Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong doanh nghiệp, thực tiễn và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý (phần 1)

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thường phức tạp, cơ chế thị trường, áp lực về lợi nhuận, những biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước… luôn đặt các doanh nghiệp trước những bài toán khó khăn. Bên cạnh những doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật, vẫn còn không ít doanh nghiệp lợi dụng sự sơ hở của chính sách, pháp luật, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan nhà nước…thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm hành chính nói riêng.

I. THỰC TIỄN THỰC THI PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
1. Tình trạng VPHC của các doanh nghiệp

Tình trạng VPHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn biến khá phức tạp, nhiều về số lượng, đa dạng về tính chất, mức độ, khó kiểm soát về hậu quả. Có thể điểm qua một số lĩnh vực như sau:
Trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
- Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2015 khoảng 7.567 tỷ đồng. Trong đó, số nợ BHXH là khoảng 5.692 tỷ đồng, nợ BHYT là 1.560 tỷ đồng, BH thất nghiệp là 315 tỷ đồng. Có khoảng 103.000 doanh nghiệp nợ với số tiền khoảng 5.300 tỷ đồng… Có thể thấy, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH vẫn đang xảy ra ở tất cả các địa phương; việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, mà biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với tiền lương thực tế. Năm 2015, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của TP Hồ Chí Minh là hơn 1.294 tỷ đồng, chiếm 3,68% so với kế hoạch thu cả năm[1].
-Trong 3 năm từ 2013-2016, các cấp có thẩm quyền đã ra 1.334 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động tại các tỉnh, thành phố (trong đó có an toàn vệ sinh lao động) với số tiền phạt gần 24 tỷ đồng. Tình trạng các doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ hoặc có xây dựng kế hoạch nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp nhưng không đủ nội dung đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động nhận công việc về nhà làm...khá phổ biến[2].
- Đầu năm 2017, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa ra quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ năm công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tổng số tiền bị xử phạt gần 1 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Tư vấn giáo dục Hoàng Phát, phạt khủng 462.500 triệu đồng vì có nhiều hành vi vi phạm như thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; không báo cáo định kỳ về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; không trực tiếp tuyển chọn lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn người lao động; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; không cấp giấy chứng nhận tham gia Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho người lao động theo quy định. Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh, bị phạt 225 triệu đồng, vì không trực tiếp tuyển chọn lao động; thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động với Cục Quản lý lao động ngoài nước. Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS, bị phạt 120 triệu đồng, do không thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng theo quy định, không thông báo việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; không thực hiện việc kiểm tra, cấp chứng chỉ cho người lao động sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu than-Vinacomin, bị phạt 185 triệu đồng vì không cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài; không liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng lao động…Công ty Cổ phần Đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long, bị  đình chỉ hoạt động sáu tháng (từ 1-4 đến 30-9-2017). Lý do, công ty này bị xử phạt vi phạm hành chính hai lần trở lên trong thời hạn 12 tháng[3].
Trong lĩnh vực thuế:
- Tình trạng vi phạm nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp khá phổ biến. Cả nước hiện có khoảng 480.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng số doanh nghiệp thường xuyên có doanh số kê khai chỉ khoảng 390.000. Như vậy, có khoảng 90.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng trốn kê khai, đồng nghĩa với việc không thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, có khoảng 50.000 - 55.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, đây cũng là nhóm có rủi ro gây thất thu ngân sách.Mỗi năm ngành thuế mới chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra được khoảng 18 – 20% doanh nghiệp nhưng có tới 92% doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm về thuế, trong đó không ít vi phạm có dấu hiệu hình sự. Mỗi năm, ngành thuế tiến hành truy thu khoảng 12.600 tỷ đồng tiền thuế. Năm 2013,  Tổng cục Thuế đã kết thúc công tác rà soát 3.600 doanh nghiệp trong đó đưa vào danh sách kiểm tra 300 doanh nghiệp để thanh tra chống chuyển giá và có tới 225 doanh nghiệp trong số 300 doanh nghiệp đó có hoạt động chuyển giá. Đặc biệt, có những doanh nghiệp chuyển giá, chấp nhận giảm lỗ gần 900 tỷ đồng[4].
- Tình trạng mua bán hóa đơn “lậu” gia tăng. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về điều kiện thành lập doanh nghiệp (DN), cơ chế tự khai tự nộp thuế, cơ chế DN tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn… để thành lập DN hoặc mua bán DN với mục đích in, phát hành và mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Các vụ buôn bán hóa đơn lậu quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi với số lượng lên đến hàng trăm tỷ đồng ngày một nhiều[5].
Trong lĩnh vực môi trường:
Tình trạng vi phạm hành chính về môi trường của các doanh nghiệp khá phổ biến, thậm chí đáng báo động[6]. Khi bắt đầu dự án, đa số nhà đầu tư, doanh nghiệp chấp hành thực hiện thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường ở các cấp độ khác nhau. Nhưng đến khi vận hành dự án, nhiều chủ dự án thường không tuân thủ nghiêm các nội dung đã cam kết tại hồ sơ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt qua thủ tục đánh giá tác động môi trường.
Các lỗi vi phạm hành chính thường gặp là: không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt; xả nước thải, khí thải vượt quá mức cho phép…
đổ trộm, chôn lấp chất thải không đúng quy định; xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý;  không đăng ký, kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng tài nguyên mà không có giấy phép; không tuân thủ hoặc chấp hành không đầy đủ chế độ quan trắc môi trường, báo cáo về quản lý chất thải cho cơ quan quản lý có thẩm quyền...
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhà đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, hoặc giảm chi phí vận hành cho vấn đề bảo vệ môi trường dù chủ đầu tư có đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Vedan, Formosa… là những ví dụ điển hình.
2. Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
- Ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật XLVPHC nói riêng của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.
Trong lĩnh vực môi trường, không ít doanh nghiệp đã bị xử lý nhiều lần nhưng vẫn bất chấp quyết định xử phạt, tiếp tục vi phạm cho đến khi cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động[7]. Trong lĩnh vực thuế, tình trạng doanh nghiệp chây ì, nợ thuế, bị cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt về thuế khá phổ biến[8]
- Cơ quan chức năng, người có thẩm quyền trong nhiều trường hợp còn lúng túng khi áp dụng pháp luật:
Ví dụ 1: Thời gian vừa qua, có một số đoàn kiểm tra quyết toán giải thể không xử phạt VPHC về thuế đối với doanh nghiệp đã có quyết định giải thể, nhưng cũng có một số đoàn kiểm tra lại xử phạt giống như doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này vừa tạo ra bất cập, không thống nhất trong xử phạt VPHC về thuế, vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia pháp lý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do các quy định chồng chéo của pháp luật, dẫn đến cách hiểu khác nhau của những người có thẩm quyền xử phạt.
Cụ thể, điểm d, khoản 1 điều 65 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: “Không ra quyết định xử phạt VPHC trong những trường hợp sau đây: cá nhân VPHC chết, mất tích, tổ chức VPHC đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt”. Nghĩa là, chỉ những tổ chức (bao gồm doanh nghiệp) đã giải thể mới không bị xử phạt VPHC.
Tuy nhiên, Thông tư 166/2013/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết xử phạt VPHC về thuế, tại điểm d, khoản 1 điều 26 lại hướng dẫn không ra quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp tổ chức VPHC đã có quyết định giải thể, quyết định tuyên bố phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.
Điều này dẫn đến sự lúng túng của các chủ thể áp dụng quy phạm pháp luật. Vì tổ chức đã giải thể, phá sản và tổ chức đã có quyết định giải thể, phá sản là những khái niệm không đồng nhất với nhau.  Theo Điều 201, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, trong đó 3 trường hợp phải ra quyết định giải thể. Cụ thể: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Riêng trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì không cần quyết định giải thể của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc ra quyết định giải thể doanh nghiệp chỉ là khâu đầu tiên trong hàng loạt thủ tục giải thể doanh nghiệp[9]
Ví dụ 2: Về việc áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 “Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn”. Mặc dù Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua năm 2012 nhưng cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất thế nào là vi pham quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn. Chính quy định chung chung không có định lượng, định tính cụ thể này đã gây khó khăn cho các chủ thể có thẩm quyền khi áp dụng tình tiết tăng nặng trong thực tiễn xử phạt, khó tránh khỏi sự chủ quan, tùy tiện.
- Vẫn còn tình trạng xử phạt chưa nghiêm, chưa triệt để, dung túng, bao che cho các doanh nghiệp sai phạm. Sự tồn tại kéo dài của hiện tượng “xe dù bến lậu” trong hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách thời gian qua là một ví dụ điển hình[10].
- Vẫn còn tình trạng xử phạt VPHC thiếu chính xác, thiếu khách quan gây ảnh hưởng xấu đến sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp.
Ví dụ: Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đối với chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hà Trung Hậu tại Đà Nẵng (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) về hành vi đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Quyết định xử phạt nói trên liên quan đến tranh chấp về sở hữu trí tuệ giữa Ajino-moto và Công ty TNHH Hà Trung Hậu. Theo đó, Công ty TNHH Hà Trung Hậu có nhập khẩu và bán tại thị trường Việt Nam sản phẩm bột ngọt Ajino-Takara có xuất xứ Thái Lan. Công ty này cũng làm đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hõa.
