Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết số 04-NQ/TW

22/02/2019
Tăng cường, chỉnh đốn Đảng là vấn đề quan trọng và được Đảng ta rất quan tâm. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Do đó, tăng cường, chỉnh đốn Đảng là vấn đề không bao giờ nguôi tính thời sự và tăng cường, chỉnh đốn Đảng để nhằm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30 tháng 10 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (sau đây gọi là Nghị quyết số 04-NQ/TW) đã đề ra mục tiêu: “Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ Nhân dân. Củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng”. Ngày 16 tháng 11 năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/TW về việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW nêu trên, trong đó đề ra những nhiệm vụ cần thực hiện ngay và thường xuyên; những nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình. Theo đó, ngày 08 tháng 02 năm 2017, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Như vậy, về mặt cơ chế, chúng ta có nhiều văn bản của các cấp về vấn đề này, nhưng điều quan trọng là vấn đề nhận thức và việc quyết tâm thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng, củng cố Đảng là điều Bác Hồ luôn luôn trăn trở và  Bác cho đó là điều quan trọng hàng đầu để cách mạng thắng lợi, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Theo Bác, khi kháng chiến giành thắng lợi thì toàn đảng, toàn dân phải mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh. Để thực hiện được nhiệm vụ này, theo Bác: "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi". Và  "Khi cách mạng gặp khó khăn, chỉnh đốn Đảng để xây dựng thái độ bình tĩnh, sáng suốt, kiên định lập trường, lý tưởng; khi cách mạng trên đà thắng lợi, chỉnh đốn Đảng để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, chủ quan, tự mãn, lạc quan tếu; khi Đảng cầm quyền, đảng viên rất dễ bị đánh mất mình...". Điều đó khẳng định rằng, Đảng và Bác Hồ luôn coi việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, một số cán bộ cao cấp đã có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện… Điều đó làm tổn hại đến uy tín, vị thế của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc đấu tranh đầu cam go, quyết liệt.
Để góp phần tăng cường, chỉnh đốn Đảng, trước tiên phải học tập tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW. Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 04-NQ/TW là rất quan trọng, để cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề này. Trên thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hời hợt, chưa thực sự quyết tâm trong công cuộc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái. Do đó, các tổ chức đảng cơ sở phải thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, học tập và quán triệt Nghị quyết số 04 đến mỗi một cán bộ, đảng viên trong tổ chức cơ sở đảng của mình. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai là thực hành dân chủ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Bác Hồ đã chỉ ra: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ”, phát huy tự phê bình và phê bình, bởi vì: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh, nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”. Do đó, các cán bộ, Đảng viên phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và đột xuất theo quy định trên cơ sở cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đề cao tính gương mẫu, tự giác kiểm điểm, trách nhiệm nêu gương của cấp trên, người đứng đầu.
Thứ ba là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, của các cấp ủy Đảng. Nếu có vi phạm là kiên quyết xử lý, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Việc  xử lý cán bộ sai phạm sẽ làm trong sạch đội ngũ cán bộ, Đảng viên đồng thời làm tăng thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng. Qua đó, việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với cán bộ, đảng viên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, lấy đức làm gốc, lấy tài làm ngọn. Việc xây dựng đội ngũ đảng viên phải chú trọng cả về số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm yếu tố quan trọng. Vì suy cho cùng, đạo đức cách mạng của mỗi đảng viên chính là nội dung cơ bản của tăng cường, chỉnh đốn đảng, giúp đảng thêm trong sạch, vững mạnh.
 

Các tin khác