Việt Nam và Cam-pu-chia đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ ngày 24 tháng 6 năm 1967. Hơn 40 năm qua, quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Việt Nam và Cam-pu-chia đã ký hơn 60 văn kiện pháp lý về hợp tác song phương trên hầu hết các lĩnh vực như Hiệp định về Hợp tác kinh tế thương mại, Hiệp định về thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về kinh tế, văn hoá, khoa học, Hiệp định về Quá cảnh hàng hoá, Hiệp định Thương mại mới, Hiệp định về Hợp tác khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định miễn thị thực cho người mang Hộ chiếu phổ thông...Việt Nam và Cam-pu-chia cũng đã hình thành các cơ chế hợp tác cần thiết trong nhiều lĩnh vực, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển của hai nước.
Hiện nay, cả hai nước đều là thành viên ASEAN và WTO. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng nhanh chóng, kim ngạch song phương tăng đều hàng năm. Bên cạnh đó, một số lượng lớn Việt kiều đang làm ăn sinh sống tại Cam-pu-chia. Việc đi lại giữa hai nước cũng ngày càng thuận lợi, dễ dàng hơn với những quy định mới về thị thực như Hiệp định miễn thị thực cho người mang Hộ chiếu phổ thông (ký ngày 5/12/2008). Theo đó, phía Cam-pu-chia tăng thời hạn cư trú miễn thị thực theo Hiệp định từ 14 ngày lên 30 ngày; đồng ý cấp thị thực lưu trú 1 năm và giấy phép lao động phù hợp cho công nhân Việt Nam sang thực hiện các dự án tại Cam-pu-chia....
Trong bối cảnh các quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, thương mại, dân sự giữa hai nước ngày càng phát triển, việc xúc tiến đàm phán, ký kết Hiệp định là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp của hai nước khi tham gia vào các quan hệ thương mại, dân sự, đầu tư… tại nước sở tại, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các quan hệ hợp tác chung giữa hai nước. Việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Cam-pu-chia cũng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được thể hiện tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Cụ thể, hai Nghị quyết này đều chỉ rõ nhiệm vụ “tiếp tục ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, trước hết ưu tiên các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước quan hệ truyền thống”.
Trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Campuchia Ang Vong Vathana tại Việt Nam từ ngày 27/8 đến 1/9/2010 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hai Bên đã trao đổi về các nội dung hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa hai nước để tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, dân sự giữa tổ chức và cá nhân của hai quốc gia. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn và nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đều nhất trí về yêu cầu cần tăng cường hơn nữa hoạt động tương trợ tư pháp và thống nhất sẽ đề xuất và báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền của hai nước về việc đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của hai nước trong giao lưu dân sự, hợp tác đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Đồng thời, tại buổi tiếp thân mật Bộ trưởng Tư pháp Cam-pu-chia nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Cam-pu-chia đẩy mạnh đàm phán tiến tới ký Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự để góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước tốt đẹp hơn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có tờ trình Chính phủ số 24/TTr-BTP ngày 14/7/2011 về việc đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia (sau đây gọi là Hiệp định). Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1208/TTg-QHQT, đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Hiệp định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ và đã tiến hành thành công ba Vòng đàm phán với Cam-pu-chia (Vòng đàm phán thứ nhất được tổ chức từ ngày 28-29/7/2011 tại Phnôm-pênh, Cam-pu-chia; Vòng đàm phán thứ hai được tổ chức từ 03-04/10/2011 tại Hà Nội; Vòng đàm phán hoàn thiện kỹ thuật được tổ chức từ ngày 13-14/8/2012 tại Phnôm-pênh) và hoàn tất việc đàm phán để đi đến ký kết.
Hiệp định gồm Lời nói đầu và 7 Chương với 37 Điều cụ thể như sau:
Chương I “Những quy định chung” gồm 12 Điều (từ Điều 1 đến Điều 12) quy định về: Phạm vi tương trợ tư pháp, Bảo hộ pháp lý, Miễn, giảm án phí và trợ giúp pháp lý, Miễn tạm ứng các chi phí tòa án, Các kênh liên lạc, Ngôn ngữ, Chi phí tương trợ tư pháp, Yêu cầu tương trợ tư pháp, Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp, Từ chối và hoãn thực hiện tương trợ tư pháp, Miễn hợp pháp hóa lãnh sự, Thực hiện tương trợ tư pháp theo yêu cầu của nhiều Bên.
