Sáng 18/12, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ tổ chức Hội thảo “Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật – Thực trạng và kiến nghị”. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Ths. Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: đại diện một số cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, thực hiện hoạt động nghiên cứu năm 2024, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt Đề tài cấp Bộ “Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” (Mã số: ĐTCB.2024-02) do Ths. Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Chủ nhiệm Đề tài.
Nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết cũng như ý nghĩa lý luận và thực tiễn, tính ứng dụng cao của Đề tài trong thời điểm hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho rằng, kết quả của Đề tài sẽ có những đóng góp rất thiết thực, trực tiếp vào Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như đưa ra nhiều khuyến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành – Chủ nhiệm Đề tài cho biết, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những bước kế thừa và phát triển qua các thời kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều chỉ đạo quan trọng liên quan tới chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó cần đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.
Cho biết đây là hội thảo thứ ba trong chuỗi hoạt động của Đề tài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành lưu ý, các đại biểu tập trung cho ý kiến khách quan, toàn diện vào nội dung chủ đề của hội thảo. Trong đó, quan tâm tới đề xuất các giải pháp, đề xuất cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Ths. Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, quy trình xây dựng pháp luật hiện hành có nhiều điểm mới, tiến bộ theo hướng nâng cao chất lượng, với trình tự, thủ tục chặt chẽ, có sự phân công, phối hợp, gắn với trách nhiệm của các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, trước tình hình với nhiều thách thức và yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng thể chế, đòi hỏi hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, công bằng, khả thi, chi phí tuân thủ thấp thì việc nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả là rất cần thiết.
Cũng theo các chuyên gia, qua thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc đổi mới thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề tham vấn công chúng, hoạch định chính sách,... là những nội dung cần đặc biệt quan tâm để cải thiện hiệu quả thực tế, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới.
GS.Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Đưa ra đề xuất cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn bản pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh dân chủ hóa, khoa học hóa, quy tụ trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, luật sư và các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Cải tiến quy trình xây dựng pháp luật để có được văn bản luật minh bạch, thật sự phản ánh lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng pháp luật, hạn chế sự chồng chéo, chú trọng tới tính khả thi của các dự án luật được ban hành.
Ngoài ra, để tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thời gian tới, cần nghiên cứu để quy định rõ ràng hơn nguyên tắc về xử lý trách nhiệm cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật; xác định rõ phạm vi, đối tượng, thẩm quyền kiểm tra văn bản;...
Ông Lê Việt Trường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Liên quan tới vấn đề tham vấn công chúng trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch và đặc biệt là đảm bảo tính thực chất trong hoạt động tham vấn người dân và doanh nghiệp. Để xây dựng được cơ chế tham vấn bền vững trong giai đoạn tới cần gắn với việc nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và người dân.
Cũng tại hội thảo các chuyên gia còn cho ý kiến về các yêu cầu đặt ra trong đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; đổi mới công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật;... Trong đó, đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc định hình rõ quy tình lập chính sách, đề cao tính khoa học của lập chính sách và làm luật.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành ghi nhận và đánh giá cao các đề xuất, kiến nghị, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tiếp tục hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng và mục tiêu của Đề tài.