Có thể nói, việc đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại một mặt góp phần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam và các nước, mặt khác tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy nhanh việc xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp, góp phần tích cực để giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh trong quan hệ giữa công dân, pháp nhân của Việt Nam và các nước, góp phần tích cực để pháp luật tố tụng dân sự trong nước phát huy hiệu quả và mang lại nhiều ý nghĩa hơn trong thực tiễn cuộc sống.
Một chặng đường gần 30 năm đã đi qua kể từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20 cho đến nay, về mặt hợp tác tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, Việt Nam mới ký được 16 hiệp định và thỏa thuận với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Về hợp tác đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, Việt Nam chưa tham gia một thiết chế đa phương phương nào. Nếu so sánh con số hiệp định và thỏa thuận tương trợ tư pháp về dân sự mà Việt Nam đã ký kết với số quốc gia mà Việt Nam, công dân và pháp nhân Việt Nam có mối quan hệ về dân sự, thương mại, đầu tư… thì số lượng hiệp định đã ký kết còn rất khiêm tốn. Việc thiếu các công cụ pháp lý quốc tế này đã làm hạn chế khả năng giải quyết các tranh chấp, làm chậm và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của các công dân và pháp nhân khi tham gia các quan hệ xã hội.
Báo cáo này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá tổng quát tình hình ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Việt Nam từ trước tới nay, trong đó bao gồm cả việc xác định những vướng mắc, khó khăn và những nguyên nhân trở ngại cho công tác đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; đánh giá tác động về mặt kinh tế xã hội và vai trò của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; nhận xét tổng quan về tình hình ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự của một số nước trên thế giới và một số kinh nghiệm, bài học bổ ích đối với Việt Nam; và đề xuất kiến nghị tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng ký kết hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới sự cần thiết phải gia nhập Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế cũng như gia nhập một số Công ước La-hay về tương trợ tư pháp.
Báo cáo này gồm bốn phần:
Phần thứ nhất: Đánh giá tổng quát thực trạng tình hình ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự từ trước tới nay và tác động về mặt kinh tế xã hội và vai trò của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự;
Phần thứ hai: Nhận xét tổng quan về tình hình ký kết và thực hiện các vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự của một số nước trên thế giới và một số kinh nghiệm, bài học bổ ích đối với Việt Nam;
Phần thứ ba: Về Hội nghị La-hay về Tư pháp quốc tế và sự cần thiết gia nhập thiết chế này;
Phần thứ tư: Đề xuất kiến nghị tăng cường hiệu quả tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự trong thời gian tới thông qua tham gia Hội nghị La-hay về Tư pháp quốc tế và gia nhập một số Công ước La-hay có liên quan.
Nội dung Báo cáo
Nguyễn Minh Phương - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp