Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong doanh nghiệp, thực tiễn và những vấn đề cần lưu ý (phần 2)

3. Nắm vững một số vấn đề cơ bản của pháp luật XLVPHC Doanh nghiệp cần nắm vững một số vấn đề cơ bản sau đây của pháp luật xử phạt VPHC để chủ động phòng ngừa vi phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong những trường hợp nhất định.

3.1. Nguyên tắc xử phạt một lần
Theo nguyên tắc này, một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần. Nghĩa là, một hành vi VPHC chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.
Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới[13].
3.2. Nguyên tắc tổ chức bị xử phạt gấp đôi so với cá nhân 
Luật XLVPHC năm 2012 đã xác lập một quan điểm hoàn toàn mới so với các Pháp lệnh trước đây, đó là quy định đối với cùng một hành vi VPHC thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân[14]. Đây là hệ số cứng, tuyệt đối, không phải là hệ số tương đối kiểu cho phép phạt đến gấp hai lần[15]. Có thể giải thích quy định này như sau: hành vi của tổ chức gây hậu quả tiêu cực cho xã hội lớn hơn; tổ chức cần có trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật cao hơn cá nhân.
Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế, vì vậy đương nhiên doanh nghiệp sẽ bị xử phạt gấp đôi so với cá nhân nếu cùng thực hiện một hành vi VPHC.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tư nhân VPHC thì chủ thể có thẩm quyền sẽ xử phạt ai – bản thân doanh nghiệp đó hay chủ của doanh nghiệp, biết rằng doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng, tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp không tách bạch? Thực ra, cho đến nay chưa có giải thích chính thức từ các cơ quan chức năng. Nhưng nếu căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, “doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” (Khoản 7 Điều 4); “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 183), có thể hiểu doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức kinh tế, một loại hình doanh nghiệp, vì vậy nếu có hành vi VPHC thì phải xử phạt bản thân doanh nghiệp chứ không phải cá nhân chủ doanh nghiệp.
3.3. Phân biệt các tình tiết tăng nặng: VPHC nhiều lần, tái phạm, 
vi phạm có tổ chức
Việc xác định các tình tiết VPHC nhiều lần, tái phạm hay vi phạm có tổ chức là trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nắm vững các khái niệm này sẽ chủ động phòng tránh vi phạm, không đặt mình vào tình trạng bất lợi hoặc có thể đối thoại, giải trình với cơ quan chức năng khi cần thiết.
“Vi phạm hành chính nhiều lần” là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC mà trước đó đã thực hiện hành vi VPHC này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý. (Khoản 6 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012)
“Tái phạm” là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý VPHC nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý VPHC, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi VPHC đã bị xử lý. (Khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012)
“Vi phạm hành chính có tổ chức” là trường hợp cá nhân, tổ chức câu kết với cá nhân, tổ chức khác để cùng thực hiện hành vi VPHC. (Khoản 7 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012)
Giải trình
Giải trình là quyền, không phải là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân VPHC. Quy định về giải trình tại Điều 61 Luật XLVPHC năm 2012 là một điểm mới đáng kể của đạo luật này. Nói cách khác, lần đầu tiên trong lịch sử xử phạt VPHC, quyền giải trình của chủ thể VPHC được ghi nhận. Với quyền này, tổ chức, cá nhân VPHC có cơ hội chứng minh mình không VPHC hoặc có VPHC nhưng tính chất, mức độ vi phạm không đến mức như  đánh giá của người có thẩm quyền xử phạt VPHC. Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp tính chất, mức độ vi phạm đến mức như đánh giá của người có thẩm quyền xử phạt VPHC thì việc cho phép người VPHC có quyền giải trình cũng góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu nại, khởi kiện có thể phát sinh.
Tuy nhiên, không phải mọi chủ thể VPHC đều có quyền giải trình. Đối với hành vi VPHC mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định.
Giải trình có thể được thực hiện theo hai hình thức: giải trình trực tiếp hoặc giải trình bằng văn bản.
Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức VPHC phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản VPHC. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 05 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Cá nhân, tổ chức VPHC tự mình hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.
Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức VPHC phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản VPHC.
Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.
Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý và tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi VPHC, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cá nhân, tổ chức VPHC, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ thì các bên phải ký vào từng tờ biên bản. Biên bản này phải được lưu trong hồ sơ xử phạt VPHC và giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ 01 bản.
(Điều 61 Luật XLVPHC năm 2012)
Nộp tiền phạt nhiều lần
Doanh nghiệp không được hoãn nộp tiền phạt nhưng có thể được nộp tiền phạt nhiều lần. Cụ thể, theo Điều 79 Luật XLVPHC năm 2012, việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
ü     Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
ü     Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.
Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.
Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức VPHC
Doanh nghiệp cần phải nắm được quy định về công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Đây thực sự là biện pháp có sức răn đe khá lớn đối với các chủ thể vi phạm, thậm chí nhiều cá nhân, tổ chức còn ngại bị công khai việc xử phạt hơn bản thân việc bị xử phạt. Vì công bố công khai việc xử phạt VPHC trên các phương tiện truyền thông đồng nghĩa với việc các chủ thể vi phạm phải đối diện với dư luận xã hội, có thể bị dư luận xã hội lên án, chỉ trích, thậm chí tẩy chay. Hơn nữa, dẫu cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC không mang “án tích”[16] nhưng một khi việc xử phạt đã được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông thì thật khó để dư luận xã hội coi như họ chưa từng vi phạm. Do vậy, quy định ở Điều 72 Luật XLVPHC năm 2012 không những làm cho các chủ thể bị xử phạt thực sự lo ngại mà còn có khả năng răn đe đối với mọi cá nhân, tổ chức khác trong xã hội, buộc họ phải chủ động phòng ngừa các vi phạm.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bị xử phạt VPHC đều bắt buộc phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo khoản 1 Điều 72, chỉ những VPHC về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt mới có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
Tại sao chỉ là những lĩnh vực nói trên? Thiết nghĩ, đó là những lĩnh vực quan trọng, liên quan đến sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng, sự ổn định của thị trường; là những lĩnh vực thường xảy ra nhiều vi phạm, các vi phạm thường làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người, đặc biệt là người tiêu dùng, người bệnh, người lao động, tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận… Thế nhưng, ngay trong những lĩnh vực nhất định đó, vấn đề công bố công khai việc xử phạt cũng chỉ đặt ra đối với một số vi phạm, nếu chúng thỏa mãn dấu hiệu “gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội”. Điều này cho thấy nhà làm luật đã có sự cân nhắc về tính hai mặt của biện pháp công khai thông tin xử phạt, đã lường trước những hậu quả bất lợi mà việc công khai thông tin xử phạt có thể đưa lại cho các chủ thể vi phạm, đã coi công bố công khai việc xử phạt như là một biện pháp cần thiết bên cạnh biện pháp xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả nhằm làm tăng thêm “cái giá” mà cá nhân, tổ chức phải “trả” vì đã thực hiện hành vi vi phạm gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội[17].
4. Khiếu nại và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính
Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý VPHC theo quy định của pháp luật. Theo “quy định của pháp luật” ở đây trước hết là theo Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 vì đây là những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động khiếu nại, khởi kiện.
Theo Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011, trình tự khiếu nại như sau:
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. 
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Lưu ý: Trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện, doanh nghiệp vẫn phải thi hành quyết định xử lý VPHC. Tuy nhiên, theo Điều 15 Luật XLVPHC năm 2012, nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý VPHC bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.
 
