Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm

12/01/2024
Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm
Chiều 12/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.
Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các ngành công nghiệp trọng điểm là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa đất nước, gồm: Công nghiệp năng lượng; Công nghiệp hỗ trợ; Công nghiệp vật liệu, luyện kim; Công nghiệp cơ khí; Công nghiệp hóa chất; Công nghiệp điện tử, viễn thông; Công nghiệp quốc phòng, an ninh; Công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp sinh học. Đây là các ngành có vai trò hết sức quan trọng, là động lực để thúc đẩy toàn bộ nền công nghiệp nói riêng cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế nói chung.
 

Đồng chí Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phát biểu tại phiên họp.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật sẽ góp phần kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật để xử lý các điểm nghẽn cơ bản trong phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng từ theo chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.
 

Đại diện Bộ Công Thương trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Đồng chí cho biết thêm, các ngành công nghiệp trọng điểm được đề cập tại Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ bao gồm các ngành sau đây: (i) Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da – giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; (ii) Công nghiệp vật liệu, luyện kim; (iii) Công nghiệp cơ khí; (iv) Công nghiệp điện tử; (v) Công nghiệp thực phẩm, sinh học. Các ngành công nghiệp năng lượng; công nghiệp quốc phòng, an ninh; công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin; công nghiệp hóa chất do đã có các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh (Luật Điện lực; Luật Dầu khí; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (đang triển khai xây dựng), Luật Hóa chất; Luật Công nghiệp công nghệ thông tin; Luật Công nghiệp công nghệ số (đang triển khai xây dựng) nên sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công nghiệp trọng điểm.
Cần bám sát để thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nội dung chính sách được đề xuất như xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp trọng điểm và phát triển bền vững trong công nghiệp;…
 

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ của cơ quan chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng cho biết, để hình thành nền công nghiệp phát triển theo chủ trương, định hướng của Đảng, việc xây dựng Luật này là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ làm rõ phạm vi điều chỉnh và sự phù hợp của dự thảo Luật với các chủ trương, chính sách của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cần rà soát nội dung dự thảo với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Khoa học và Công nghệ,… và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tuân thủ pháp luật quốc tế.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung như cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong tiếp nhận và phát triển công nghệ; tiêu chí xác định doanh nghiệp được nhận hỗ trợ; kinh nghiệm của quốc tế trong việc phát triển công nghiệp trọng điểm; cân nhắc việc thành lập Ủy ban Quốc gia; các quy định về Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp; xanh hoá phát thải;…
Anh Thư - Trung tâm Thông tin