Trong quá trình này, Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam đã có đơn thư phản ánh, kiến nghị gửi Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, xử lý bột ngọt nhãn hiệu Ajino - Takara của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hà Trung Hậu do nhận thấy nhãn hiệu Ajino - Takara trùng lắp với nhãn hiệu Ajino - Moto đã được đăng ký bảo hộ độc quyền.
Tiếp đó, Đội Quản lý thị trường số 8 (Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản VPHC đối với hành vi xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu. Trên cơ sở này, UBND TP. Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hà Trung Hậu số tiền 500 triệu đồng, “kịch khung” đối với mức xử phạt VPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp áp dụng đối với tổ chức. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hàng hóa vi phạm và biện pháp khắc phục là yêu cầu hủy bỏ yếu tố vi phạm, tiêu hủy yếu tố vi phạm.
Không “tâm phục khẩu phục”, công ty này đã khởi kiện lên TAND TP Đà Nẵng. Theo đó, họ theo đuổi hai vụ kiện hành chính: một là, đối với hành vi hành chính của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 8 trong việc kiểm tra, lập biên bản kiểm tra; hai là, đối với Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vì các lý do chủ thể bị xử phạt không đúng, căn cứ xử phạt thiếu cơ sở pháp lý, yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng. Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Công ty Hà Trung Hậu kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị hoãn phiên tòa để có thời gian thỏa thuận với doanh nghiệp. Sau 5 tháng kể từ ngày hoãn tòa, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt trước đó. Lý do là căn cứ vào Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo đó, trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã được thụ lý, nhưng hai bên có phát sinh khiếu nại tố cáo hoặc tranh chấp về quyền đăng ký, quyền sở hữu, quyền yêu cầu xử lý vi phạm... thì cơ quan thụ lý yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, yêu cầu chủ thể quyền sở hữu công nghiệp giải trình, cam kết hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp làm rõ về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đang có khiếu nại, tố cáo, tranh chấp [11].
Hậu quả mà doanh nghiệp phải gánh chịu sau khi bị xử phạt sai là không nhỏ. Theo ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng của Công ty Hà Trung Hậu, “việc trở lại thị trường của doanh nghiệp rất khó khăn do bị dừng hoạt động trong 1 năm 7 tháng, bị ảnh hưởng cả về thương hiệu, hình ảnh cũng như tài chính. Các cơ quan chức năng cũng không hề có hướng dẫn nào để doanh nghiệp thực hiện, kinh doanh trở lại”[12]
II. NHỮNG VẤN ĐỀ DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý TRONG VIỆC CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về XLVPHC nói chung và xử phạt chuyên ngành nói riêng
Để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, đảm bảo yếu tố “tự do trong khuôn khổ pháp luật”, trước hết doanh nghiệp cần phải tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về XLVPHC nói riêng, đặc biệt là các văn bản trực tiếp điều chỉnh VPHC và xử phạt VPHC trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không nên tự đặt mình vào tình trạng “tù mù” về Luật, vì sự thiếu hiểu biết pháp luật chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng sai phạm. Chủ động tìm hiểu các văn bản pháp luật chính là chủ động phòng ngừa các vi phạm hoặc trong những trường hợp nhất định biết cách ứng xử khéo léo để một mặt đạt được mục đích của mình, mặt khác vẫn không bị coi là vi phạm pháp luật. Sẽ cực kỳ bất lợi nếu một doanh nghiệp được thành lập hợp pháp và đang tiến hành hoạt động bình thường mà lại không biết gì về Nghị định số 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 10 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt VPHC về thuế; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 sửa đổi Nghị định 109/2013/NĐ-CP... Hay điều gì sẽ xảy ra nếu một doanh nghiệp chuyên về du lịch mà lại mơ hồ về sự tồn tại của Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo?
Để thực hiện tốt nội dung này, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức đến đội ngũ những người làm công tác pháp chế của doanh nghiệp.
2. Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm
Phân biệt VPHC và tội phạm trên phương diện lý thuyết không có gì quá phức tạp. Theo Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Còn theo khoản 1 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhầm lẫn giữa vi phạm hành chính và tội phạm vẫn xảy ra. Đặc biệt, xu hướng tội phạm hóa các vi phạm hành chính và hành chính hóa các tội phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp – các pháp nhân thương mại đang diễn biến phức tạp. Vụ việc quán Cà phê Xin chào ở Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) năm 2016 là một ví dụ điển hình. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị kiến thức pháp lý,  các doanh nghiệp cần tỉnh táo, thận trọng khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động phòng ngừa vi phạm.   
(còn tiếp)

Phạm Nguyệt Hằng (tổng hợp)