 
 
 
 

[1] Nguyên Khang, Tập trung xử lý tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, http://www.nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/28552702-tap-trung-xu-ly-tinh-trang-no-dong-cham-dong-bao-hiem-xa-hoi.html, truy cập ngày 31/8/2017


[2]Còn nhiều bất cập trong xử lý vi phạm hành chính về an toàn, vệ sinh lao động, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=26170, truy cập ngày 31/8/2017.

[3] Năm công ty xuất khẩu lao động bị phạt gần một tỷ đồng, http://plo.vn/xa-hoi/nam-cong-ty-xuat-khau-lao-dong-bi-phat-gan-1-ti-dong-693925.html, truy cập ngày 31/8/2017.

[4] 92% doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra vi phạm nghĩa vụ thuế, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/phap-luat-kinh-doanh/92-doanh-nghiep-duoc-thanh-tra-kiem-tra-vi-pham-nghia-vu-thue-34944.html, truy cập ngày 31/8/2017.

 
[5] Tổng cục Thuế: mạnh tay xử lý doanh nghiệp mua, bán hóa đơn bất hợp pháp, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2016-10-21/manh-tay-xu-ly-dn-mua-ban-hoa-don-bat-hop-phap-36990.aspx, truy cập ngày 31/8/2017.
[6] Chỉ trong tháng 3 năm 2017, lực lượng C49 (Bộ Công an ) đã ra quyết định xử phạt đối với 5 doanh nghiệp vi phạm hành chính về môi trường. Đó là: Công ty Cổ phần Môi trường Tình Thương tại khu 6 thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã chôn lấp chất thải rắn thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường với khối lượng 50 mét khối; Công ty TNHH INJAE VINA Thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, chuyên sản xuất hàng may mặc bằng len xuất khẩu, đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường; Công ty TNHH công nghệ Đài Việt tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội, tái chế cao su từ săm lốp ô tô cũ, đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường; Công ty Cổ phần An Đông tại 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú ngắn ngày, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường; Công ty TNHH Môi trường Ngọc Lân tại 66/3 khu phố Bình Dương, phường An Bình, tỉnh Bình Dương, hoạt động trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, thu gom rác không độc hại, thế nhưng lại xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường (Xem “Năm doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường trong tháng ba”, http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?List=f73cebc3-9669-400e-b5fd-9e63a89949f0&ID=4126, truy cập ngày 28/8/2017).
 
[7] Đình chỉ hoạt động công ty mười lần xả thải ra sông, http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dinh-chi-hoat-dong-cong-ty-10-lan-xa-thai-ra-song-2911486.html; Chưa nộp phạt, Hào Dương vẫn xin hoạt động, http://news.zing.vn/chua-nop-phat-hao-duong-van-xin-hoat-dong-post530253.html, truy cập ngày 01/9/2017.
[8] Xử nặng doanh nghiệp “chây ì” nộp thuế, http://m.baocongthuong.com.vn/xu-nang-dn-chay-i-nop-thue.html, truy cập ngày 01/9/2017.
[9]Vi phạm thuế với doanh nghiệp giải thể: Lúc phạt, lúc không, http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170531/vi-pham-thue-voi-doanh-nghiep-giai-the-luc-phat-luc-khong/1323312.html, truy cập ngày 31/8/2017.

[10]Nghiêm Lan, “Xe dù, bến lậu” vì sao chưa xử lý triệt để, http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/xe-du-ben-lau-vi-sao-chua-xu-ly-triet-de_t114c1146n116401; Lâm Sơn, Vụ xe khách trá hình, bến lậu Thành Bưởi:"Con voi chui lọt lỗ kim" http://www.baogiaothong.vn/vu-xe-khach-tra-hinh-ben-lau-thanh-buoicon-voi-chui-lot-lo-kim-d189332.html, truy cập ngày 01/9/2017.

[11] Khánh Hồng, Bị kiện, Đà Nẵng hủy quyết định xử phạt doanh nghiệp 500 triệu đồng, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/bi-kien-da-nang-huy-quyet-dinh-xu-phat-doanh-nghiep-500-trieu-dong-20170512202822561.htm, truy cập ngày 01/9/2017.

 
[12] Bùi Trang, Hủy quyết định xử phạt, doanh nghiệp khó trở lại kinh doanh, http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/huy-quyet-dinh-xu-phat-doanh-nghiep-kho-tro-lai-kinh-doanh-188727.html, truy cập ngày 01/9/2017 .
[13]Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012 , Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC.
[14] Điểm e Khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012.
[15] PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp (Chủ biên), Bình luận khoa học Luật XLVPHC năm 2012, tập 1, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM, tr99.
[16] Nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 7 Luật XLVPHC 2012). 
[17] PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp (Chủ biên), Bình luận khoa học Luật XLVPHC năm 2012, tập 1, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM, tr 420.

Phạm Nguyệt Hằng (tổng hợp)