Chương II “Tống đạt giấy tờ” gồm 2 Điều (Điều 14 và Điều 15) quy định về: Yêu cầu tống đạt giấy tờ và thực hiện yêu cầu tống đạt giấy tờ, Tống đạt giấy tờ cho công dân của nước mình.
Chương III “Thu thập, cung cấp chứng cứ” gồm 3 Điều (Điều 15, Điều 16 và Điều 17) quy định về: Yêu cầu thu thập, cung cấp chứng cứ, Thực hiện yêu cầu thu thập, cung cấp chứng cứ và Thu thập chứng cứ đối với công dân của nước mình.
Chương IV “Triệu tập người làm chứng, người giám định” gồm 2 Điều (Điều 18 và Điều 19) quy định về: Triệu tập người làm chứng, người giám định và Bảo hộ người làm chứng, người giám định được triệu tập.
Chương V“Công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của Toà án, quyết định của Trọng tài” gồm 7 Điều (từ Điều 20 đến Điều 26) quy định về: Công nhận các bản án, quyết định không liên quan đến tài sản, Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định khác của Tòa án, Điều kiện công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án, Yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án, Thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án, Hiệu lực của việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án, Công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài.
Chương VI “Yêu cầu tương trợ tư pháp khác” gồm 4 Điều (từ Điều 27 đến Điều 30), quy định về: Chuyển giao tài liệu, đồ vật và tiền, Trao đổi thông tin, tài liệu pháp luật, Chuyển giao giấy tờ về hộ tịch, Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác.
Chương VII “Điều khoản khác” gồm 6 Điều (từ điều 31 đến Điều 36) quy định về: Quan hệ giữa Hiệp định này với các Hiệp định, thỏa thuận khác, Giải quyết bất đồng, Trao đổi ý kiến trong quá trình thực thi Hiệp định, Phê chuẩn và Hiệu lực; Sửa đổi bổ sung và chấm dứt hiệu lực, và Điều khoản cuối cùng.
Có thể đánh giá, Hiệp định có nội dung hoàn chỉnh và đầy đủ hơn so với các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự Việt Nam đã ký kết với một số nước gần đây. Phạm vi tương trợ tư pháp trong Hiệp định đã bao quát đầy đủ các vấn đề dân sự cần yêu cầu tương trợ tư pháp và cụ thể hoá quy định của Luật Tương trợ tư pháp. Đặc biệt, Hiệp định còn có riêng Chương VI quy định về các yêu cầu tương trợ tư pháp khác. Việc Hiệp định có quy định quét để có thể điều chỉnh những trường hợp phát sinh mà hiện Hiệp định chưa dự liệu hết được khi pháp luật cho phép, giúp cho Hiệp định có tính linh hoạt cao, đáp ứng yêu cầu hợp tác mới trong tương trợ tư pháp. Về thời hạn thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp: Hiệp định quy định cụ thể về thời hạn tối đa cho việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp cũng như thông báo việc từ chối hay hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp. Quy định này đảm bảo thời gian cho một yêu cầu tương trợ tư pháp được thực hiện và có kết quả. Mặt khác, việc quy định thời hạn cũng xác định trách nhiệm thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền mỗi Bên khi nhận được một yêu cầu tương trợ tư pháp.
Hiệp định được ký kết theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi. Theo đó Hiệp định có hiệu lực sẽ phát sinh nghĩa vụ đối với nước ta trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Cam-pu-chia và ngược lại, các yêu cầu tương trợ tư pháp của ta cũng sẽ được phía Cam-pu-chia thực hiện trên cơ sở các quy định của Hiệp định. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi (30) sau ngày nhận được thông báo sau cùng qua đường ngoại giao khẳng định hai Bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Sau khi có hiệu lực, Hiệp định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tư pháp hai nước tương trợ lẫn nhau nhằm giải quyết các tranh chấp và các vấn đề pháp lý phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp của hai nước khi tham gia vào các quan hệ thương mại, dân sự, đầu tư… tại nước sở tại, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các quan hệ hợp tác chung giữa hai nước.
Việc Việt Nam và Cam-pu-chia ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự sẽ đáp ứng được nhu cầu về tương trợ tư pháp giữa hai nước nói riêng cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Cam-pu-chia nói chung, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tư pháp hai nước tương trợ nhau nhằm giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh từ quan hệ dân sự giữa công dân và pháp nhân hai nước. Trong thời gian tiếp theo, cơ quan có thẩm quyền hai Bên sẽ tiếp tục cùng sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ để Hiệp định chính thức có hiệu lực pháp lý.
Phòng TTTP-Vụ HTQT