Kịp thời triển khai đưa pháp luật vào cuộc sống
Nghị quyết 27-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhấn mạnh yêu cầu: Tiếp tục đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả…
Để pháp luật sớm đi vào cuộc sống, ngay sau khi luật, nghị quyết được Quốc hội (QH) thông qua, các Đoàn đại biểu QH phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, giúp chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp sớm nắm bắt các chính sách mới, từ đó chủ động chuẩn bị phương án, nguồn lực triển khai thực hiện.
Đồng hành với nhiệm vụ này, sau khi kết thúc kỳ họp của QH, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, xác định rõ các nội dung được luật, nghị quyết giao quy định chi tiết, trên cơ sở đó, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp, thời hạn trình, ban hành văn bản. Trên thực tế, một số quyết định, kế hoạch triển khai thi hành luật được Chính phủ ban hành rất kịp thời. Thông qua công tác triển khai thi hành pháp luật, không chỉ thông tin pháp luật một chiều từ Nhà nước hoặc các chủ thể quản lý đến người dân, mà còn là sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp (DN) về khó khăn, vướng mắc hoặc những nội dung thiếu tính khả thi của các chính sách pháp luật. Như vậy, công tác này không đơn thuần đưa pháp luật vào cuộc sống mà còn triển khai định hướng lớn là đưa cuộc sống vào pháp luật.
Quán triệt tinh thần này, Bộ Tư pháp đã tham mưu ban hành Quyết định 407-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Đề án này khẳng định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ phổ biến những văn bản đã ban hành mà còn truyền thông, lấy ý kiến người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách, soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội hoặc để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.
Tăng cường niềm tin vào tính pháp quyền, pháp chế
Đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, QH, các cơ quan của QH và Chính phủ đã có những việc làm chưa từng có tiền lệ nhằm đẩy mạnh hơn nữa chủ trương của Đảng là “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”. Điển hình là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ đã phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của QH. Đây là cách làm mới, có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần “vướng đâu gỡ đó”, không đùn đẩy, không né tránh; tăng cường niềm tin cho người dân, DN vào tính pháp quyền, pháp chế; giúp các cán bộ, công chức, viên chức hiểu đúng, hiểu rõ và tự tin trong áp dụng pháp luật.
Từ việc làm “chưa có tiền lệ” nhưng “đặc biệt quan trọng”, kể từ khi được UBTVQH tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9/2023, đến lần tổ chức thứ hai (tháng 3/2024), Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của QH khóa XV đã đi vào nề nếp, tác động sâu sắc đến việc triển khai các văn bản luật vào cuộc sống. Các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các cơ quan có trách nhiệm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết chuyển động nhanh hơn, khẩn trương hơn; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong thi hành pháp luật; ngăn chặn phát sinh thủ tục, “giấy phép con” trái quy định.
Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, tổ chức vào cuối tháng 7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Thực tế thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả; chưa thực sự khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Do đó, thông qua Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương sẽ nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác triển khai thi hành pháp luật; cùng đề xuất giải pháp khả thi, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Đề cập tới vấn đề này tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH (tháng 9/2024), Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh phải đổi mới việc triển khai, kiểm tra thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH một cách tới nơi tới chốn. Làm tốt thì phải có biểu dương, khen thưởng kịp thời. Chỗ nào làm chưa tốt thì phải phê bình, kiểm điểm. Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, Chủ tịch QH cũng đề nghị chú trọng tổ chức đối thoại với DN, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.
Tháo gỡ đến cùng các khó khăn, vướng mắc pháp lý
Với mục tiêu tháo gỡ đến cùng các khó khăn, vướng mắc pháp lý mà cộng đồng DN gặp phải, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật đã được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương lần đầu tiên tổ chức trong năm 2022, trở thành kênh thông tin quan trọng để các cơ quan nhà nước nắm bắt, nhận diện các vấn đề pháp lý cần được giải quyết. Tại Diễn đàn này, đã có 117 ý kiến về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với DN. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành đã có báo cáo rà soát việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà DN đề cập.
Ngày 9/10 vừa qua, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 tiếp tục được tổ chức. Nội dung của Diễn đàn đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, rào cản, lấy người dân, DN làm trung tâm”. Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương cho biết, với tinh thần lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho DN. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã kịp thời phối hợp, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung làm rõ những vấn đề tồn tại trong các quy định về đầu tư, sản xuất kinh doanh, đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, trong kỷ nguyên mới của đất nước, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của thực tiễn đều thôi thúc chúng ta phải hành động, cùng chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý để góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN. “Khi chúng ta cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ, cùng chung tay tháo gỡ các vấn đề pháp lý thì chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ngày càng thuận lợi hơn, vừa thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN, vừa đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.
Chuyên gia pháp luật, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ:
Sớm xây dựng Luật Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật Thời gian tới, Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách, thể chế về tổ chức thi hành pháp luật, cụ thể là sớm xây dựng và ban hành Luật Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ quy trình, thủ tục cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong tổ chức thi hành pháp luật; đồng bộ hóa các chính sách trong tổ chức thi hành pháp luật, nhất là bảo đảm nguồn lực tài chính đủ mạnh cho tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật; xây dựng và ban hành hệ thống chế tài đủ mạnh, đi liền với xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật, khắc phục tình trạng “nhờn luật” trong thực tiễn ở nhiều lĩnh vực hiện nay. |