Sáng 27/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học tổ chức hội thảo “Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật – Một số vấn đề lý luận và kiến nghị”. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Ths. Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện một số cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, thực hiện hoạt động nghiên cứu năm 2024, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt đề tài cấp Bộ “Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật” do Ths. Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Chủ nhiệm Đề tài.
Nhấn mạnh tầm trọng, sự cần thiết cũng như ý nghĩa của Đề tài trong thời điểm hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài đẩy sớm tiến độ hoàn thành so với thời hạn đăng ký để kịp thời đưa ra những kiến nghị, đóng góp trực tiếp, thiết thực vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2025.
TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành – Chủ nhiệm Đề tài cho rằng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Các đạo luật cơ bản thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 là cơ sở pháp lý quan trọng tạo sự chuyển biến trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi, phúc đáp yêu cầu của thực tiễn.
Ths. Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; chưa thích ứng và theo kịp sự thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu là “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó thẳng thắn chỉ ra trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Từ đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó cần Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.
Đồng thời, tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã có chỉ đạo về Đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó đề nghị các cơ quan được giao trách nhiệm soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần triển khai thực hiện ngay các giải pháp đổi mới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội.
Tại hội thảo thảo, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề lý luận chung về văn bản quy phạm pháp luật; phân tích các yêu cầu đặt ra nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương và địa phương;... Đồng thời, phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật.
Theo các đại biểu, xây dựng, ban hành luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Nhiệm vụ này không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nội quy kỳ họp Quốc hội và trong các văn bản pháp luật khác. Từ khi Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động xây dựng, ban hành luật ngày càng tăng. Quy trình xây dựng, ban hành luật luôn được cải tiến, đổi mới nhằm góp phần ban hành nhiều luật hơn.
ThS. Đặng Đình Luyến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tham luận tại Hội thảo
Để tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng, ban hành luật, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, đề nghị cần dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến về các chính sách, nội dung cơ bản của dự án luật, nhất là các nội dung còn ý kiến khác nhau. Đồng thời, nhấn mạnh giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua là giai đoạn rất quan trọng, có tính chất quyết định chất lượng, hiệu quả của dựa án luật. Do đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bên cạnh đó, cần xác định “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật” là một nguyên tắc quyết định. Cùng với đó, đổi mới nhận thức về bản chất, vai trò, chức năng của pháp luật, xác định mục đích xây dựng luật chủ yếu là kiến tạo phát triển. Quy trình xây dựng pháp luật cũng cần được hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, trên cơ sở phân tích các yếu tố đảm bảo chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần chú trọng tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, khuyến khích sự tham gia tích cực của các bên liên quan, thực hiện phân tích tác động một cách khoa học, bảo đảm sự giám sát hiệu quả trong quá trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, chú trọng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia xây dựng pháp luật; xác định thứ bậc hiệu lực của văn bản làm căn cứ áp dụng văn bản quy phạm pháp luật;...
Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn phân tích làm rõ về cơ sở chính trị, pháp lý đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nguyên tắc tương xứng trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới và đưa ra nhiều gợi mở cho hoạt động xây dựng luật ở Việt Nam.