi Việt Nam phải nghiêm túc hơn và chuyên nghiệp hơn trong việc tham gia đàm phán và thực hiện các quyết định, điều ước quốc tế của Hội nghị La Hay, quan tâm hơn đến các mục tiêu chung của Hội nghị nhằm bảo đảm sự gắn kết và lồng ghép hài hòa giữa các ưu tiên phát triển của quốc gia và khu vực cũng như toàn cầu, điều chỉnh tổ chức bộ máy trong nước cũng như đầu tư nguồn lực và nhân lực thích đáng hơn để tham gia hợp tác về tư pháp quốc tế một cách chủ động và hiệu quả. Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội nghị La Hay sẽ làm hết sức mình để đưa tinh thần và nội dung của Quy chế Hội nghị, các công cụ pháp lý của thiết chế này vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia thành viên và Tổ chức nói chung, góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.

Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp gửi tin từ Lahay - Hà Lan