Vướng trong tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

08/08/2014
Theo quy định tại Điều 119 và 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính, để xác minh tình tiết vi phạm hoặc để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (đối với trường hợp chỉ phạt tiền) có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 119 và 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính, để xác minh tình tiết vi phạm hoặc để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (đối với trường hợp chỉ phạt tiền) có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Và để có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tạm giữ phải ban hành quyết định tạm giữ theo mẫu 14 ban hành kèm theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP và phải lập biên bản ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ, phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, giao cho người vi phạm 01 bản.

Như vậy, theo quy định trên thì khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính người ra quyết định tạm giữ phải có mặt tại hiện trường, phải có con dấu của cơ quan kèm theo…Quy định này đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bởi vì những người có thẩm quyền tạm giữ như Chủ tịch UBND các cấp thì không thể có mặt thường xuyên tại nơi xảy ra vi phạm để ký quyết định, biên bản.

Bên cạnh quy định nêu trên thì theo mẫu biên bản vi phạm hành chính số 01 ban hành kèm theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì có hướng dẫn ghi biện pháp ngăn chặn là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Và trên thực tế các cơ quan tham mưu khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì lập biên bản, trong đó thể hiện rõ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chứ không tham mưu người có thẩm quyền ban hành quyết định tạm giữ theo quy định.

Do giữa Luật xử lý vi phạm hành chính và biểu mẫu 01 của Nghị định 81 không thống nhất cho nên dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. Và để cho thuận tiện, nhanh chóng thì các cơ quan chuyên môn thường chọn áp dụng biểu mẫu 01 để ghi luôn việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thay vì phải làm theo trình tự, thủ tục là phải có quyết định tạm giữ, biên bản tạm giữ.

Theo quan điểm của người viết thì để áp dụng thống nhất pháp luật đối với trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng là khi lập biên bản vi phạm hành chính, nếu cần thiết phải áp dụng tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, ghi rõ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính người có thẩm quyền ban hành quyết định tạm giữ. Như vậy, sẽ thuận tiện và phù hợp với thực tế hơn trong quá trình áp dụng.